- Học sinh ngủ dậy xếp chăn màn gọn gàng, ăn sáng rồi... tới giờ ngồi học.  Lớp học "3 trong 1" này đã hoạt động được hai tháng nay giúp xóa mù chữ Nôm Dao cho học sinh mọi lứa tuổi ở Bắc Kạn được ông Triệu Tiến Vinh tự bỏ tiền, bỏ công sức xây dựng.

Ông Triệu Tiến Vinh ở thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã chính thức đưa lớp dạy chữ Nôm Dao vào giảng dạy được hơn 2 tháng.

Ông cũng dự định sau 9 tháng những học sinh tốt nghiệp sẽ được xóa mù chữ Nôm Dao, đọc được các cuốn sách cổ mà hầu như gia đình người Dao nào cũng có từ đời ông cha để lại.

Ấp ủ hơn chục năm, nay đã ngoài 60 tuổi ông Vinh mới thực hiện được ước mơ gìn giữ văn hóa dân tộc đang hàng ngày mai một trong lớp trẻ ngày nay. Để có được cơ sở dạy, học, ông Vinh đã bỏ ra gần 200 triệu đồng tiền ky cóp từ nhiều năm để xây dựng lớp học và khu nội trú dành cho các học sinh ở xa.

Ông Vinh hồ hởi khoe, kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua, cơ sở dạy học của ông được chính quyền mượn để tổ chức làm điểm bầu cử.

Để duy trì lớp học, ông Vinh cho biết mỗi học sinh phải đóng 400 ngàn đồng/tháng và ông tạo điều kiện cho học sinh làm thêm ở chính đồi chè nhà ông để tăng thu nhập. Tới lớp học sinh không chỉ học mà có giường ngủ, cùng với khu nấu ăn cạnh bên...

Dưới đây là những hình ảnh ghi tại lớp học xóa mù "3 trong 1".


Nằm cạnh tỉnh lộ 254 nối huyện Định Hóa (Thái Nguyên) với hồ Ba Bể (Bắc Kạn), lớp học chữ Nôm Dao đã đi vào hoạt động hơn 2 tháng


Hàng ngày ông Triệu Tiến Vinh lên lớp sáng từ 7h30 đến 11h, chiều từ 1h30 đến 5h.

Lớp học và khu nội trú được xây dựng khá khang trang do bố con ông Vinh tự tay làm trong 11 tháng, phía mặt ngoài quay ra tỉnh lộ có gắn biển đề tên lớp học cả bằng chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Dao.



Ở khu phụ ông Vinh kẻ các dòng chữ bằng cả chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Dao nhằm nhắc nhở về vệ sinh và tinh thần tiết kiệm cho các học sinh.

Vào đầu mỗi buổi học ông Vinh đều điểm danh.

Lớp học hiện có 16 học sinh tuổi từ 14 đến 21, đa phần bỏ học ở trường công lập vì nhiều lý do và thường rất nghịch ngợm nên ông Vinh vẫn thường phải vào tận giường đánh thức những học sinh “thèm” ngủ hơn học vào mỗi đầu giờ học.

Không có một học sinh nữ nào trong lớp học này do quan niệm của người Dao xưa chỉ đàn ông được học chữ.

Vào đầu mỗi giờ học, học sinh phải kiểm tra lại bài cũ.

Bộ dụng cụ học tập của học sinh gồm bút lông, vở và nghiên đựng mực tàu tận dụng từ những hộp xi đánh giầy.
Giờ tập viết
Một học sinh thoải mái sử dụng điện thoại trong giờ học.
Điểm đặc biệt ở lớp học này là phần lớn học sinh đã bỏ học nhưng rất tự giác và hứng thú với chữ Nôm Dao, giờ nghỉ giải lao, nhiều học sinh vẫn say mê với các những dòng chữ Nôm Dao trên bảng
  • Lê Anh Dũng