- Thành quả suốt 4 năm rèn luyện của 19 sinh viên khoa Diễn viên sân khấu điện ảnh đã đến ngày được công nhận với vở kịch "Ông không phải là bố tôi" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Được viết cách đây hơn 20 năm nhưng cho đến nay, những mối quan hệ gia đình trong vở kịch vẫn nóng bỏng tính thời sự, yếu tố thời đại vẫn là bài học cho mỗi người trong cuộc sống hiện đại.

Trong buổi biểu diễn tốt nghiệp, dù chịu áp lực thi cử nhưng vở diễn của những nghệ sỹ tương lai được đào tạo chuyên nghiệp vẫn khiến khán giả ở Rạp Công nhân rơi nước mắt.

Cùng xem lại những khoảng khắc xúc động của vở kịch và thưởng thức khả năng hóa thân vào vai diễn rất có thần thái của lớp diễn viên trẻ của ĐH Sân khấu điện ảnh, dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Phan Trọng Thành và NSND Doãn Châu thiết kế mỹ thuật.

Cao Chí Nhân vai Nguyễn Mạnh Thiết (nam chính) cũng là người chỉ đạo biểu diễn. Bắt đầu vở kịch, vai Thiết do Nhân đảm nhận đã khắc họa được ấn tượng là một nhân vật mang đầy tính toán thực dụng và thù hận cá nhân.
Lại Văn Ủng do SV Nguyễn Mạnh Hưng diễn, đau khổ vì đứa con trai duy nhất vì muốn giữ căn nhà mà kiên quyết phủ nhận quan hệ cha con.
Vở kịch bắt đầu bằng phiên tòa xử "mối quan hệ cha con", vì những uẩn khúc quá khứ và lợi ích hiện tại, con trai ông Ủng là Thiết đã kiên quyết không nhận cha.
Nguồn cơn của hiện tại phũ phàng hôm nay là ở quá khứ. Khi đó, Thiết (SV Nguyễn Quang Minh) mới 13 tuổi được mẹ (bà Nhân do SV Hoàng Thị Sâm) đưa lên thành phố tìm cha là ông Ủng ( SV Bùi Sơn Nam ) hiện đang là cán bộ hoạt động trong tổ chức.
Ông Ủng được coi là một cán bộ trẻ có cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, sau khi ông Hỏa (SV Trần Việt Bắc) thông báo về lai lịch bất minh của ông bố vợ (cha của bà Nhân) thì cơ hội đó có nguy cơ phải tìm người khác thay thế.
Ông Ủng, vì sự ấu trĩ của mình, đã từ bỏ vợ con để không làm ảnh hưởng đến lí lịch của mình. Từ đó, nuôi trong lòng Thiết là sự hận thù đối với cha. Vai diễn bà Nhân của SV chỉ xuất hiện trong phân cảnh này nhưng đã tạo dựng được dấu ấn về hình ảnh người phụ nữ nông dân lam lũ, chân chất nhưng biết rộng lượng tha thứ ngay cả khi bị phụ bạc.
Sau này, khi Thiết thành đạt, mẹ mất, thay vì nghe lời mẹ để tha thứ cho bố, Thiết đã đón ông Ủng về sống cùng vì tưởng rằng ông làm to, có chức quyền và nhiều mối quan hệ để lợi dụng. Thiết là nhân vật có tính cách đa chiều, biến hóa phức tạp nhưng ở các khía cạnh khác nhau, Cao Chí Nhân đều thể hiện khá rõ nét.
Ông Ủng nhanh chóng quen với cuộc sống hưởng thụ và qua lại với người phụ nữ trẻ tên là Lài (SV Vũ Thị Huyền ). Vai Lài chỉ xuất hiện trong một số phân cảnh nhưng được SV thể hiện có bản sắc riêng và để lại ấn tượng cho người xem.
Nguyễn Mạnh Tân, con của Thiết,(Nguyễn Quang Minh) là nhân vật được xây dựng với vẻ bề ngoài ngông cuồng, ngỗ nghịch, thể hiện tiếng nói bất cần với gia đình, người yêu nhưng bên trong là thế giới tâm hồn bị tổn thương ghê gớm vì những tính toán, hành xử bất nghĩa của những người trong gia đình với nhau.
Khi gia đình rơi vào bi kịch tranh chấp tài sản, Lài và Cấn "vổ" (Vũ Công Chi) lợi dụng để chiếm đoạt, các mối quan hệ rạn vỡ, Tân là người đau khổ nhất.
Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn (SV Lê Văn Lộc và Ngô Thị Ngọc Lan), Tân tránh được vết xe đổ của hai thế hệ trước.
Chán cảnh tranh giành, rời bỏ cả gia đình, ông Ủng quay về tìm người bạn cùng cơ quan ngày xưa, ông Hỏa để tìm nguồn an ủi, tự vấn lại những sai lầm của bản thân, của thời đại. Lúc này, việc nhận cha hay không  chỉ vì lợi ích thực dụng của Thiết đã không còn ý nghĩa với ông.
Là người đứng ngoài sự tranh giành, nhưng đến cuối cùng, để thức tỉnh bố mẹ, Tân vào cuộc. Tân muốn bố mẹ "tận hưởng" cảm giác bị con cái đối xử tệ bạc bằng việc dụ bố mẹ ký giấy chuyển nhượng tài sản và bất ngờ chuẩn bị cho ông bà một túp lều tranh ở khu đất trống.
Là nhân vật dồn nén mọi tâm sự, suy nghĩ về gia đình, tình cảm, đến phút cuối, khi nói lên tiếng nói của lớp trẻ, người chịu sự tổn thương nhiều nhất từ một gia đình rạn vỡ, Tân là người đau khổ nhất. Lời của Tân vang lên: "Con muốn bố mẹ đừng sinh con ra. Nếu đã sinh con ra, bố mẹ phải cho con một gia đình đúng nghĩa, cho con được sống là một con người...Con biết tin vào ai, biết nhìn vào ai để sống" khiến cho khán phòng rơi nước mắt.
Lúc này, Thiết nhận ra những sai lầm của mình
Sự hối hận và tình yêu thương quay về
Gia đình xua đi những tính toán cá nhân, phiên tòa xác nhận cha con không còn phải mở. Mỗi người trong gia đình "sẽ biết phải giải quyết với nhau như thế nào"


