- “Giáo viên đi dạy bằng kiến thức của mình, học sinh tự nguyện học thêm nhưng vẫn phải lén lút, vụng trộm như sợ ai đó bắt quả tang mình đang làm chuyện xấu. Nghĩ thật xấu hổ cho cái nghề cao quý của mình...” Một cô giáo lên tiếng.
Nhưng quy định thì phải theo, thế là nhiều thầy cô để “an toàn” thường căn dặn học trò khi đến lớp học thêm: “phải đi nhẹ, nói khẽ và ra về lặng lẽ, ai hỏi không được nói là đi học thêm về”. Chuyện thật cứ như đùa đang diễn ra ở nhiều miền quê trong cả nước.
Giáo viên cấp 2, 3 để được mở lớp dạy thêm chẳng có gì là khó, miễn giáo viên đáp ứng đủ các yêu cầu như về cơ sở vật chất, giáo viên đạt trình độ đào tạo, đủ sức khỏe, phẩm chất đạo đức, không trong thời gian bị kỉ luật…
Với những quy định kiểu như thế, bất kể giáo viên nào cũng có đủ điều kiện để đăng kí dạy thêm. Ngược lại, với giáo viên tiểu học thì hoàn toàn không có cơ hội dạy thêm bởi quy định cấm dạy thêm đối với học sinh học hai buổi trên trường.
Trong thực tế thì ở bậc tiểu học, nhu cầu phụ huynh muốn được gửi con cho thầy cô rất lớn, bởi cha mẹ các em thường bận rộn tối ngày không có khả năng đưa đón, chăm sóc và chuẩn bị bài vở cho các con một cách chu đáo. Học sinh còn nhỏ, nhiều em nhà ở xa trường nên không tự đi học được.
Phụ huynh thường gửi thầy cô cho các em ăn trưa, chiều và giúp các em ôn tập, chuẩn bị bài vở cho buổi học sau. Bên cạnh đó, một số học sinh có lực học còn chậm, phụ huynh cũng có nhu cầu gửi thầy cô dạy kèm thêm vào các buổi tối. Vì thế, những lớp học thêm đã ra đời.
Dù với lý do gì thì dạy thêm vẫn là vi phạm quy định, để tránh những phiền hà rắc rối, tránh “tai mắt” của mọi người xung quanh, nhiều giáo viên đã chia sẻ với nhau những“bí quyết”.
Cô T. H nói: “Mình dặn học trò nếu ai hỏi có đi học thêm không thì nói là không! Nên khi nào ai vào dạy lớp tôi hỏi thử mà xem, đứa nào cũng nói như thế.”
Cô X.V tiếp lời: “Tôi cũng dặn thế, vậy mà hôm thanh tra vào lớp hỏi: Lớp mình có ai đi học thêm không? Nhiều học sinh nói không, có một đứa nhanh miệng: Cô dặn không được nói. Thế là lộ bét”.
Còn Cô M.S nói: “Tôi dặn học trò: Nếu buổi tối đi học về mà gặp ai hỏi học thêm với thầy cô nào thì mấy con cứ nói học với cô K (cô K là giáo viên mới về hưu). Buồn cười thật, mấy đứa học trò nghe mình dặn thế, cứ tròn mắt ngạc nhiên hỏi: “Vì sao phải nói thế hả cô?” “Vì người ta không cho dạy, hiểu không? Vậy mà có đứa vặc lại: Thế là nói dối. Làm mình phải giả lơ như không nghe thấy gì.” Cô M.S chia sẻ.
Ngồi từ nãy giờ thấy đồng nghiệp nói, thầy D cũng vui vẻ tiếp lời. “Tôi không chơi mấy chiêu đó, bắt trò nói dối thấy khó chịu lắm. Bọn nhóc học xong, tôi cho tất cả để sách vở, bút viết ở lại nhà, chỉ đi người không đến học, nếu có gặp kẻ nào tò mò cũng đâu có ngờ là chúng vừa đi học thêm về…Chứ dặn học trò nói dối như thế, lương tâm tôi cứ áy náy thế nào”. Có lẽ nhận thấy đây là cách làm hay nhất nên nhiều thầy cô hưởng ứng: “Chắc mình cũng phải làm thế thôi, chứ buổi tối mà gặp học sinh cầm sách vở có mà “lạy ông tôi ở bụi này. Mà dặn học trò thì thế nào cũng lộ…”.
Nghe đồng nghiệp nói, tôi nhớ lại có lần tình cờ nghe được một cô bé lớp 2 nói chuyện với mẹ: “Mẹ ơi! Cô dạy không được nói dối, ai nói dối là xấu không phải người tốt. Vậy mà cô con bày cho tụi con nói dối đấy!” Chưa kịp hiểu ra chuyện gì nhưng phát hiện ra sự có mặt của tôi, hai mẹ con không nói gì nữa.
Dẫu tôi biết những đồng nghiệp của mình không dùng thủ đoạn để ép học sinh đi học thêm, nhiều thầy cô không dạy học sinh của mình trên lớp. Dạy hoàn toàn theo nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh. Theo quy định là vi phạm điều cấm trong giáo dục.
Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta cho phép mình dặn học sinh phải nói dối như những câu chuyện tôi nghe được ở trên... Tôi cứ thấy xót xa, bất nhẫn thế nào. Bởi hàng ngày, hàng giờ, chúng ta đang dạy cho các em nói lời hay làm việc tốt. Chỉ bằng những việc làm ấy thì bao công sức, bao sự dạy dỗ của cô thầy sẽ tan tành như mây khói.
- Khánh Ngọc