Các trường đại học ở Trung Quốc đang đứng trước một sự thực: số sinh viên ngày càng giảm, thời kỳ vinh quang của ngành đã đi qua. Để tồn tại, họ nhất thiết phải cải tổ.
Chất lượng thấp là một trong những yếu tố khiến nhiều học sinh Trung Quốc quay lưng lại với hệ thống đại học trong nước.
Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Internet)
Thí sinh ngày càng ít
Năm nay, tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc có 855.000 học sinh đăng ký dự thi kỳ thi tuyển sinh đại học tổ chức vào tháng 6 tới, cao nhất nước. Nhưng so với năm ngoái, con số đó đã giảm 97.000 người - mức giảm nhiều nhất kể từ khi số thí sinh của tỉnh này đạt đỉnh vào năm 2008. Hà Nam tuy nghèo nhưng là địa phương luôn dẫn đầu về số thí sinh dự thi đại học. Ở tỉnh Sơn Đông, xếp thứ nhì, số thí sinh cũng bị giảm năm thứ ba liên tiếp.
Điều đáng lưu ý là sự sụt giảm đó không chỉ có ở Hà Nam và Sơn Đông mà đang trở thành xu hướng chung. Theo một báo cáo trên trang web “eol.cn”, chuyên thông tin về giáo dục Trung Quốc, số thí sinh đăng ký dự thi đại học năm nay giảm 10% ở tỉnh An Huy, 6% ở Bắc Kinh và 12% ở Thượng Hải. Trên bình diện cả nước, năm 2008 là năm có số thí sinh dự thi đại học cao nhất, giảm dần vào các năm 2009, 2010 và năm nay giảm khoảng 1 triệu người. Nếu xu hướng này kéo dài, nhiều trường đại học ở Trung Quốc phải đóng cửa vì không tuyển đủ sinh viên!
Chất lượng giảm, cơ hội du học tăng
Tình trạng suy giảm số thí sinh đại học ở Trung Quốc là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân như tỷ lệ sinh đẻ giảm do chính sách “mỗi gia đình chỉ có một con”, chất lượng đào tạo đại học thấp hơn kỳ vọng, khó khăn của kỳ thi tuyển sinh và du học dễ dàng hơn.
Cũng như ở nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc là cuộc chạy đua “một mất một còn” của thanh niên, là cơ hội đổi đời mỗi năm chỉ có một lần, đòi hỏi mỗi thí sinh phải nỗ lực tối đa, thậm chí phải gian lận để được trúng tuyển. Để thành công trong kỳ tuyển sinh đại học, nhiều học sinh Trung Quốc đã tốt nghiệp phổ thông còn phải học thêm một vài năm hoặc dự thi vài lần. Ở tỉnh Hà Nam, một phần ba số thí sinh dự thi không phải là đi thi lần đầu. “Năm nay, nhiều học sinh thi lại lần hai đã bỏ cuộc vì sự cạnh tranh quá gay gắt và điều đó làm cho số thí sinh giảm mạnh”, ông Chen Daji, viên chức phụ trách tuyển sinh của sở giáo dục địa phương, giải thích.
Chất lượng đào tạo thấp cũng là yếu tố khiến nhiều học sinh quay lưng lại với hệ thống đại học trong nước. Ông Qi, một công dân thành phố Luoyang, nhận xét: “Đáng mừng là Trung Quốc đã có nhiều trường đại học và khu học xá hiện đại, nhưng ít có trường đại học nào khuyến khích sự sáng tạo và nuôi dưỡng tài năng”. Và cũng như nhiều bậc phụ huynh giàu có khác, ông Qi đã nộp hồ sơ cho cậu con trai duy nhất năm nay 18 tuổi vào một trường đại học bên Mỹ, thông qua một trong rất nhiều công ty tư vấn du học ở thành phố.
Theo số liệu của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, năm học 2009-2010 số sinh viên Trung Quốc đăng ký vào các đại học Mỹ tăng tới 30% so với năm trước, lên mức 128.000 người, chiếm 18% tổng số sinh viên nước ngoài tại Mỹ và Trung Quốc trở thành nước có nhiều sinh viên du học tại Mỹ nhất.
