Phát biểu của chủ nhân giải Nobel Tim Hunt về phụ nữ làm khoa học hồi tuần trước được coi là một trong những hành động vạ miệng tồi tệ nhất trong lịch sử học thuật.

Như ông chia sẻ với tờ Observer, phản ứng của dư luận với nhận xét của ông đã gần như kết thúc sự nghiệp của nhà khoa học 72 tuổi với tư cách là cố vấn khoa học cao cấp của ĐH College London.

{keywords}

Tim Hunt và vợ - bà Mary Collins chụp tại nhà của họ ở Hertfordshire.

Ảnh: Observer

Ông thừa nhận những gì mình nói là sai lầm, nhưng cái giá mà ông và vợ phải trả cho lỗi lầm này thật kinh khủng và không công bằng.

Vợ ông – giáo sư Mary Collins, một trong những nhà miễn dịch học đầu ngành của Anh – cũng bày tỏ sự phẫn nộ. Bà cho rằng ĐH College London đã cư xử “hoàn toàn không thể chấp nhận được” trong việc gây sức ép tới cả hai vợ chồng ông cũng như việc không ủng hộ những lý lẽ của họ.

Trường hợp của Tim Hunt cho thấy thế giới khoa học có vẻ cũng tàn khốc như chính trường.

Hậu quả mà ông phải nhận cũng cho thấy sự tàn ác vốn có của truyền thông xã hội, và đặc biệt là sức mạnh kinh khủng của Twitter – kênh đầu tiên tiết lộ sự cố của nhà khoa học người Anh.

Câu chuyện cũng cho thấy cách mà bộ phận PR làm việc. Họ chỉ cố gắng bảo vệ danh tiếng của tổ chức mà không hề đoái hoài gì tới những người đang làm việc cho tổ chức đó, thậm chí là những người làm nên danh tiếng của tổ chức đó.

Ông Hunt và bà Collins hiện đang sống trong một ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng ở vùng nông thôn Hertfordshire, nước Anh. Căn phòng chính của ngôi nhà cũng giống như các ngóc ngách khác chật ních sách, chủ yếu là sách khoa học, nấu ăn và làm vườn. Có một bức tranh của Warhol treo trên tường và một cặp tranh thời Trung cổ của bố ông – một nhà sử học của Oxford để lại.

Ngôi nhà có một khu vườn nhìn ra những ngọn đồi, trong vườn có trồng vài cây mộc qua trông rất khỏe khoắn. “Khi Tim không đi công tác, ông ấy làm tất cả mọi việc nấu nướng và đi mua sắm” – bà Collins chia sẻ. “Ông ấy thực sự là một đầu bếp giỏi. Các con gái của chúng tôi đều thích ông ấy nấu hơn tôi. Và chắc chắn ông ấy không phải là một kẻ già nua, bảo thủ. Ông ấy chỉ hay nói những điều ngớ ngẩn thôi”.

{keywords}

Tim Hunt tại nhà ở Hertfordshire. Ảnh: Observer

Ngồi trên sofa cùng vợ, ông Hunt cố giải thích tại sao ông lại nói ra những lời khiến ông gặp rắc rối, trong khi đó bà Collins thì than thở trong tuyệt vọng khi nghe ông kể lại.

Hunt được mời tới hội thảo quốc tế của các nhà báo khoa học diễn ra tại Seoul và được đề nghị phát biểu về các nhà khoa học nữ. Phát biểu ngắn gọn chỉ có 39 từ nhưng đã khiến ông điêu đứng.

“Hãy để tôi nói cho bạn nghe về những rắc rối của tôi với các cô gái. Có 3 điều xảy ra khi họ ở trong phòng thí nghiệm: Bạn yêu họ, họ yêu bạn và khi bạn phê bình thì họ khóc” – ông nói với các đại biểu.

“Tôi đã đứng dậy và nói những điều điên rồ” – ông thừa nhận. “Tôi đã rất lo lắng và hơi bối rối nhưng, vâng, tôi đã nói những câu đó – những điều không thể tha thứ, nhưng tôi đã nói một cách rất hài hước và mỉa mai. Có một số người lịch sự vỗ tay và tôi nghĩ mọi thứ vẫn ổn. Không ai buộc tội tôi là một con lợn phân biệt giới tính”.

Bà Collins ôm chặt đầu khi nghe chồng kể lại. “Đó là những câu nói ngu ngốc đến mức không thể tin được” – bà nói. “Anh có thể hiểu tại sao những câu nói đó là nguyên nhân khiến người ta công kích ông ấy nếu anh không biết ông ấy từ trước. Nhưng thực sự, đó chỉ là một phần trong con người ông ấy. Ông ấy theo học ở trường nam sinh từ  những năm 60, nhưng ông ấy không phải người phân biệt giới tính. Tôi là người ủng hộ nữ quyền, và tôi sẽ không thể chung sống với ông ấy nếu ông ấy phân biệt giới tính” – bà nói với phóng viên.

Ông Hunt cho rằng những câu nói của mình là sự hài hước, nhưng dư luận lại không nghĩ như vậy. Một, hai người bắt đầu chia sẻ phát biểu của ông trên Twitter và chỉ trong vài giờ, ông trở thành trung tâm của một chiến dịch truyền thông xã hội đầy ác ý. Ông bị người ta gọi là một “tên ngốc phân biệt giới tính”, “một nhà khoa học ghét đàn bà”, thậm chí có người đề nghị Hiệp hội Khoa học hoàng gia loại ông ra khỏi danh sách thành viên.

