Việt Nam vượt qua nhiều nền giáo dục lớn như Mỹ, Pháp, Úc để vươn lên đứng thứ 12 trong Bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tờ BBC đưa tin.

{keywords}

12 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng chất lượng giáo dục dựa trên điểm thi toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 do OECD thực hiện.

Bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học trên cùng một tiêu chí, cùng một thang điểm so sánh chung cho cả các nước phát triển và đang phát triển.

Ông Andreas Shleicher, Giám đốc giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát biểu: “ Đây là lần đầu tiên, chúng tôi thực hiện một bảng xếp hạng với quy mô toàn cầu về chất lượng giáo dục”.

Quy mô bảng đánh giá lần này được mở rộng ra 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 1/3 các nước trên thế giới trong khi trước đây, các đánh giá thường chỉ tập trung xem xét ở các quốc gia phát triển.

Trong bảng xếp hạng lần này, 5 quốc gia đứng đầu gồm hoàn toàn các quốc gia ở châu Á, theo thứ tự là Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan. 5 nước xếp cuối bảng bao gồm Oman, Morocco, Honduras, Nam Phi và Ghana.

Việt Nam vinh dự xếp thứ 12, trong khi các nền giáo dục được coi là có chất lượng tốt nhất thế giới như Úc xếp vị trí thứ 14, Anh đứng thứ 20, Pháp thứ 23, Mỹ thứ 28 và Thụy Điển chỉ xếp thứ 35.

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lại khá khiêm tốn khi Thái Lan chỉ xếp thứ 47 và Malaysia thứ 52.

Ngoài ra, các nhà cố vấn của OECD cho biết những phân tích trong lần xếp hàng này còn cho thấy mối liên hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế.

{keywords}

Ông Andreas Shleicher, Giám đốc giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)

"Ý tưởng này của chúng tôi nhằm cung cấp cho nhiều quốc gia, cả giàu và nghèo những số liệu để họ có thể tự so sánh với những nước đang dẫn đầu về hệ thống giáo dục trên thế giới, để họ thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình, và xem xét những lợi ích kinh tế lâu dài có thể có từ việc cải thiện chất lượng trường học." - Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục của OECD cho biết.

Singapore, quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng, từng có tỷ lệ mù chữ khá cao vào những năm 1960. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về mối liên quan giữa giáo dục và sự phát triển kinh tế.

Nghiên cứu cho thấy, Anh hiện có khoảng 1/5 trẻ bỏ học khi chưa hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng việc giảm tình trạng bỏ học và nâng cao kỹ năng cho học sinh có thể mang lại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Anh sau này.

Tổ chức này cũng ước tính rằng nếu Ghana, quốc gia đứng cuối bảng, trang bị đầy đủ kỹ năng cơ bản cho tất cả các thiếu niên 15 tuổi, thì trong tương lai, GDP của nước này sẽ tăng đến 38 lần.

Ngoài ra, kết quả của bảng xếp hạng một lần nữa cho thấy sự yếu kém của Mỹ, khi xếp hạng của cường quốc số 1 thế giới này còn xếp sau nhiều nước châu Âu, châu Á và cả Việt Nam.

Những số liệu này cũng làm nổi bật sự suy giảm của Thụy Điển, trong bối cảnh OECD vừa cảnh báo nước này có vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục của mình.

Được biết, những số liệu và bảng xếp hạng này sẽ chính thức được công bố tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới tổ chức ở Hàn Quốc trong tuần tới, nơi Liên Hiệp Quốc triệu tập một Hội nghị bàn về mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn cầu vào năm 2030.

  • Thu Phương (Theo BBC lược dịch)