- “Sốt sắng” nên nhiều phụ huynh lên chùa thắp hương cầu may, làm mâm xôi, con gà rồi tỉ mỉ hơn đến chuyện con phải ăn đỗ, không ăn lạc, mở cổng cho con.

TIN BÀI KHÁC




Thí sinh thắp hương cầu may trước kì thi ĐH-CĐ 2010 (Ảnh: Hoàng Giang)

Học khấn cả năm để cầu may cho con

Chị Nguyễn Thị Bảy có con học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, Vĩnh Phúc tâm sự: “Hồi cháu thi vào lớp 10 mình bận nên bà nội cháu đi chùa cúng cầu may cho cháu. Năm nay mùa vụ chưa tới, công việc rảnh mình đã lên kế hoạch cùng bà nội cháu đi lên chùa sắp ít cỗ nhờ các vị trên cao đoái hoài, giúp cháu vượt qua kì thi này”.

Chồng chị, anh Nghiêm Văn Châm tính sau khi đưa con đến nhập trường thi ngày 1/5, cả gia đình - gồm bà nội, anh chị và cậu con cùng lên chùa cầu may. Anh chia sẻ: “Có thờ có thiêng mà. Bốn người cùng cầu nguyện chắc các vị sẽ để tâm hơn (?!)”

Tương tự, sau khi tới làm thủ tục ngày 1/6, mẹ con em Thu Thảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cũng sẽ vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám thắp hương cầu may cho con. Phụ huynh của em T.Khánh, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú – Kim Liên (Hà Nội) sợ con lên chùa còn bị "tâm lí" hơn nên một mình chị sẽ tới đền Ngọc Sơn cầu giúp cho con.


Kì công hơn, cô Phạm Thanh Thảo, phụ huynh của Nguyễn Hoài Nam, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho hay: “Thằng Nam nhà cô năm nay thi tốt nghiệp THPT lại thi cả hai trường Đại học nữa, nên cô tạo điều kiện cho nó ôn tập bài vở. Mà có một số môn thi trắc nghiệm, cũng phần nào phụ thuộc vào may rủi. Suốt ba tháng vừa qua, ngày rằm, mùng một nào cô cũng vào chùa làng dâng lễ cầu khấn may mắn cho cháu”.

Ngày trước, dù vẫn thắp hương, bày cỗ nhưng chẳng mấy khi chị Nguyễn Thị Minh (có con đang học lớp 12 Trường THPT Đội Cấn, Vĩnh Phúc) biết khấn cho đúng “bài” theo các cụ trong nhà. Nay con chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp THPT, chị cũng lọ mọ tìm mua sách, tập khấn.
Ảnh: Hoàng Giang

Gần một năm chăm đọc, học khấn cho con những dịp ngày rằm, mùng một giờ chị khá thành thạo việc này. Chị thổ lộ: “Vẫn biết quan trọng là cái tâm nhưng cứ đứng một chỗ mà không có bài vở thì cũng không hay. Dịp này mình cũng học luôn các bài khấn, vái dịp Tết, ngày giỗ khác luôn”.

Cả nhà đi thi

Cô Nguyễn Thị Yến, phụ huynh của em Lan Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Cổ Loa (Hà Nội) than thở: “Nhà có mình nó đi thi mà cả nhà phải đi thi theo. Cô tạo điều kiện hết mức cho nó an tâm học bài, cắt hết các khoản giúp đỡ việc vặt trong nhà cho mẹ”.

Lo lắng vì con học khuya nhiều, kêu đau đầu nhiều nên cô thường mua thuốc bổ não cho con uống. Thậm chí, tranh thủ thời gian cô còn lên mạng “săn tìm” các món bồi bổ cho con.

Cô Thảo, mẹ của Hoài Nam chia sẻ thêm một số “tuyệt chiêu”: “ Đến ngày thi cũng có chế độ đặc biệt cho cháu như: không ăn các loại như lạc vì sẽ lạc đề, không ăn trứng vịt lộn vì sẽ dễ bị điểm 0, không ăn cái loại mì vì nó sẽ làm thằng bé nóng ruột, rối tung bài vở lên.

Không chỉ vậy, cô còn mua các loại đỗ về nấu chè, nấu cháo cho Nam mấy hôm nay. Các món đó vừa mát, thi dễ đỗ vì có từ “đỗ” đi kèm. Không những thế, gia đình cô còn thịt gà, thổi xôi cúng trước 6h sáng ngày thi đầu tiên, cho em nó ăn lộc xong thì mới lên đường.

Còn nữa nhé! Khi ra đường phải nhìn trước ngó sau xem có ai không, ra đường gặp “gái” thì đen lắm”.

Chẳng cứ gì nhà cô Thảo, gia đình anh Châm đã “bố trí” người gác cổng, mở cổng vào các buổi sáng con đi thi với “khẩu hiệu” cụ thể “an toàn là trên hết”, “cẩn tắc vô áy náy”

  • Văn Chung – Thanh Hòa