- Châu Âu vốn được nhìn nhận là nơi có chương trình học rất nhẹ. Trẻ sang đó, khi về Việt Nam sẽ phải học chậm lại 1 lớp mới mong theo kịp chương trình. Với tâm lí này, khi về Việt Nam tôi mang theo đủ loại sách để con có thể "chiến đấu" được. Nhưng dường như thực tế lại không hẳn như vậy.

TIN BÀI LIÊN QUAN

So sánh sách học của con với sách giáo khoa (SGK) Việt Nam thì lượng kiến thức trong sách Việt Nam không hề nặng hơn. Vậy tại sao mỗi khi nhắc đến giáo dục, ai cũng cho rằng chương trình giáo dục Việt Nam quá tải? Phải chăng chương trình giáo dục Việt Nam không quá tải về kiến thức mà chỉ quá tải về "sức ép tâm lý" với trẻ.

Một dạng bài toán lớp 2 do tác giả bài viết cung cấp.

Giáo dục Việt Nam không quá tải về kiến thức

Con vào học lớp 1, một điều vô cùng quan trọng với các phụ huynh. Vì vậy, chủ đề được quan tâm nhất trong câu chuyện của các bà mẹ là chuyện học hành của con. Cô bạn cùng cơ quan, con cũng học lớp 1, luôn kể rằng hôm nào cháu cũng phải học đến 10-11 giờ mới hết bài tập cô giáo về nhà. Đó không phải là lời phàn nàn của riêng cô bạn tôi mà có thể nói là của chung hầu hết các bà mẹ có con đang học lớp 1, 2.

Ai cũng dễ dàng nhận xét "bọn trẻ bây giờ học nặng thật".

Chính vì mang tâm lý chung ấy về giáo dục Việt Nam nên khi cho con theo bố đi công tác nước ngoài tôi đã phải chuẩn bị đầy đủ sách vở: SGK từ lớp 1 đến lớp 4; sách bài tập nâng cao, sách tham khảo, truyện cổ tích, vở ô-ly, vở luyện viết chữ đẹp, bút máy, mực tím… đến cả chục kg.

Thực tế khác xa với những lời đồn đại rằng "Tây học dễ lắm", "học sinh cấp 1 chơi là chính" mà ở "Tây" lớp 1, 2 phải học đến 9 môn học (gồm: ngôn ngữ, toán, tự nhiên xã hội, ngoại ngữ, tôn giáo, âm nhạc, sân khấu, thủ công, thể dục). Ngày học 5 tiết (sáng 3 tiết, chiều 2 tiết).

Ngôn ngữ, toán, tự nhiên xã hội là ba môn học chính ngày nào học sinh cũng phải học.

Nếu sách toán lớp 1 Việt Nam chỉ học đến cộng trừ trong phạm vi 100 thì ở đây các bé đã học đến cộng trừ có nhớ trong phạm vi 1.000 và phép tính không phải là cộng 2 số mà là phép cộng có nhớ 3 số có ba chữ số với nhau.

Hết lớp 2, bé ở Việt Nam mới làm quen với phép cộng không nhớ trong phạm vi 1.000; bé "Tây" phải cộng có nhớ 4 số có 4 chữ với nhau, nghĩa là cộng trừ trong phạm vi 10.000. Lớp 2, bé Việt Nam chỉ học nhân trong phạm vi bảng cửu chương; bé "Tây" đã học nhân mở rộng.

Môn học tự nhiên xã hội lớp 1 gồm 15 chủ đề khác nhau như cơ thể bé, các hiện tượng tự nhiên, chăm sóc động vật, các phương tiện giao thông, thông tin-truyền thông… Lớp 1, bé ít phải làm bài tập ở nhà, lên lớp 2, mỗi ngày bé phải làm ít nhất 3 trang A4 bài tập ở nhà. Lượng kiến thức nhiều như thế nhưng dường như phụ huynh không nhìn thấy sự "quá tải" ở bé.

Hôm nào, bé cũng bảo tôi rằng hôm nay con đi học vui lắm, tôi hỏi ¨có mệt không¨, bé luôn vui vẻ trả lời ¨không ạ¨. Đi đón con, tôi cũng không thấy cảnh hết giờ cô giáo vẫn còn phải giảng bài vì "cháy giáo án" như ở Việt Nam.

