Hình ảnh sinh viên tình nguyện đứng phân làn, đảm bảo giao thông quanh các điểm thi đại học dưới nắng nóng 40 độ của kỳ thi THPT quốc gia trở thành đề tài gây tranh cãi trên các diễn đàn mấy ngày nay.

Những bức ảnh sinh viên tình nguyện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội kiên trì đội nắng, đứng nắm tay nhau tạo thành "dải phân cách sống" để chia làn giao thông được chia sẻ nhiều trên mạng trong mấy ngày qua. Hình ảnh này đã rất quen thuộc từ nhiều năm nay, và không có gì đáng nói nếu như những ngày vừa qua Hà Nội không nắng nóng dữ dội đến thế.

{keywords} 

Không ít ý kiến cho rằng sinh viên tình nguyện không nên làm như vậy vì “Rất dễ xảy ra việc có bạn bị say nắng, ngất xỉu vì trời quá nắng nóng”, hay “Tình nguyện là việc tốt, một hành động chia sẻ và rất cần thiết đối với thí sinh và phụ huynh trong kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng cũng cần suy nghĩ cách làm nào cho hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho sinh viên tình nguyện. Nếu các bạn ốm thì còn đâu sức để giúp người khác”.

Có cả những ý kiến khá nặng nề như “Mình mà có con lớn, nắng 40 độ bị bắt ra đường làm dải phân cách sống dẹp đường, mình lôi con về đánh cho một trận vì tội ngu”…

Thận chí, ngay cả Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, ông Vũ Minh Lý, cũng  không đồng tình với hành động xếp hàng thành "dải phân cách sống" dưới nắng.

Trao đổi với VietNamNet chiều ngày 3/7, ông cho rằng: “Các bạn sinh viên nên chú ý giữ gìn sức khỏe của mình hơn. Trời nắng nóng như  mấy ngày vừa qua rất nguy hiểm cho sức khỏe, dễ khiến cơ thể mất sức. Các bạn có thể áp dụng những biện pháp tối ưu, nhằm giảm thiểu nguồn nhân lực mà vẫn hiệu quả, tránh tình trạng chưa giúp được người khác, bản thân đã không còn sức lực”.

Ông Lý cũng khuyên nhủ: “Mọi hoạt động tình nguyện cần tuyệt đối tránh phô trương, trưng bày hình thức. Hãy làm những gì tốt nhất cho mọi người và bản thân chúng ta”…

{keywords} 

Vậy các em tình nguyện có đáng bị mắng không?

Thành viên tại đội tình nguyện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Năm nào trường cũng thực hiện chiến dịch này, có năm dùng dây thừng. “Nếu không có dây, sinh viên nắm tay nhau thực hiện nghĩa vụ. Mệt mỏi nhưng ai cũng vui”.

Nam sinh cho biết thêm, “Nếu không hành động như vậy, tình trạng tắc đường sẽ xảy ra nghiêm trọng. Thí sinh bước khỏi phòng thi lộn xộn, rất dễ bị tai nạn. Người nhà và sĩ tử cũng khó tìm”.

Các thành viên đội tình nguyện cũng cho biết không phải các em đứng hàng giờ dưới nắng như báo chí đã viết, mà chỉ đứng lúc đầu giờ và khi thí sinh bắt đầu ra khỏi trường thi. Trong thời gian thí sinh thi, các em vẫn vào chỗ râm mát để tránh nắng.

Không chỉ có sinh viên Bách khoa hay sinh viên các trường ở Hà Nội chịu nắng đi làm tình nguyện, mà sinh viên các địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa cũng dãi nắng suốt từ ngày 28/6 đến nay. Tuy nhiên, không như những người lớn đang ngồi máy lạnh nhìn các em với con mắt thương xót, các em vẫn rất vui vẻ với công việc của mình.

{keywords}

Bùi Thị Thu Hương và Cao Lan Phương (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang)

Bùi Thị Thu Hương mới chỉ học lớp 11, và Cao Lan Phương - sinh viên Học viện Tài chính – cùng tham gia đội thanh niên tình nguyện Quảng Xương (Thanh Hóa) hỗ trợ thí sinh thi vào Trường ĐH Hồng Đức. Dưới cái nóng hầm hập lên tới 43oC vào lúc 11h trưa, Thu Hương vui vẻ cho biết dù khá mệt nhưng em vẫn rất hào hứng với công việc này. “Đi làm cùng các anh các chị lớn em học được nhiều điều. Thấy mình giúp đỡ được cho người khác, bọn em vui lắm”.

Lan Phương thì về quê đúng một tuần diễn ra kỳ thi THPT quốc gia để tham gia đội tình nguyện vì “Làm công việc này em nhớ lại mấy năm trước mình đi thi đã được các anh chị giúp đỡ, nên bây giờ em cũng muốn giúp đỡ những em khác. Đúng là trời nắng nóng quá, nhưng bọn em chịu vất vả một tí không sao”.

Phụ huynh của sinh viên tình nguyện cũng không quá sốt ruột vì những gì con cái họ đang làm.

“Khi em bảo là năm nay em về nghỉ hè muộn, bố mẹ em bảo cứ liệu sức mà làm, lớn rồi, phải biết tự lo lấy thân, bố mẹ không lo mãi cho được” – một nữ sinh viên tình nguyện tại cơ sở II của ĐH Vinh cho biết.

“Tuổi này, bố mẹ nói không bằng bạn bè nói. Thế nên, thấy con tham gia cùng các bạn trong một công tác xã hội như thế này tôi cũng thấy vui. Vui là vì qua đó con tôi và các bạn sẽ phần nào biết được nỗi vất vả ngược xuôi của bố mẹ trong cuộc mưu sinh, và vui vì con tìm thấy được ý nghĩa việc làm của mình qua việc phải thể hiện mình sao cho xứng đáng làm "đàn chị" khi hướng dẫn các em nhỏ hơn mình” – anh Thanh Hải, một phụ huynh có con đang tham gia tiếp sức mùa thi chia sẻ.

Anh Hải cho biết, “Hỏi tôi có sợ con ốm không à? Tôi lo chứ, nhưng cứ để thế cho con cứng cáp hơn. Chúng tôi chỉ nhắc nhở con giữ gìn, đội nón mũ, ra đường cẩn thận xe cộ, xong việc về nhà nghỉ ngơi… thế là được. Đúng là trời có nóng, đường có bụi, công việc có vất vả, nhưng con sẽ càng thấy ý nghĩa hành động của mình hơn. Cái gì dễ dàng quá thường dễ quên, dễ mất. Sự hòa đồng, gắn bó, lòng thân ái mà con tôi cùng các bạn có được qua hoạt động này đáng để đánh đổi vài ngày nghỉ ngơi tránh nắng ở nơi mát mẻ. Tôi cho là như vậy”.

  • Ngân Anh – Văn Chung