- Theo quy định, ngày 1/8, các trường ĐH-CĐ bắt đầu xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) nhưng cho đến nay thông tin một số trường cho biết vẫn chưa nhận được phần mềm và hướng dẫn sử dụng của Bộ GD-ĐT. Các trường cũng lo tỉ lệ hồ sơ ảo tăng.

Lo trục trặc, nghẽn mạng

Lãnh đạo Trường ĐH Nội vụ Hà Nội cho biết trước đây, thí sinh nộp hồ sơ vào các trường rồi mới thi tuyển. Do đó, cách tính điểm chuẩn, phân bổ chỉ tiêu, xét tuyển đều được các trường chủ động làm.

Nay với phần mềm dùng chung của Bộ, trường mới được tập huấn chứ chưa dùng thử. Thời điểm 23/7 trường đang rất sốt ruột mà vẫn chưa nhận được phần mềm và hướng dẫn sử dụng của Bộ GD-ĐT.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: LAD).

Theo lãnh đạo nhà trường, việc sử dụng phần mềm dùng chung sẽ giúp thí sinh làm quen với công tác xét tuyển và trường đỡ mất thời gian nhập dữ liệu. Tuy nhiên tính ổn định của phần mềm là điều không ít trường lo lắng.

Lãnh đạo một trường ĐH phía Nam chia sẻ băn khoăn lượng ảo sẽ tập trung vào 200 trường xét tuyển bằng học bạ. Rất nhiều em tham dự kỳ thi THPT quốc gia nhưng vẫn xét tuyển đại học bằng học bạ.

Nhưng dữ liệu tuyển sinh bằng học bạ không được đưa vào phần mềm tuyển sinh chung của Bộ. Do đó, sẽ có nhiều thí sinh trúng tuyển bằng cả 2 phương thức nên tỷ lệ ảo sẽ rất lớn, đặc biệt ở các nguyện vọng bổ sung.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết song song với hệ thống phần mềm dùng chung, trường đã tính tới việc phải chuẩn bị reset hệ thống khi xảy ra nghẽn mạng.

Tuy vậy, ban công nghệ thông tin với 5 người của trường này cũng chưa hình dung ra được sẽ xử lí như thế nào với lượng thí sinh ồ ạt nộp nguyện vọng 2,3,4 cùng lúc.

Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng thừa nhận ông không dám chắc phần mềm này sẽ suôn sẻ khi đưa vào hoạt động khi vừa qua Bộ công bố điểm thi đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng.

Chung nỗi lo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi Trịnh Minh Thụ phân tích: “Năm nay, việc xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ hoàn toàn mới nên thí sinh và nhà trường chưa có kinh nghiệm trong việc rút hồ sơ và nộp hồ sơ xét tuyển.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: LAD).

Ngoài ra, có thể xảy ra tình trạng thí sinh ồ ạt nộp hồ sơ vào những ngày đầu và đồng loạt rút hồ sơ vào những ngày cuối cùng ở mỗi đợt xét tuyển. Nhà trường sẽ rất vất vả trong những ngày này”.

Do vậy, để tránh những tình huống không đáng có xảy ra, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… trong những ngày thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.

Ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương lo lắng năm nay việc nguyện vọng bổ sung của trường sẽ xảy ra tình trạng thí sinh ảo tăng do thí sinh có đến 3 nguyện vọng bổ sung, thời gian xét tuyển kéo dài đến tháng 11.

Việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia nên nhà trường cũng bị động, không biết lượng thí sinh xét tuyển vào trường sẽ là bao nhiêu.

Đối với Trường CĐ sư phạm Trung ương thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển ở NV3 và NV4. Thời gian xét tuyển nguyện vọng này khá muộn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của sinh viên. Do vậy, kết thúc mỗi đợt xét tuyển nhà trường sẽ cho thí sinh nhập học và tổ chức lớp học cho các em. 

Chủ động xử lí; không dùng phần mềm của Bộ

Ông Nguyễn Thanh Chương Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Năm nay với 1 nguyện vọng thí sinh có thể nộp vào 4 ngành khác nhau của trường nên việc quản lí đòi hỏi phần mềm có sự linh hoạt. Trong khi chờ phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, hiện tại trường cũng đã chủ động xây dựng phần mềm để phân loại thí sinh.

Không chờ cho tới khi phầm mềm của Bộ GD-ĐT được chuyển về, ông Bùi Đức Hiền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực cho biết phần mềm do trường tự xây dựng để thí sinh chủ động đăng ký trước/trong và sau khi đã đi vào hoạt động.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ sẽ xây dựng phần mềm tuyển sinh riêng chứ không dùng phần mềm của Bộ GD-ĐT.

Việc này giúp trường xét tuyển một cách chủ động, không phụ thuộc vào dữ liệu chung. Thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tuyến rồi gửi bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng đường bưu điện.

“Trường chỉ xét tuyển một đợt từ kết quả thi do các trường đại học chủ trì. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần trừ đi 20% thí sinh ảo là được”, ông Xê nói.

Theo quy định, mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và có dấu đỏ của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển, thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng, xét tuyển tối đa vào 4 ngành trong cùng một trường đại học, cao đẳng. Như vậy, mỗi thí sinh có 16 cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để nộp vào trường khác.

  • Văn Chung