- Có không ít ý ngược với “xu hướng” nhà nhà vượt khó cho con mở mang kiến thức nơi xứ người đưa lập luận: Du học cũng tốt nhưng cần biết lượng sức, để không tiếc khi cầm bằng ngoại về vẫn thất nghiệp như thường…
Tôi lên kế hoạch cho con du học từ 1 tuổi
Từ email phantinh0212…, bạn đọc Phan Tình bày tỏ: Con tôi hiện nay mới 1 tuổi. Tôi và chồng cũng nhen nhóm kế hoạch cho con đi du học và tiết kiệm tiền từ bây giờ. Rất muốn có thêm chia sẻ từ những phụ huynh có kinh nghiệm?
Đồng quan điểm, bạn đọc Thanh Vân cho biết, con mình thì từ bé đã nuôi ước mơ du học rồi. Có nghĩ ra kiểu gì để thuyết phục hay ngăn cấm cũng không được, nên chắc chắn là phải đồng ý. Và bắt đầu từ bây giờ cháu đã phải tự lập để tự chăm sóc bản thân…
Ngày càng nhiều gia đình Việt hướng cho con đi du học (Ảnh minh họa) |
Đôc giả Nguyễn Công Hiền góp kiến, tôi rất khó khăn nhưng 2 con tôi học tốt và có nguyện vọng du học sau đại học và tôi đã chấp nhận cho 2 con đi và đang học ở Mỹ. Tôi không có ý kiến nhiều chỉ một điều làm cho tôi thấy ngay thành quả đó là ý thức và ứng xử của con tôi thay đổi rất nhiều và năng động hơn. Nền giáo dục tốt sẽ đào tạo những con người tốt và chắc chắn sẽ có ích cho gia đình và xã hội.
Còn độc giả Mã Thiên Tài khái quát, đa số những người có khả năng về Tài chính đều muốn cho con đi du học. Tư duy này không chỉ có ở Việt Nam mà bất cứ nước nào trên thế giới, ở Mỹ và Anh sinh viên sang học từ hàng trăm nước trên thế giới.
“Cho rằng, học ở nước ngoài chắc chắn con bạn sẽ hoàn thiện hơn như là cách để phát triển toàn diện về nhân cách, kỹ năng, làm việc nhóm, giao tiếp...cái mà nền giáo dục trong nước rất hạn chế” – độc giả Hoa đưa quan điểm đồng thuận với những phụ huynh cho con hướng ngoại.
Độc giả Nguyễn Thành Nam nhìn nhận, không phải "bằng cấp nước ngoài có giá” hơn... mà là đào tạo trong nước ít có trường tạo nên được một con người có thể thực sự làm được việc.
Phụ huynh giảm lòng tin giáo dục trong nước?
Độc giả Cao Minh Tuấn đưa quan điểm: Sau này con tôi lớn tôi cũng sẽ cho cháu đi du học nhưng cháu phải có thực lực mới được. Nền giáo dục nước nhà không phải không tốt nhưng khá nhiều bất cập. Số lượng sinh viên ra trường không xin được việc làm cao. Trong khi đó nếu con mình có 1 tấm bằng được đào tạo ở nước ngoài cơ hội việc làm tốt là rất lớn.
Ở góc nhìn khác, độc giả Phạm Ngọc Hùng nhìn nhận, tôi cho tiền con tôi bằng cách là nhét vào đầu chúng thay vì bỏ vào túi chúng. Tuy nhiên, tới những nước có nền giáo dục tiên tiến để làm việc này chắc chắn là hơn trong nước, nhất là trong tình hình hiện nay.
Cho rằng, mỗi gia đình có sự đầu tư riêng nhưng một độc giả đặt nghi vấn: Vấn đề muốn nói về lòng tin về giáo dục. Tại sao ngày càng nhiều gia đình chỉ tin giáo dục ở nước ngoài mà không chọn học trong nước. Thậm chí, chưa có thống kê cụ thể nhưng hầu hết các vị lãnh đạo ra nước ngoài học rất nhiều.
