- Kỳ thi vào ĐH năm nay của Trung Quốc diễn ra từ ngày 7/6 đến ngày 9/6, đây là một kỳ thi toàn quốc được tổ chức hàng năm của các học sinh trung học tại nước này, thường được gọi là Gaokao và diễn ra khá căng thẳng như kỳ thi ĐH ở Việt Nam.

Sự tăng nhanh số lượng tuyển sinh và sự cạnh tranh khốc liệt thường thấy vào mọi năm trong số hàng triệu học sinh, những người muốn đảm bảo một vị trí trong trường đại học đã diễn ra trong thập kỷ vừa rồi – được coi là một “kỷ nguyên vàng” cho các học viện của Trung Quốc. Nhưng có vẻ như “kỷ nguyên vàng” đang dần qua đi vì biểu hiện qua những con số trong một vài năm vừa rồi.

Năm nay, có khoảng 9.33 triệu học sinh đã đăng ký thi tuyển sinh vào các trường đại học trong cả nước này. Số lượng đó thấp hơn năm ngoái khoảng 240,000 thí sinh và là con số liên tục thụt giảm kể từ năm 2008. Theo Bộ Giáo dục của nước này cho biết, năm 2008, có khoảng 10.5 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi.

Về lượng thí sinh được tuyển, trong số hơn 9 triệu thí sinh thi đợt này, dự kiến sẽ có khoảng 73% sẽ được nhận vào các trường đại học, so với số liệu của năm 2010 là 77.6% của 9.57 triệu thí sinh. Như vậy tỉ lệ thi sinh thi đỗ dự kiến sẽ tăng so với năm ngoái.

Ma Yan, một chuyên gia tư vấn của MyCos, một công ty tư vấn về giáo dục đại học tại Bắc Kinh cho hay: “Sự suy giảm xảy ra như một kết quả từ thực tế, đó là sự giảm đi số học sinh trung học, điều này là kết quả của tỉ lệ sinh do chính sách kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc. Xu hướng giảm thiểu trong tuyển sinh như này còn kéo dài đến năm 2018 ”. Số liệu điều tra dân số quốc gia cũng cho biết: năm 2000 có 13.790.000 trẻ em được sinh ra, ít hơn khoảng 10 triệu vào năm 1990.



Lượng thí sinh dự thi đại học ở Trung Quốc trong những năm vừa qua. Số liệu từ Bộ giáo dục nước này.
Tuy nhiên, theo một báo cáo về tuyển sinh năm 2011 được thực hiện bởi tổ chức Giáo dục trực tuyến (China Education Online) thì lượng thí sinh giảm ngoài việc do chính sách về dân số còn có các nguyên nhân về việc chọn việc làm sau khi tốt nghiệp phổ thông và lựa chọn đi du học của một lượng học sinh trung học.

Báo cáo này cho hay từ năm 2008 đến 2011, lượng học sinh du học của Trung Quốc tăng 24.1 %. Nhiều học sinh giỏi của Trung Quốc hướng đến các trường đại học ở phương Tây, điển hình là các đại học của Mỹ.


Sự lựa chọn của các học sinh Trung Quốc (Tranh của Chinadaily).
Các chuyên gia giáo dục đang rất lo ngại về sự tương phản giữa số lượng thí sinh đăng kí thi đại học và tỉ lệ nhập học ngày càng tăng giữa các trường đại học.
Một quan chức của Bộ giáo dục nước này cho biết: “Cuộc chạy đua để thu hút các học sinh sẽ rất quyết liệt”. Chẳng hạn như Đại học Thanh Hoa – một trong những trường hàng đầu của Trung Quốc đã chi khoảng 80,000 nhân dân tệ (khoảng 12,347 USD) để làm học bổng cho sinh viên năm nhất nhằm thu hút các thí sinh.

Đại học Bắc Kinh cũng dùng 50,000 nhân dân tệ (khoảng 7718 USD) để khuyến khích các học sinh trung học. Ngoài các biện pháp khuyến khích bằng tiền, các chuyên gia cũng khuyên các trường đại học nên tăng cường chất lượng giáo dục để thu hút nhiều sinh viên nước ngoài để bù đắp cho sự co lại của số lượng sinh viên Trung Quốc.


Các thi sinh sau một ngày thi (Ảnh: Xinhua)
Trong khi kỳ thi đại học đang diễn ra bình thường thì có vẻ như nền giáo dục Trung Quốc đã có biểu hiện của một số mâu thuẫn nội tại. Hôm 7/6, 45 học sinh của nước này đã lên tiếng tẩy chay kỳ thi đại học, trước đó, họ đã cho đăng trên mạng một bức thư ngỏ với khẳng định rằng sẽ không tham dự kỳ thi này. Mặc dù đăng ký nhưng họ cố tình không dự thi tại hội đồng thi trường đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam Trung Quốc (SUSTC) thuộc tỉnh Quảng Đông.

Họ bày tỏ ý kiến rằng Trung Quốc nên “cải tổ” giáo dục. Thay vì phải tham dự kỳ thi đại học này, họ sẽ được tuyển vào lớp sinh viên chất lượng cao đợt tháng 3 tới của trường, và đó là một lớp học “các tài năng sáng tạo”. Những học sinh này nếu không tham gia kỳ thi tuyển sinh thì sẽ không có được bằng cấp được công nhận bởi Chính phủ Trung Quốc.

Ông Zhu Qingshi, hiệu trưởng trường đại học này cho biết: “Sự vắng mặt ở kỳ thi đại học này không có nghĩa là tẩy chay cả nền giáo dục. Kỳ thi quốc gia này của Trung Quốc vẫn là một cách công bằng để lựa chọn tài năng. Tuy nhiên chúng ta cũng nên để lại khoảng trống cho những phương pháp trong việc chọn người tài”.

  • Thuần Dũng (Tổng hợp)