- Xung quanh ý kiến trái chiều về quy định chức danh lớp trưởng tiểu học thành chủ tịch hội đồng tự quản, VietNamNet tiếp tục ghi nhận ý kiến lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội về vấn đề này.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Háo danh là suy nghĩ của người lớn

Cách đây 2 năm khi Bộ GD-ĐT triển khai mở rộng thí điểm mô hình trường tiểu học mới (VNEN) dư luận đã đặt ra một số băn khoăn.

Thứ nhất, học sinh ở mô hình này có “tự bơi” được hay không thì nay thực tế đã chứng minh các em hoàn toàn có thể tự bơi, bơi được và bơi tốt. Việc tự học của học sinh theo nhóm giúp các em trao đổi, thảo luận và cùng tiến bộ. Giáo viên có thể sắp xếp các nhóm để bạn tốt có thể kèm cặp, giúp đỡ bạn yếu hơn.

{keywords}
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến. (Ảnh: Văn Chung).

Về tổ chức lớp học theo VNEN có chủ tịch hội đồng tự quản, các ban, nhóm. Điều này nảy sinh lo lắng liệu chúng ta có giao học sinh được quyền quản lí quá sớm. Thực tế đã chứng minh tổ chức như vậy là hợp lý.

Nhóm trưởng, chủ tịch hội đồng tự quản khi làm việc gì phải đưa ra ý kiến để các thành viên cùng thảo luận, lắng nghe và quyết định. Các chức danh trên cũng không cố định cho từng em mà luân phiên qua việc bình bầu của thành viên trong nhóm, ban rất dân chủ và tôn trọng ý kiến của từng em. Giáo viên có thể đưa ra các tiêu chí bình bầu để mọi học sinh cùng thảo luận, bổ sung và đi đến thống nhất.

Trong cuộc bình bầu thậm chí còn có sự tham gia của phụ huynh. Không khí hết sức sôi nổi. Từ cách làm này dẫn tới việc có thể có em chỉ làm chức danh trên được 2 tuần, 1 tháng là bạn khác có thể lên thay.

Cũng có băn khoăn khi chức danh chủ tịch hội đồng tự quản được so sánh với những chủ tịch xã, chủ tịch thành phố,…với lo ngại các em sẽ hình thành tư tưởng háo danh, quyền lợi từ nhỏ là không tốt. Tôi cho người lớn đã nghĩ vấn đề quá lên về hai chữ “quyền lực” ở đây. Hãy nghĩ đơn giản đi, mềm mại hơn. Đã nói đến hội đồng tự quản thì chức danh chuẩn xác nhất là chủ tịch hội đồng tự quản.

Đi đến các lớp học theo mô hình VNEN tôi đều hỏi các em ai thích làm nhóm trưởng, chủ tịch hội đồng tự quản các em đều giơ tay và cho biết em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập để bảo ban, giúp đỡ, nhắc nhở mọi người, em phải gương mẫu để mọi người tín nhiệm.

Như vậy trẻ không chỉ được rèn tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm với bản thân mà còn biết suy nghĩ đến cộng đồng, các thành viên trong lớp. Tôi quan sát thấy các em làm những công việc đó hết sức nhẹ nhàng, thoải mái. Các công việc cũng không có gì nặng nề, mất thời gian vì có sự tham gia của các thành viên khác.

Tất nhiên, trong môi trường nào cũng có thể có những em cần sự giúp đỡ, điều chỉnh kịp thời của giáo viên. Công việc của thầy cô cũng sẽ thay đổi. Thầy cô trở thành những nhà “sáng tác kịch bản”, viết chương trình để học sinh có hứng thú với hoạt động lớp học. Thầy cô phải có kĩ năng quan sát nhanh nhạy, nắm bắt khả năng của học trò đến đâu để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Chúng tôi luôn nhắc đi nhắc lại quan điểm rằng phải tập huấn thật kĩ cho từng giáo viên thấm nhuần công việc ở mô hình VNEN. Nếu thầy cô chưa được tập huấn thì không được đứng lớp.

Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT): Không có chuyện nhen nhóm lòng háo danh

Mô hình trường học mới thay đổi toàn diện các hoạt động sư phạm của nhà trường theo hướng dân chủ hoá.

{keywords}
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Thắm. (Ảnh: Văn Chung).

Quan hệ giữa các học sinh chuyển từ tình trạng lớp trưởng, tổ trưởng giúp giáo viên theo dõi, đánh giá các bạn trong lớp, trong tổ sang quan hệ hợp tác, học tập và sinh hoạt chủ yếu theo nhóm/ lớp, các em được tự quản lý, điều hành sinh hoạt tập thể…hướng tới phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng động, tự tin, hợp tác của học sinh.

Một trong những điểm nổi bật là việc cho phép học sinh bình bầu hội đồng tự quản. Ngoài ra, trong lớp còn có các ban như ban tuyên truyền, ban học tập, ban lễ tân. Học sinh được bầu chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban không do giáo viên áp đặt mà do học sinh tự ứng cử, tập thể bình bầu theo nhiệm kì.

Các em học sinh trong hội đồng tự quản cũng không chỉ tuân thủ các yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm một cách cứng nhắc mà có thể đề đạt lên giáo viên, lên nhà trường các ý kiến thu thập từ các bạn hoặc ý kiến cá nhân về các hoạt động của trường, của lớp, về cách thức tự quản, điều hành lớp/ban, góp ý cho các bạn.

Trong mô hình này, thầy cô và phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ. Đây là cách để học sinh tự tin, năng động, có trách nhiệm với tập thể và cá nhân mình, biết hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.

Trên thực tế, chúng ta có thể hỏi bất cứ phụ huynh nào có con từng được học mô hình trường học mới đều thấy, không có chuyện “nhen nhóm lòng háo danh” như một số người đề cập đến. Các chức danh không có bất cứ một quyền lợi gì mà chỉ đơn giản là vị trí mà học sinh tự bầu lên để cùng nhau quản lý lớp học, cùng học tập, hoạt động trong bầu không khí dân chủ.

Văn Chung (Ghi)