- Từ ngày 17 đến 23/6, học sinh Pháp đang có cuộc thi THPT lấy bằng  Baccalauréat (thường gọi tắt là BAC). Kết quả của kỳ thi sẽ được đa số các trường đại học công lập lấy làm tiêu chí để xét tuyển sinh viên (có thể hình dung như hình thức thi "một chung" tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH).

Kỳ thi BAC hàng năm đều bắt đầu bằng một bài thi khá hóc búa : Triết học. Tùy theo từng ban (Ban Kinh tế, Ban Văn chương, Ban Khoa học, Ban Công nghệ) mà đề thi có sự khác biệt.

Một trong hai đề thi môn triết học của ban Văn chương yêu cầu học sinh viết bài nghị luận xung quanh khái niệm tự do.

Cụ thể, chủ đề như sau: "Suis-je ce que mon passé a fait de moi? (Có phải tôi là cái mà quá khứ đã làm ra tôi?)

Trên tờ báo L'Express ra ngày 18/6 giới thiệu "gợi ý làm đề thi" của một giáo viên triết học. Dưới đây là cách tiếp cận đề thi của giáo viên này.

{keywords}

Chủ đề này kinh điển hơn chủ đề một (chủ đề một: "Respecter tout être vivant est-ce un devoir moral? (Tôn trọng mọi sinh vật có phải là một bổn phận đạo đức?").

Nó đề cập đến bản sắc cá nhân được Locke rất thích thú.

Chủ đề hướng đến một ý nghĩa mà ở đó đề cập đến vấn đề quyết định luận, nghĩa là để biết ta có bị giam trong một logic về cấu thành bản thân từ các sự kiện của quá khứ . Khi đó, cần phải tự hỏi: "Trong chừng mực nào, quá khứ ảnh hưởng đến tồn tại hiện nay của tôi? Đó là ảnh hưởng chung cuộc hay phần nào?'.

Ý tưởng "quá khứ cấu thành cá nhân" đặt ra vấn đề triệt tiêu tự do của chủ thể. Mặt khác, có một dạng khách quan hóa quá khứ như thể quá khứ là một thế lực bên ngoài bản thân mà không phải là chính bản thân . Tuy vậy, khi quá khứ có ảnh hưởng đến tôi thì điều đó có ngăn tôi nắm số phận của mình trong tay không? Quyết định luận có phải là tối thượng tới mức ngăn cấm tất cả các biểu hiện của tự do cá nhân tôi?

Dàn bài có thể:

l- Quá khứ cấu thành nên tôi và khiến tôi nhìn thế giới theo một cách nào đó.

ll-Quyết định luận đó không phủ nhận tồn tại của tự do cá nhân tôi.

lll- Tôi tự quyết định bản thân mình ở mỗi thời điểm qua các lựa chọn và hành động, đó là điều kiện của tự quyết và như vầy của tự do.

Phần một

Người ta không thể chối bỏ ảnh hưởng của quá khứ lên mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta có một lịch sử cá nhân nó dạy mình nhìn thế giới qua lăng kính của các kinh nghiệm cá nhân. Lịch sử cá nhân đó là kết quả của một quyết định luận có tính xã hội, nghĩa là tùy thuộc vào môi trường trong đó chúng ta tiến triển, chúng ta sẽ được định hình khác nhau.

Ta có thể viện dẫn ở đây Bourdieu trong cuốn Sự tái tạo. Ông đã chỉ ra xã hội đã được tổ chức ra sao tùy theo các nơi nắm quyến lực đã quyết định các cá nhân và tạo ra các tập tục, nghĩa là các ma trận (hình mẫu) để tri giác thế giới tùy theo hoàn cảnh trong đó chủ thể tiến triển.

Phần hai

Tuy vậy, cái quy định xã hội hay cá nhân đó không phá vỡ cái khiến cho ta trở thành một con người, đó là tự do. Chúng ta tồn tại tự do mặc cho các quy định luận ảnh hưởng tới mình và không bị giam trong một thế giới kín như các con vật .

Như vậy luôn có thể thể hiện tự do của ta bời vì như Sartre đã chỉ ra trong cuốn "Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân văn", chúng ta bị kết tội là phải tự do. Ở mỗi thời điểm, ta luôn có thể nói không và chống lại quyết định luận đè lên ta. Điều đó đòi hỏi ta phải ý thức được các quyết định luận mà bản thân chịu chi phối, những cái này là mục tiêu của Bourdieu.

Phần ba

Ý thức được rằng lịch sử cá nhân ta không được viết trước và ta luôn là chủ số phận mình dẫn tới sự tự quyết, nghĩa là tới việc định hình các luật lệ và tương lai của chính ta. Ta tự giải phóng khỏi mọi quyết định luận và mọi lệ thuộc vào các chỉ đạo về ý thức .

Mục tiêu về tự quyết và giải phóng là mong muốn của Kant và của các triết gia thời kỳ Ánh sáng. Trong cuốn "Ánh sáng là gì?", triết gia Đức cổ súy cho giải phóng cá nhân để mỗi người tự phán quyết mình và là tác giả của sự tồn tại của bản thân.

Kết luận

Cuối cùng, nếu quá khứ có ảnh hưởng nào đó đến tồn tại của tôi thì tôi vẫn là và trên hết là một con người tự do, một con người có khả năng chọn lựa cái mà tôi muốn trở thành. Chính là tự lựa chọn cho mình mà tôi trở thành một con người tự quyết.

  • Đào Bá Cung (dịch)

Các chủ đề của môn thi Triết học kỳ thi BAC 2015

Ban Văn chương (Bac de Littérature)

Đề 1 : Tôn trọng tất cả những bản thể sống là một nghĩa vụ đạo đức?

Đề 2 : Phải chăng tôi chính là thành phẩm của quá khứ bản thân?

Ban Khoa học (Bac Scientifique):

Đề 1 : Phải chăng một tác phẩm nghệ thuật luôn có cùng một ý nghĩa?

Đề 2 : Phải chăng chính trị có thể thoát ly ra khỏi sự ràng buộc của chân lý?

Ban Kinh tế và Xã hội (Bac Economique et Social):

Đề 1: Ý thức cá thể phải chăng chỉ là sự phản ánh của xã hội trong đó cá thể sống?

Đề 2 : Phải chăng người nghệ sĩ đem ra điều gì đó để hiểu?

Ban Kỹ thuật (Bac Technologique):

Đề 1 : Văn hoá có làm nên con người?

Đề 2 : Chúng ta có thể hạnh phúc mà không cần tự do không?

(Theo Nguyễn Khánh Trung - Tia Sáng)