8 năm sau sự kiện 5 học sinh lớp 6 giải được đề thi đại học, 3 người được cấp học bổng, đã lên đường du học.
5 học sinh cùng thầy giáo Trần Phương. Ảnh: Tiền Phong. |
Năm 2007, khi học lớp 6, Nguyễn Minh Thắng, Lê Nguyễn Vương Linh, Hoàng Minh Sơn, Ngô Đặng Hải (đều sinh năm 1995) và Phạm Tiến Long (sinh năm 1996) “giải bay” đề thi đại học môn Toán khối B, với điểm số đạt từ 7,75 đến 8,25.
Sau ngày chung lớp học của thầy Trần Phương (khi đó là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu và Phát triển Các sản phẩm Trí tuệ), đạt thành tích đáng nể, 5 anh em tiếp tục học hành chăm chỉ. Thậm chí, để thuận tiện cho việc học tập, Nguyễn Mạnh Thắng chuyển từ Thái Bình lên ở nhà thầy Phương, được thầy nuôi dạy như con đẻ.
Đến nay, cả 5 em đều đạt những thành tích tốt trong học tập. Ba bạn lên đường du học. Trong đó, Lê Nguyễn Vương Linh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Là người khỏe mạnh nhưng từ bé bố mẹ vẫn cho Linh học trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu vì… gần nhà.
Cấp 2, Linh đỗ lớp 6 chuyên Hà Nội – Amsterdam với 25,25/30 điểm, xếp thứ ba của trường. Hết THCS, Linh được cấp học bổng sang Singapore học cấp ba. Tại đây, em được trao 50 huy chương và giấy khen các loại, trong đó có 12 huy chương vàng và bạc của các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Thiên văn học.
Lê Nguyễn Vương Linh cùng bố (bên trái) và thầy giáo trước ngày du học Mỹ. Ảnh: Tiền Phong. |
Chưa dừng lại ở đó, cậu là một trong những thành viên “đội giải đề đại học” năm nào còn khiến bạn bè nể phục khi cùng lúc giành học bổng toàn phần 3 trường nổi tiếng thế giới là National University (Singapore), Đại học Louis-Le-Grand (Pháp) và Đại học Colgate (Mỹ).
Với niềm yêu thích bộ môn Hóa - Sinh, Linh chọn Đại học Colgate với học bổng toàn phần 248.000 USD.
Không thua kém bạn, Phạm Tiến Long cũng có thành tích học tập tốt. Năm 2009, cậu học sinh của trường cấp 2 Trưng Vương xuất sắc giành huy chương vàng Olympic toán Singapore mở rộng.
Tốt nghiệp khối chuyên toán trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Long “xuất ngoại” với học bổng của Đại học Rochester Institute of Technology (RIT) Mỹ.
Cậu sinh viên năm 2 của RIT chia sẻ: “Mình học toán tốt hơn bạn bè trong lớp, chỉ chưa bằng trong cách suy nghĩ và đặt câu hỏi. Giảng viên ở đây coi sinh viên như đồng nghiệp nên mọi trao đổi đều thoải mái hơn ở Việt Nam rất nhiều”.
Hiện tại Long theo đuổi một số dự án thiết kế phần mềm. Cậu ước mong trở thành kỹ sư công nghệ thông tin và trở về Việt Nam làm việc.
Người đạt kết quả cao nhất (8,25 điểm) trong số 5 học sinh lớp 6 giải đề toán đại học năm 2007 là Ngô Đặng Hải, cùng trường Hà Nội - Amsterdam với Vương Linh. Trong đợt dự thi Olympic Khoa học Trẻ Quốc tế (2009), Hải đoạt huy chương đồng, dù trước khi lên đường cả đoàn không nghĩ em có giải. Theo lời thầy Trần Phương, Hải học muộn hơn các bạn một năm và đang chờ học bổng du học.
Cũng thỏa ước mơ mài kinh nấu sử ở nước ngoài, Nguyễn Minh Thắng từng sang Hàn Quốc du học, sau đó về nước học Đại học Kinh tế Quốc dân. Còn Hoàng Minh Sơn hiện là sinh viên Đại học Ngoại Thương Hà Nội.
Sau khóa học miễn phí kéo dài 150 giờ của thầy Phương, 5 học sinh lớp 6 đã tiếp thu được lượng kiến thức của cả 6 năm học (từ lớp 6 đến lớp 12). Kết quả là các em có thể giải ngon lành những đề bài của lớp 12 và cả đề thi đại học.
Ba trong số những thành viên lớp 6 giải đề thi đại học năm nào. Ảnh: VietNamNet. |
Giải "bay" đề thi đại học
Năm 2007, sau khi theo học lớp Toán “cáp treo” đặc biệt của thầy Trần Phương trong 10 tháng (mỗi tuần học một buổi), năm học sinh trên đã giải đề thi đại học khối B. Cán bộ trực tiếp chấm thi là thầy Nguyễn Thượng Võ - cựu giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam và cô Hà Thị Duyên - giáo viên trường THPT Marie Curie.
Kết quả, em Ngô Đặng Hải đạt điểm cao nhất: 8,25 điểm. Nguyễn Minh Thắng và Phạm Tiến Long được 8 điểm.
Hoàng Minh Sơn và Lê Nguyễn Vương Linh đạt 7,75 điểm. Thời điểm đó, thầy Trần Phương chia sẻ, đề Toán khối B khó nên hơi lo và chỉ mong các em làm được 6 điểm. “Tôi rất hài lòng, đặc biệt với bài bất đẳng thức, các em làm với nhiều cách khác nhau và có cách không giống đáp án của Bộ GD&ĐT", thầy Phương nói.
Theo ông, mục đích lớn nhất của khóa học không phải nhồi nhét kiến thức, mà quan trọng hơn là tạo cho học sinh phương pháp truy cập thông tin một cách nhanh nhất.
(Theo Zing)