Sáng hôm sau, khi đang ở sân bay Seoul, ông mơ hồ nhận ra một cơn bão truyền thông đang ập đến khi chương trình Today của BBC Radio 4 nhắn tin đề nghị phỏng vấn ông. Ông đã ghi âm lại một tin nhắn thoại diễn đạt vụng về để gửi cho họ. “Đó không phải là một cuộc phỏng vấn. Lúc đó là 1 giờ sáng ở Anh và tôi được đề nghị ghi âm lại tin nhắn. Nghe như có chuyện gì đó nghiêm trọng”.

Sau khi chương trình Today phát sóng, lúc đó ông Hunt vẫn đang trên chuyến bay về Anh, trường ĐH College London đã gọi cho bà Collins. Bà hiện đang là giáo sư và là nguyên trưởng khoa ở đó, còn ông Hunt là nhà nghiên cứu danh dự.

“Một lãnh đạo của trường nói với tôi rằng Tim phải từ chức ngay lập tức hoặc sẽ bị sa thải, mặc dù họ nói với tôi rằng họ sẽ xử lý chuyện này rất nhẹ nhàng. Tim đã gửi email xin từ chức khi về đến nhà. Nhà trường ngay lập tức tuyên bố đề nghị từ chức của ông trên website và bắt đầu thông báo trên Twitter rằng họ đã thoát khỏi ông ấy. Về cơ bản họ đã ruồng bỏ chúng tôi. Chắc chắn họ đã không xử sự nhẹ nhàng. Tôi không nhận được cảnh báo nào về thông báo đó và không hề nhận được đề nghị giúp đỡ, ngay cả khi tôi đã làm việc ở đó gần 20 năm. Điều đó khiến tôi tổn thương. Việc họ làm là không thể chấp nhận được”.

Nhiều tờ báo trên khắp thế giới đề cập tới câu chuyện này với những cái tựa nói rằng ông Hunt đã bị UCL sa thải vì phân biệt giới tính. Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) mà ông Hunt nằm trong ủy ban khoa học – quyết định buộc ông phải từ chức sau khi đã từ chức khỏi UCL. “Điều đó thực sự gây tổn thương. Tôi đã dành nhiều năm giúp gây dựng hiệp hội. Tôi đã bỏ làm việc trong phòng thí nghiệm để giúp quảng bá khoa học châu Âu cho ERC”.

Cùng lúc đó, ngôi nhà của họ được các phóng viên ghé thăm. “Một phóng viên nói rằng họ đã tìm ra chồng cũ của tôi”.

Anh ta nói mọi thứ rất nhẹ nhàng thôi và tôi cần lên tiếng. Tôi đã không làm vậy, nhưng đã có một đêm mất ngủ. Thực ra nó không hề nhẹ nhàng chút nào. Đó là câu chuyện về một người phụ nữ, là tôi – người đã ly hôn một người đàn ông, rồi sau đó cưới một người khác là Tim. Nhưng nó vẫn thật khủng khiếp”.

Các tổ chức như Hiệp hội Khoa học hoàng gia – nơi Hunt là thành viên – cũng yêu cầu ông phải có lời xin lỗi chính thức hơn về những phát ngôn ở Hàn Quốc. Trong vòng 2 ngày, sức ép khiến họ tuyệt vọng. “Tim ngồi trên sofa và bắt đầu khóc” – bà Collins nói. “Rồi tôi cũng bắt đầu khóc. Chúng tôi dựa vào nhau”.

Tuy nhiên, cuối tuần này, một số nhà khoa học nữ và các nhà phê bình đã lên tiếng bảo vệ ông Hunt, trong đó có nhà sinh học thực vật, giáo sư Ottoline Leyser của ĐH Cambridge.

“Thầy Tim đã dạy tôi ở đại học và tôi biết ông đã nhiều năm” – cô nói với Observer. “Tôi biết rằng ông không phải là người phân biệt giới tính theo bất cứ cách nào. Tôi không biết tại sao ông nói những điều ngu ngốc ấy, nhưng cái cách mà ông nói hàm ý rằng phụ nữ làm khoa học đang trải qua một giai đoạn kinh khủng. Điều đó không đúng với tất cả mọi người. Với tôi, tôi đã có một thời gian tuyệt vời”.

Dame Athene Donald – giáo sư vật lý thực nghiệm ở Cambridge cũng ủng hộ Hunt. “Trong thời gian làm việc cùng, ông ấy luôn ủng hộ những hoạt động bình đẳng giới của ERC. Những bình luận của ông ở Hàn Quốc rõ ràng là không phù hợp và không thể bao che, nhưng… ông ấy đã làm việc không mệt mỏi trong việc ủng hộ các nhà khoa học trẻ của cả 2 giới”.

Ông Hunt không hề ảo tưởng về những hậu quả. “Tôi đã hi vọng làm được nhiều hơn để giúp thúc đẩy khoa học ở đất nước này và ở châu Âu, nhưng tôi không hiểu điều đó sẽ . diễn ra như thế nào. Tôi trở thành một thứ độc hại. Tôi bị đem hong khô bởi các tổ chức học thuật – những người thậm chí còn không màng gì tới việc tôi có cần giúp đỡ hay không”.

Bà Collins cũng trong tình trạng bất ổn. “Mối quan hệ của tôi với UCL bị ảnh hưởng nặng nề. Họ đẩy Tim và tôi xuống. Họ chỉ quan tâm tới danh tiếng của mình, mà không hề quan tâm tới quyền lợi của nhân viên”.

Với Tim Hunt, chỉ có một điều duy nhất trong câu chuyện nghiệt ngã này an ủi ông phần nào. “Tôi nghĩ rằng bây giờ có lẽ tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc vườn tược, đặc biệt là mấy cây mộc qua”.

  • Nguyễn Thảo (Theo Guardian)