Ông Yang Fei, giám đốc một công ty tư vấn du học có trụ sở ở thành phố Thường Châu nói rằng, công việc kinh doanh phát triển mạnh từ năm 2008, nhờ sự tăng giá của đồng nhân dân tệ và sự xuống cấp của các trường đại học trong nước, khiến cho du học nước ngoài trở thành lựa chọn được hầu hết học sinh trung học ưa thích. “Hồi trước, chỉ những học sinh có học lực kém mới tìm tới chúng tôi vì họ không thể trúng tuyển vào đại học trong nước. Nhưng bây giờ cả những học sinh giỏi cũng là khách hàng của chúng tôi”, ông Yang nói. Chính sách “một con” và kinh tế tăng trưởng nhanh khiến giới trung lưu đô thị Trung Quốc có mong muốn và có điều kiện tài chính để đầu tư cho con cái đi du học ở phương Tây. Một tấm bằng tốt nghiệp đại học ở Anh, Mỹ, Úc cũng là một ưu thế quan trọng để giành được những công việc nhàn hạ, lương cao ở các trung tâm kinh tế lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu, Trùng Khánh và nhiều thành phố khác.
Để cạnh tranh với các công ty tư vấn và khai thác món lợi từ trào lưu du học, nhiều trường trung học Trung Quốc đã mở ra các trung tâm du học riêng, cung cấp thông tin, hướng dẫn các thủ tục và mở các lớp luyện thi ngoại ngữ cho học sinh của mình. Theo sở giáo dục tỉnh Hà Nam, hiện có hơn 40 trường phổ thông trung học trong tỉnh đang chờ được cấp giấy phép triển khai các chương trình hợp tác quốc tế và 20 trường khác đã mở các lớp học dành riêng cho các học sinh có kế hoạch đi du học sau khi tốt nghiệp trung học.
Kích thích đổi mới đại học
Xu hướng trên đã đặt hệ thống đại học Trung Quốc trước những thách thức mới, đặc biệt là hệ thống trường đại học tư nhân, vốn bùng nổ như nấm sau mưa trong 15 năm gần đây. Ông Xia Tao, phụ trách tuyển sinh của một trường đại học tư ở tỉnh Sơn Đông nói rằng, số thí sinh đăng ký giảm đe dọa mọi hoạt động của trường, vì nguồn thu của trường dựa chủ yếu vào tiền học phí mà sinh viên đóng. “Việc tuyển sinh của các đại học tư càng khó khăn gấp bội vì trường tư không được đánh giá cao như trường công. Tình hình hiện thời giống như xát muối vào những vết thương đã mưng mủ”, ông Xia nói.
Theo các chuyên gia giáo dục, nguồn cung cấp sinh viên bị suy giảm đang gây ra cuộc khủng hoảng tài chính cho hệ thống đại học Trung Quốc. Nhiều trường dân lập, do thứ hạng thấp và tuyển sinh khó khăn, đang đi tới bờ vực vỡ nợ. Nếu số thí sinh dự thi đại học tiếp tục sụt giảm, có nguy cơ nhiều trường đại học tư kiểu này phải đóng cửa.
Ngay cả hệ thống đại học công lập rộng lớn ở nước này cũng bị thiệt hại. Ông Deng Xiangchao, phó hiệu trưởng Trường Nghệ thuật thuộc Đại học Jianzhu Sơn Đông nói rằng, nhiều trường đại học công lập muốn tuyển nhiều sinh viên để có tiền thanh toán các món nợ khổng lồ mà họ đã vay mượn để mở rộng quy mô vào các năm trước nhưng tình hình hiện thời đặt cho họ những khó khăn lớn.
“Khủng hoảng không nhất thiết là điều xấu. Nó cho thấy sự bất mãn của công chúng đối với chất lượng ngày càng kém cỏi của giáo dục đại học và thúc đẩy các trường đại học tiến hành cải cách”, ông Deng nói. Từ năm 1999, khi Chính phủ Trung Quốc kêu gọi phổ cập giáo dục bậc cao, các trường đại học nước này đã lao vào cuộc chạy đua xây dựng những khu học xá rộng lớn và theo ông Deng, bây giờ là lúc họ phải quan tâm nhiều hơn tới chất lượng đào tạo và gắn việc đào tạo với nền kinh tế để sinh viên ra trường dễ tìm được việc làm thay vì “tốt nghiệp rồi thất nghiệp” như hiện nay.
-
(Nguồn: Tân hoa xã)