- “Đề thi môn Lịch sử có tính phân hóa, tránh được học vẹt. Đề đáp ứng yêu cầu của kỳ thi vừa xét tôt nghiệp vừa xét tuyển sinh ĐH…” là những nhận định của giáo viên dạy sử.

Cô Phạm Thị Hoài Thương, giáo viên môn sử tại TP.HCM cho rằng đề thi không quá khó nhưng có tính phân hóa, đòi hỏi tư duy của học sinh, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH.

  {keywords}
Thí sinh làm bài thi môn Lịch sử sáng 4/7 (Ảnh Văn Chung)

Với đề thi này, học sinh dễ có thể đạt điểm 6-7. Học sinh khá, giỏi biết tư duy và vận dụng kiến thức thì mới có thể đạt điểm cao. Trong số 4 câu hỏi, câu 1,2 không khó cho tất cả học sinh. Câu 3,4 yêu cầu cao hơn đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức và thể hiện quan điểm tư duy của mình để làm rõ nội dung.

Nhìn chung đề thi năm nay hay, có những câu gợi ý cho học sinh, tránh được việc học sinh học vẹt đối với môn sử.

Cô Bùi Thị Phượng, Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM cho rằng, xem qua đề và tôi rất tâm đắc. Đề thi năm nay đáp ứng được tinh thần đổi mới trong giáo dục, đổi mới cho người dạy, cho người học tức là các thầy cô như chúng tôi không chỉ dạy những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa mà cần phải cập nhật thêm cho các em những sự kiện mang tính thời sự. Vận dụng những kiến thức đó một cách phù hợp.

Về nội dung, đề thi trải đều kiến thức môn Lịch sử lớp 12. Cách ra đề này thì khắc phục được việc học vẹt của học sinh và tạo tư duy logic cho các em trong môn xã hội, phát huy khả năng phân tích, tổng hợp kiến thức tốt. Nếu em nào học tốt môn văn, thì làm đề sử cũng sẽ có những lợi thế nhất định.

Về câu trúc, đề đi từ dễ đến khó, tạo cho các em khi làm bài sẽ rất thoải mái, học sinh nào nắm được kiến thức cơ bản hoàn toàn có thể lấy 3 điểm ở câu hỏi lịch sử thế giới về kinh tế Nhật Bản. Với những em học lực trung bình cũng có thể lấy được điểm 5 ở những câu tiếp theo.

Ở phần khó hơn (điểm 6-7 và cao hơn) đòi hỏi các học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà cần phải có sự vận dụng.

Trong 3 môn xã hội: văn, sử, địa thì môn sử có phần khó hơn, đây cũng là những căn cứ trong xét tuyển ĐH, CĐ.

Một điểm rất tâm đắc nữa là đề thi năm nay khác các năm trước ở chỗ, đề thi Lịch sử có sự đổi mới trong câu hỏi vế 2 của câu IV về chủ quyền quốc gia. Với môn học này, vấn đề chủ quyền quốc gia không là mới, nhưng với cách ra đề mới về chủ quyền quốc gia, người ra đề đã mang hướng mở, cho các em trình bày, nêu những quan điểm của mình về vấn đề này dựa trên các kiến thức của em có. Đó chính là tính mới trong cách ra đề thi môn Lịch sử.

• Lê Huyền