- Trao đổi với VietNamNet xung quanh câu chuyện 14 giáo viên Quảng Trị đi chấm thi buộc phải về giữa chừng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng xử lí như ĐH Huế là không chủ động và quá máy móc.

Ngày 10/7, 14 giáo viên của tỉnh Quảng Trị tham gia chấm thi THPT quốc gia – cụm thi số 26 tại ĐH Huế buộc phải về chỉ sau hơn 1 ngày tham gia chấm thi.

Trên báo Lao động, lãnh đạo ĐH Huế cho biết cụm thi này đã thống nhất mời 14 giáo viên của tỉnh Quảng Bình, 14 giáo viên Quảng Trị tham gia chấm thi. Tuy nhiên, ĐH Huế chỉ chi trả thù lao chấm bài, còn kinh phí ăn ở, đi lại cho các giáo viên do 2 Sở chi trả. Lãnh đạo 2 sở này đã đồng ý phương án trên.

{keywords}

Thí sinh tham gia cụm thi số 26 ĐH Huế. (Ảnh: Lao Động).

Sau khi tham khảo công văn số 2584/BGDDT – KHTC ngày 29/5/2015 của Bộ GD-ĐT về việc “hướng dẫn định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho kỳ thi THPT quốc gia” thì khoản kinh phí ăn ở, đi lại của các giáo viên tham gia chấm thi mà Sở GD-ĐT Quảng Bình, Quảng Trị đồng ý chi trả như thống nhất trước đó không nằm trong danh mục chi.

Đến này 1/7, ĐH Huế gửi công văn cho 2 tỉnh và một lần nữa khẳng định kinh phí ăn ở, đi lại cho giáo viên do 2 Sở này chi trả. Do đó, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình không cử giáo viên đến Huế chấm thi.

Còn Sở GD-ĐT Quảng Trị đến ngày 6/7 mới ký công văn gửi cho ĐH Huế “đề nghị cụm thi 26 trả thù lao, công tác phí cho 14 giáo viên tham gia chấm thi”. Đến ngày 9/7, ĐH Huế mới nhận được công văn này.

Sau khi nhận được công văn, ĐH Huế yêu cầu 14 giáo viên tỉnh Quảng Trị dừng chấm thi. Đồng thời, ĐH Huế cũng đã hỗ trợ tiền tàu xe cho mỗi giáo viên 1 triệu đồng/ người.

Chiều 10/7, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng cách xử lí của ĐH Huế như vậy là nặng nề, không linh hoạt dẫn tới nỗi buồn cho các thầy cô và người dân khi hay tin.

Theo vị lãnh đạo, nếu địa phương và ĐH Huế đã họp thỏa thuận trước ngày 28/5 (khi có công văn về định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho kỳ thi THPT quốc gia) có điểm không phù hợp thì phải thống nhất lại với nhau để thực hiện theo hướng dẫn của Bộ.

Phương án có thể hoặc không cử người đi nữa hoặc nếu cử thì tốt nhất là trường đại học chi hỗ trợ giáo viên theo đúng chế độ.

“Quá trình trao đổi giữa địa phương và ĐH Huế quá chậm chễ. Trách nhiệm thuộc về 2 cơ quan mà hậu quả thì giáo viên phải chịu” – vị này chia sẻ.

Theo vị lãnh đạo, trong trường hợp địa phương đã cử giáo viên đi (đều là những người có kinh nghiệm, chuyên môn giỏi) thì hai bên cần thống nhất phương án chi chế độ cho giáo viên, không nên để xảy ra tình trạng đáng tiếc như vừa qua.

Số tiền không lớn, địa phương hoặc ĐH Huế hoàn toàn cân đối được.

Hiện Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu ĐH Huế và sở GD-ĐT Quảng Trị rút kinh nghiệm về sự việc này.

  • Văn Chung