Bà Ellie Yang - Giám đốc Điều hành i-IVY đã “bật mí” một số lưu ý giúp học sinh ứng tuyển đại học Mỹ có thể chuẩn bị những bài luận bổ sung “ghi điểm” bên cạnh bài luận chính với độ dài 650 từ trong hồ sơ Common Application.
Bà Ellie Yang tốt nghiệp 2 trường Ivy League và từng có kinh nghiệm làm việc tại văn phòng tuyển sinh của Wharton School (trường Penn) |
Bài luận chính: Đây là 650 từ quan trọng nhất mà học sinh từng viết từ trước tới nay. Các em được lựa chọn giữa 5 gợi ý. Các gợi ý này yêu cầu học sinh trình bày thông tin nền và cá tính riêng, ý tưởng và niềm tin, thất bại và thành công, khát vọng và việc chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn. Bài luận chính giúp học sinh thể hiện các nét riêng của bản thân mà không được phản ánh ở phần nào khác trong hồ sơ ứng tuyển.
Bài luận giải đáp câu hỏi “Vì sao”: Đây là câu hỏi phổ biến nhất mà các trường đại học ở Mỹ hay đưa ra.
“Các trường muốn biết lý do học sinh ứng tuyển vào trường của họ”, bà Yang nói. Từng có kinh nghiệm làm việc tại văn phòng tuyển sinh của Wharton School (trường Penn), bà Yang chỉ ra rằng các trường, đặc biệt là các trường danh giá ở Mỹ quan tâm tới yếu tố “phù hợp” (fit) và “tỉ lệ nhập học nếu được nhận” (yield).
Bà Yang cho biết, “Hầu hết các trường top đầu ở Mỹ thường có gấp đôi so với số lượng cần tuyển các ứng viên đạt điểm học tập tuyệt đối và 2400 SAT. Tuy nhiên, các trường ở Mỹ chú trọng sự phù hợp vì họ muốn đảm bảo rằng các ứng viên sau khi được nhận vào trường sẽ nỗ lực hết sức để trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng trường và cộng đồng cựu sinh viên tương lai.”
Bên cạnh đó, bà Yang giải thích rằng việc xếp hạng các trường đại học dựa trên 2 yếu tố: tỉ lệ được nhận và tỉ lệ nhập học nếu được nhận (số học sinh được nhận rồi nhập học chia cho số học sinh được nhận).
“Các trường top đầu hướng tới tỉ lệ được nhận thấp và tỉ lệ nhập học nếu được nhận cao. Vì thế, học sinh cần chú ý hơn tới các bài luận để thể hiện lý do các em muốn ứng tuyển vào các trường. Đồng thời, các em cần thể hiện mình sẽ đóng góp thế nào cho cộng đồng trường”.
Bài luận thể hiện sở thích học thuật: Bà Yang giải thích rằng các trường chú trọng đến tính ham hiểu biết của học sinh. Các bài luận về sở thích học thuật cho phép học sinh trình bày về các sở thích học thuật cũng như sự phát triển và các mục tiêu tương lai của các em.
Bài luận về hoạt động ngoại khóa: Các trường ở Mỹ kỳ vọng sinh viên sẽ xây dựng và đóng góp cho cộng đồng trường. Vì thế, bài luận về hoạt động ngoại khóa tạo cơ hội để học sinh thảo luận về việc các em dành thời gian ngoài giờ học trên lớp thế nào và các em đã đóng góp gì cho cộng đồng khi ở Việt Nam.
Các bài luận lạ: Đây là các dạng bài luận lạ mà không có câu trả lời đúng hoặc sai. Các trường quan tâm đến việc học sinh hiểu và trả lời các gợi ý thế nào cũng như độ sáng tạo của các em. Ví dụ về dạng bài luận này như “Em sẽ sáng tạo ra phát minh nào và tại sao” (Brandeis University) hay “Tìm X” (University of Chicago).
Bà Yang cũng cho biết thêm hè là khoảng thời gian lý tưởng để học sinh bắt đầu chuẩn bị các bài luận ứng tuyển vì các em không bị vướng bận bởi các nghĩa vụ khác và có thể tập trung để hồi tưởng lại những kinh nghiệm và viết về các hy vọng và ước mơ của bản thân.
Để biết thêm chi tiết về các bài luận ứng tuyển đại học và các khía cạnh khác của quá trình ứng tuyển đại, học sinh có thể gửi email đến contact@i-ivy.com.
Vũ Minh