SV Cao Chí Nhân: Vai Thiết là một trong những vai nặng trong vở, tính cách nhân vật gai góc và có phần phức tạp, bối cảnh của thời kỳ lịch sử đó lại ở rất xa so với thời chúng ta đang sống nên khi diễn vai này, mình cũng cảm thấy rất áp lực.Vấn đề trong vở kịch xảy ra trong rất nhiều gia đình và còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Có nhiều cách để tìm đến với nhân vật, quan trọng là làm sao để xây dựng được hình tượng của nhân vật đó trên sân khấu. Mình đã đọc và tìm hiểu rất nhiều về thời kỳ đó để hiểu và có chất liệu xây dựng nên nhân vật như buổi biểu diễn hôm nay. 

SV Nguyễn Quang Minh: (Vai Tân) Mình đã ấp ủ vai diễn này từ lâu. Ngay từ khi chọn kịch bản, mình đã thích nhân vật Tân. Sau nửa năm tập luyện đến hôm nay, mình mới hài lòng một phần nào đó vì đó là quá trình làm việc đã có một kết quả nào đó. Nhân vật Tân đại diện cho thế hệ trẻ, một tư tưởng mới để làm sao khi người lớn nhìn vào tư tưởng cũ, người ta thấy đó là những điều cổ hủ và nên loại bỏ ra khỏi xã hội, để đến với điều gì đó đúng đắn hơn. Và đừng nghĩ đó là những người trẻ nhố nhăng, không biết suy nghĩ. Sáng, chiều, và tối trong suốt năm học, mình dành thời gian cho vai diễn. Vai diễn này khá gần gũi với hình ảnh người trẻ hôm nay. Đó cũng là điều mình muốn sáng tạo thêm để vở kịch mới mẻ, hiện đại hơn.

SV Nguyễn Thị Sâm: (Vai bà Nhân) Tuy thầy không hài lòng vì cách diễn của mình vẫn còn "khôn" quá. Nhưng mình không thể làm cho bà Nhân thành người phụ nữ ngây ngô, không hiểu biết gì. Mình vẫn nghĩ, một người phụ nữ lo toan được cho con khi chồng đi vắng thì đó vẫn là người phụ nữ đảm đang. Mình diễn bà Nhân theo cách hiểu của mình, muốn để lại chút gì đằm thắm, một dấu ấn về nhân vật đó của riêng mình.

SV Trần Việt Bắc: Vai ông Hỏa xuất hiện không nhiều, chủ yếu chỉ có 2 cảnh chính và một cảnh phụ. Tuy nhiên đây lại là một vai rất quan trọng, đại diện cho tư tưởng cũ. vì vậy, mình tâm đắc lời của thầy: không cần nhiều, chỉ cần ít nhưng thực sự để lại dấu ấn, làm nổi rõ tư tưởng vở kịch.


  • Nguyễn Hường
  • Ảnh: Vũ Duy Khánh