- Ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã tới kiểm tra thi tại Thái Nguyên, Bắc Giang. Trả lời một số phóng viên nêu ra, người đứng đầu ngành giáo dục nói đã có những tiền để để đảm bảo cho kỳ thi công bằng.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Một trong những điều dư luận rất quan tâm trước khi diễn ra kỳ thi đó là tính công bằng giữa cụm thi của địa phương và cụm thi của các trường ĐH. Trong ngày đầu triển khai kỳ thi THPT quốc gia và trực tiếp thực tế tình hình các địa phương thì Bộ trưởng nhìn nhận, đánh giá gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Để đảm bảo sự công bằng  và sự đồng nhất giữa các điểm thi, các hội đồng chấm thì có nhiều việc phải làm.

Có những công việc liên quan đến nhận thức của thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ coi thi, chấm thi. Rồi có những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, barem điểm cũng cần chi tiết để không diễn ra  suy diễn tùy tiện. Tiếp đó là công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra phúc khảo  trong quá trình chấm và sau quá trình chấm.

Tất cả những thông điệp đó đều phải được triển khai đồng bộ theo lộ trình.

Qua thực tiễn ở Thái Nguyên, Bắc Giang thì chúng tôi thấy các hội đồng thi, các thầy cô giáo, các cán bộ coi thi, khâu kiểm tra, giám sát đã quát triệt nghiêm túc, triển khai nghiêm chỉnh những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT - đó là tiền đề để làm tốt các công việc khác thì sẽ đảm bảo công bằng, khách quan đúng với kết quả học tập, kết quả thi của thí sinh.

{keywords}
Kiểm tra thông tin của thí sinh trước giờ thi. Ảnh: Lê Anh Dũng

- Thưa ông, công tác thanh kiểm tra giám sát được thay đổi như thế nào?

Khâu thanh tra kiểm tra bao gồm mấy việc. Thứ nhất, từng hội đồng thi, từng hội đồng chấm thi phải tự thanh tra, tự kiểm tra. Thứ hai là có các đoàn thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT.

Năm nay, những cán bộ tham gia thanh kiểm tra được chọn lọc khá kỹ. Họ đều là những người am hiểu về công tác thanh tra nhưng đồng thời cũng am hiểu giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH.

Bên cạnh đó, họ cũng phải am hiểu về những đổi mới và cập nhật được những đổi mới để không có sự lệch pha giữa những hoạt động này. 

Bộ GD-ĐT cũng thường xuyên liên lạc với các địa phương, với các trường ĐH để nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

- Bộ trưởng kỳ vọng gì ở kỳ thi này?

Tôi nghĩ rằng kết quả kỳ thi sẽ củng cố vững chắc hơn những gì ban đầu đã triển khai, tạo tiền đề vững chắc hơn, tạo động lực mạnh mẽ hơn và rút ra được những kinh nghiệm tốt hơn trong chỉ đạo đổi mới trong giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH trong những năm tới ....

- Cảm ơn ông.

  • Kiều Oanh (Ghi)

Kết thúc ngày thi thứ nhất, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã có buổi họp báo ở TP.HCM.

Ông Ga cho biết, Ban đề thi đã cố gắng đưa tình hình thực tiễn vào môn Toán. Ví dụ về dịch Mers- Cov được đưa vào bài toán xác xuất thống kê. Ngay cả môn Ngoại ngữ, câu chuyện vận động viên Ánh Viên cũng được đưa vào đề thi.

Giải thích về việc trong một phòng thi của cụm thi do Trường ĐH Sài Gòn chủ trì có nhóm thí sinh là bạn bè trong cùng một lớp ngồi chung, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, về nguyên tắc việc sắp xếp số báo danh, các cụm thi, nhà trường không được can thiệp vào mà do phần mềm sắp đặt.. Do năm nay khác mọi năm (thí sinh thay đổi phòng thi theo môn thi) và phần mềm đã trộn nên có trường hợp một số em cùng học ở một lớp ngồi cùng phòng thi.

Ông Ga cũng nhấn mạnh để đảm bảo tính trung thực, khách quan, nghiêm túc của kỳ thi, Bộ đã cử các trường ĐH hỗ trợ các cụm thi địa phương, các cụm thi ĐH mời các giáo viên địa phương tham gia. Ngay cả việc chấm thi sau này đều có giáo viên ở trường trung học và giáo viên đại học tham gia.

Lê Huyền