Giáo dục Việt Nam "quá tải về sức ép"

Một vài so sánh như trên để thấy rằng, giáo dục Việt Nam không hoàn toàn quá tải như mọi người vẫn nghĩ.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là sức ép tâm lý với trẻ. Sức ép về thành tích học tập vẫn tiếp tục đè nặng trên vai bé Việt. Bé phải chịu trách nhiệm về thành tích của lớp, của trường và ngay cả với bố mẹ. Kết quả học tập của con vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Câu hỏi thăm đầu tiên của phụ huynh với nhau là "Con anh/chị học thế nào, kỳ này có được học sinh giỏi không?"¨.

Ở Tây Ban Nha, tuy không chấm điểm nhưng kết quả học tập của các bé vẫn được đánh giá theo từng học kỳ với 8 mức khác nhau từ "không đạt" đến "xuất sắc" và được "biểu dương". Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng nói ở đây là bảng kết quả đánh giá của từng học sinh được để trong phong bì dán kín, gửi về cho phụ huynh chứ không công bố trước lớp.

Họp phụ huynh giáo viên chỉ đề cập đến những vấn đề chung của cả lớp, không có học sinh nào được biểu dương hay bị phê bình, nhắc nhở trước lớp, bé nào cần chú ý thì giáo viên sẽ trao đổi riêng với phụ huynh. Sĩ số lớp học cũng là điều đáng nói.

Nếu ở Việt Nam, trung bình lớp 1 thường có sĩ số từ 40-60 học sinh thì ở đây lớp học chỉ khoảng 20 học sinh.

SGK cũng là một trong những điều thú vị khiến trẻ say mê học tập. Sách của bé rất đẹp, in trên giấy khổ A4, màu sắc tươi sáng, nhiều tranh ảnh, kết hợp được nhiều kỹ năng như cắt, dán, tô màu, vẽ tranh, viết. Sách bài tập được in sẵn nên bé mất ít thời gian viết hơn. Kiến thức trong sách tuy rộng nhưng lại vô cùng thiết thực, gắn bó, gần gũi và thú vị, hấp dẫn với bé

Phương pháp học thì đúng là "chơi mà học". Ngày nào đi học về, bé nhà tôi cũng kể chuyện hôm nay ở lớp, bọn con được chơi trò chơi vui lắm. Môn học nào của bé cũng có trò chơi, từ môn toán tưởng khô khan như thế nhưng với cô giáo "Tây" có rất nhiều trò chơi khiến bé thích thú môn học này như thi cộng nhẩm, thi mang bóng, đố vui…

Điều đặc biệt nữa khiến trẻ yêu trường lớp ở Tây chính là thầy, cô giáo. Thầy cô luôn vui vẻ với học sinh, gần gũi với học sinh. Nỗi lo bé lạ trường, lạ lớp, lạ cô và bạn, lại bất đồng ngôn ngữ của tôi với bé đã không còn chỗ tồn tại ngay sau buổi học đầu tiên tại nước ngoài của bé. Trái với tâm trạng lo âu của mẹ, bé ra khỏi lớp học với khuôn mặt vô cùng vui vẻ, thích thú.

Tôi hỏi "Con có học được không?". Bé nói "Có ạ!". "Thế con không biết tiếng làm sao hiểu được cô nói gì?". "Cô ra tay làm hiệu cho con, trừ thì cô giơ một ngón tay ngang ra, cộng thì cô để hai ngón tay thành dấu cộng". Cứ như vậy, cô và trò cùng học để đến cuối năm kết quả học của bé đúng như cô bảo chúng tôi "không phải lo, đến hết năm học bé sẽ nói tốt, học tốt".

Thầy trò gặp nhau như những người bạn. Tan học, cô đứng ở cửa lớp, ra về, bé thì ôm cô, hôn cô, bé thì nhảy lên bá vai, bá cổ. Thầy cô nào bé cũng thích: ¨Con thích cô giáo chủ nhiệm lớp con vì cô trẻ và luôn vui vẻ, yêu quí bọn con…¨

Có lẽ chính những điều này đã tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, khiến trẻ say mê, thích thú học tập, khiến cho trẻ ¨học nhiều mà không mệt¨, là lý do khiến ¨trẻ Tây học nhàn hơn trẻ Việt¨

Để trẻ em Việt Nam không bị quá tải trong học tập, trước hết, bắt đầu từ các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo xin hãy khơi nguồn cảm hứng cho trẻ, đừng để trẻ bị sức ép tâm lý về thành tích học tập, hãy xóa đi ¨bệnh thành tích¨ vẫn đang tồn tại trong giáo dục hiện nay và cả trong phụ huynh học sinh, hãy để trẻ phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tâm hồn.

  • Nguyễn Thị Huệ