Bởi vậy, độc giả Đoàn Cao Đại quả quyết, nếu có điều kiện tôi cũng sẽ cho con đi du học, đi càng nhiều càng tốt, càng nhiều nước càng tốt. Cái quan trọng là để cho con trải nghiệm và mở mang đầu óc chứ không quan trọng cái bằng nước ngoài có giá trị hay không.
“Và, nói gì thì nói nền giáo dục Việt Nam kém xa các nước trong khu vực chưa nói đến các nước tiên tiến. Dường như, họ mải chạy theo thành tích, bằng khen, giấy khen, danh hiệu chứ sản phẩm cuối cùng ra trường vẫn không làm được việc” – độc giả Nguyên Hồng bình luận.
Độc giả Sơn Lâm nêu quan điểm, học trong nước chi phí rẻ hơn nhiều lần, nhưng biết chắc sẽ thất nghiệp, rất khó có việc làm theo đúng chuyên môn và sẽ sống dựa vào cha,mẹ. Học ở nước ngoài, người ta tạo cơ hội cho các cháu tự lập, đi lên bằng chính bàn tay, khối óc của mình...
Sao lại không tự tin cho con học ở Việt Nam?
Đó là ý kiến của độc giả Hồ Lâm Hùng. Anh nhẩm tính, nếu có 1 tỷ đồng mình sẽ cho con học trong nước hết khoảng 300-400 triệu đồng, còn lại đầu tư cho con sau tốt nghiệp ĐH và xin việc. Bởi thực tế, đã có thạc sỹ nước ngoài khi tuyển dụng vẫn không đạt, có nghĩa là thất nghiệp. Nên các ông bố, bà mẹ nên tính toán thận trọng hơn!
Việc làm sau khi tốt nghiệp là vấn đề lớn được nhiều phụ huynh quan tâm (Ảnh minh họa) |
Độc giả Nguyễn Ngọc Sơn đưa ý kiến trấn an “cơn sốt” du học: Vấn đề đi học nhưng có học không. Học ở trong nước thì có học không. Thời buổi này chẳng cần phải du học làm gì. Học qua mạng. Học cho giỏi đúng nghĩa thì lo gì thất nghiệp. Phải để việc đi tìm mình chứ?
Một độc giả có tên Thiềm Tô dẫn câu chuyện bản thân vận hành một Lab ở một trường công nghệ. Hàng năm trên dưới mười kỹ sư ra trường, người nào cũng có chỗ làm tại các trung tâm nghiên cứu phát triển của các tập đoàn công nghệ trong nước và FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài). Một số đi du học (có học bổng toàn phần) Mỹ, Canada, Tây Âu, Hàn, Nhật... đạt kết quả chẳng kém người bản xứ. Một số khác chọn con đường đi làm dài hạn ở các nước phát triển. Khi đi thi tuyển dụng, nhiều trường hợp các bạn thắng cả các du học sinh nước ngoài về. Mặt khác tôi cũng gặp nhiều bạn du học về nhà làm việc với năng suất khá khiêm tốn do ở nước ngoài học khá tự do, ít áp lực nên ít khi rùi mài kỹ năng. Bản thân tôi cũng đã học tập và làm việc dài hạn ở một số nước G7, nên cũng được trải nghiệm điểm mạnh trong nền giáo dục của họ, nhưng tôi vẫn xin kết luận: Người học ĐH là ai quan trọng hơn họ học ai và ở đâu, ít nhất đúng trong các ngành kỹ thuật. Động lực vươn lên mạnh mẽ cùng internet sẽ giúp bạn xóa mờ nhiều biên giới.
Độc giả Mai Thị Loan đưa quan điểm ngược với số đông phụ huynh “sính ngoại”. Chị quan niệm, học ở đâu cũng được, cơ bản là có tiếp thu được hay không. Việt Nam đi thi quốc tế lúc nào cũng được giải cao, sao lại không tự tin cho con học ở Việt Nam?. Nhiều nhà có nhiều tiền thì đua nhau cho con ra nước ngoài học, học xong hết vài ba tỷ, đi làm lương chắc gì bằng người học trong nước?
“Và, vấn đề quan trọng học trong nước hay học ở nước ngoài tốt nghiệp có kiếm được việc làm không?” – là ý kiến độc giả Trung Tâm đặt câu hỏi.
- Nguyễn Hiền (tổng hợp)