- Tại phiên giải trình của Chính phủ ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận báo cáo Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện Luật Giáo dục ĐH và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân phải đối mặt với việc tìm kiếm việc làm Ảnh: Lê Anh Dũng |
Số lượng cử nhân thất nghiệp tăng cao
Về vấn đề việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, ông Phạm Vũ Luận cho rằng tuy không phải là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về việc làm và giải quyết việc làm nhưng Bộ GDĐT là cơ quan phối hợp trong vấn đề giải quyết việc làm cho SV; có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra công tác tư vấn nghề nghiệp, dịch vụ việc làm cho học sinh, SV trong các cơ sở giáo dục đào tạo.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong những năm gần đây, quy mô đào tạo trình độ ĐH, CĐ gần như ổn định hoặc giảm nhẹ.
Thống kê thực tế cho thấy trong giai đoạn 2011 - 2014, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của các trường ĐH, CĐ đã giảm bình quân 2,5%/năm, hệ vừa học vừa làm giảm bình quân 18%/năm.
Về số sinh viên tốt nghiệp: Tổng số người tốt nghiệp có trình độ ĐH, CĐ năm 2011 là 318.400 người; năm 2012 là 402.300 người; năm 2013 là 425.200 người.
Trong giai đoạn 2011 - 2014, số lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng lên qua các năm, so sánh năm 2014 với năm 2010, tỷ lệ lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng 38%.
Tuy nhiên, theo ông Luận, số lao động trình độ ĐH, CĐ trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm; số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%.
Trên cơ sở báo cáo của hơn 100 trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp cho thấy, giai đoạn 2010 - 2014, trung bình tỉ lệ SV tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt khoảng 60%. Trong đó, có những cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ này cao hơn, khoảng 80 - 90%.
Học phí thấp cũng là nguyên nhân thất nghiệp
Ông Luận đã nêu ra một loạt những những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong ngành giáo dục đào tạo dẫn đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Trong số các nguyên nhân có điều kiện đảm bảo chất lượng của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo; một số trường ĐH (chủ yếu là trường ĐH địa phương và tư thục) có đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, uy tín và chất lượng đào tạo thấp, khả năng cạnh tranh thấp nên sinh viên khó tìm kiếm việc làm
Nhiều cơ sở GDĐH chưa chủ động đầu tư, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành, theo tiêu chuẩn mà xã hội cần; chủ yếu đào tạo trên cơ sở khả năng của trường; trách nhiệm đối với người học, đối với xã hội chưa cao.
Chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học – công nghệ; nội dung đào tạo nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hoạt động xã hội) cho người học…
Đáng chú ý là, ông Luận cho rằng “Học phí thấp dẫn đến suất đầu tư/ sinh viên thấp khiến cho các trường không có đủ nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở các nhà trường còn rất khiêm tốn khiến giáo viên, sinh viên không có điều kiện thực hiện nghiên cứu khoa học để cập nhật kiến thức, phát triển tư duy, thích nghi với môi trường khoa học công nghệ liên tục phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa”… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng của các cử nhân.
Ngân Anh