- Dưới đây là những chia sẻ của Bùi Lê Khánh thủ khoa Trường ĐH Giao thông Vận tải (28 điểm) và thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Trần Anh Thư với điểm tuyệt đối 30 mùa tuyển sinh năm 2010.

TIN BÀI KHÁC


Thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải Bùi Lê Khánh: "Với môn Toán cẩn thận kẻo mắc...bẫy"

“Khi bước vào phòng thi, chuyện trượt hay đỗ không còn quan trọng nữa, điều cần làm là phải cố gắng hết sức mình” – đó là điều Bùi Lê Khánh thủ khoa Trường ĐH Giao thông Vận tải luôn nhắc nhở bản thân.

Sự nỗ lực hết mình đã đem đến cho Khánh kết quả quán quân Trường ĐH Giao thông vận tải mùa thi năm 2010, với số điểm 28 điểm (Toán: 9, Lý: 9,25, Hóa : 9,75)..

Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi ĐH, Khánh nói: “Sau kì thi tốt nghiệp, thời gian còn lại để ôn thi ĐH rất ngắn ngủi nên em chỉ hệ thống lại kiến thức là chính, đặc biệt là những kiến thức trong SGK".

Mỗi ngày Khánh học đều đặn ba môn chia theo ba buổi, nếu buổi sáng học Toán, thì trưa học Lý, và tối học Hóa rồi liên tục đổi nhau để tránh nhàm chán.


Lê Khánh thường tìm những dạng bài, dạng đề trên các diễn đàn để bổ sung kiến thức

Với môn Toán, Khánh luôn trình bày một cách cẩn thận, không để sai sót dù chỉ là một lỗi nhỏ. Để làm được 9 câu trong bài thi ĐH mà không bị trừ một điểm nào, Khánh cho biết: “ Em thường học theo cách trình bày của thầy, hoặc tham khảo cách trình bày trong SGK bởi đó là những khung chuẩn nên không bị giám khảo bắt bẻ. Trong quá trình làm bài thi, những câu dễ em làm trước để lấy điểm sau đó kiểm tra lại một lượt cho chắc chắn rồi chuyển sang câu khác, đối với câu khó mà ít điểm thì làm sau cùng.”

Ngoài ra, Khánh còn có một quyển sổ tay ghi lại tất cả những câu mà mình đã làm sai, những dạng bài mình bị bẫy để ghi nhớ và tránh mắc phải lỗi khi đi thi.

Còn môn Lý, kiến thức trọng tâm nằm chủ yếu ở lớp 12 nên việc nắm vững các công thức, dạng bài tập trong sách giáo khoa rất quan trọng vì câu hỏi lý thuyết trong các đề thi thường xoay quanh SGK. Khi làm bài thi, Khánh lướt qua một lượt và làm những câu lý thuyết trước, vì đó là lúc đang minh mẫn nên thường ít bị nhầm lẫn.

Trong ba môn, môn Hóa được xem là nặng nề nhất bởi lý thuyết quan trọng nằm trong cả quá trình từ khi học sinh bắt đầu làm quen với môn Hóa. Bởi vậy, các sĩ tử cần phải hệ thống kiến thức phù hợp theo cách dễ nhớ nhất. Với Khánh, sơ đồ hình cây là phương pháp nhớ công thức hóa học hữu hiệu. Từ một ý chính, Khánh triền khai ra nhiều cành nhỏ, nhánh nhỏ để tiếp thu nhanh và nhớ lâu hơn.

Khánh tâm sự: “Bình tĩnh, tự tin với kiến thức của mình là điều kiện tiên quyết để chiến thắng. Một khi đã làm hết sức mình thì kết quả như thế nào cũng không cảm thấy hối tiếc”

Thủ khoa Trường ĐH Ngoại Thương Trần Anh Thư: "Đầu tư nhiều thời gian học tiếng Anh..."

Không giống cách học của Khánh, cô thủ khoa Khoa Tiếng Anh thương mại (Trường ĐH Ngoại Thương) Trần Anh Thư lại có lịch ôn luyện khá dày bởi ngoài thời gian học ở trường, Thư còn học ở thêm ở các lớp ôn ĐH, ở một số trung tâm và tự học ở nhà.

Đỗ thủ khoa Tiếng Anh thương mại với số điểm 30, Thư cho biết : “Em dành thời gian nhiều nhất cho hai môn Toán và Văn, vì trong suốt thời gian học trên lớp em đã đầu tư nhiều vào việc luyện Tiếng Anh. Trong từng môn học phải có phương pháp riêng và hiệu quả”.


Trần Anh Thư (bên trái) cùng bạn thân. Ảnh do nhân vật cung cấp

Với môn Tiếng Anh, việc học từ mới, cấu trúc mới rất quan trọng, bởi vậy trên lớp Thư thường ghi lại cẩn thận và dành thời gian để học mỗi ngày. Để nhớ từ, cấu trúc phải học theo ngữ cảnh, muốn phát âm tốt phải tra từ điển nhiều và nắm vững trọng âm.

Có thời gian rảnh rỗi, Thư lại ngồi học tiếng Anh, và làm trắc nghiệm. Để thử kiến thức của mình, Thư viết đáp án sang cột bên trái, lấy giấy che đi, rồi làm bài và giở kết quả ra kiểm tra lại.

Khi làm bài thi, những câu chọn cách phát âm khác, trọng âm khác, phải tuân thủ một số quy tắc như: danh từ trọng âm thường rơi vào âm tiết đầu, động từ trong âm thường rơi vào âm tiết thứ hai, và phải nhớ những trường hợp đặc biệt. Để hạn chế lỗi sai, Thư thường dò theo từ khóa trong câu hỏi, xem nội dung câu hỏi là gì, sau đó đối chiếu với bài đọc và tìm câu trả lời phù hợp nhất.

Còn môn Toán, sau mỗi chuyên đề, cô thủ khoa thường tổng kết lại thành một khung cơ bản và làm nhiều để nhớ các bước. Thư thường làm các bài tập trong SGK hoặc trong các bộ đề Toán.

Thư cho biết, khi làm bài thi cần bình tĩnh, câu về đồ thị thường dễ ăn điểm nên làm trước, câu khó làm sau, và phải kiểm tra kết quả một cách kĩ lưỡng để tránh sai sót.
Môn văn kiến thức trải rộng, phải học thuộc nhiều và khó nhớ, vì vậy Anh Thư học theo sơ đồ xương cá bằng cách viết một ý chính rồi chia nhỏ ra các ý phụ, mỗi ý rút ra một từ khóa thành một chuỗi các từ đơn để học dễ hơn. Nếu phân tích thơ, trước hết phải thuộc thơ, và bám vào thơ để triển khai thành bài.

Thư chia sẻ: “Trong quá trình làm Văn, em phải sắp xếp thời gian cụ thể, câu đầu ngắn nên chỉ làm trong vòng 20 phút, câu nghị luận xã hội làm khoảng 30 – 45 phút, còn lại dành thời gian cho câu tự luận thì mới kịp giờ. Trước khi làm câu tự luận phải lập dàn bài để tránh thiếu ý”.

Theo Anh Thư, việc cuối cùng cần làm là phải hệ thống lại toàn bộ những kiến thức của cả ba môn để chuẩn bị sẵn sàng cho kì thi ĐH sắp tới.

  • Thu Thảo