- Từ 9h sáng nay (ngày 13/6) các khách mời đến từ Bộ GD-ĐT và các chuyên gia giáo dục đã có mặt tại Tòa soạn đối thoại trực tuyến xung quanh đề án đổi mới Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đang được độc giả quan tâm.

TIN BÀI LIÊN QUAN
70.000 tỷ gói trong 30 trang là bản nháp...vội
Các giáo sư chưa thông đề án GD 70.000 tỷ
Hết năm học, giáo dục bàn tiêu tiền nghìn tỷ

Ngày 1/6/2011, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam được mời tham gia đóng góp ý kiến cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015.

Được mời đóng góp ý kiến, PGS Văn Như Cương khi đó đã nêu vấn đề, liệu có cần thiết dùng tới 70.000 tỷ đồng để làm chương trình và sách giáo khoa?

Các khách mời tại buổi trực tuyến. Ảnh Lê Anh Dũng

Thông tin sau đó thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, khi các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Bee, Công an Nhân dân, VnExpress, Dân Việt… ghi nhận thêm các phân tích của GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Chu Hảo, GS Nguyễn Kế Hào… và đông đảo độc giả quan tâm tới giáo dục.

Cũng khá nhanh chóng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Đình Chuẩn,  PGS Đỗ Ngọc Thống… đã lên tiếng và Văn phòng Bộ GD-ĐT khẳng định con số 70.000 tỷ đồng chỉ là khái toán.

Với những người có trách nhiệm xây dựng đề án, những nguyên nhân cần đổi là bởi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành qua 9 năm triển khai đại trà đã bộc lộ thiếu sót, hạn chế: thiên về trang bị kiến thức khoa học bộ môn; chưa chú trọng đúng mức tới việc rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học.

Một lý do khác là hầu hết các nước, chương trình đã chuyển từ cách tiếp cận nội dung (HS học được những gì) sang tiếp cận năng lực (học sinh làm được những gì).

Các chuyên gia chỉ ra hàng loạt bất cập bởi bản dự thảo chẳng những không thể hiện được tinh thần đổi mới mà chưa thấy những giải pháp thực hiện mang tính đột phá.

‘Bản nháp vội”, “dự thảo chơi vơi” hay “quy trình ngược” là những nhận định đưa ra cho dự thảo này.

Dự thảo chơi vơi vì chưa có một điểm tựa vững chắc khi mà triết lý giáo dục chưa định hình rõ ràng, chiến lược giáo dục đến năm 2020 chưa hoàn tất.

GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với PGS Văn Như Cương. Ảnh Lê Anh Dũng

Đem so sánh với bản đề án của 10 năm trước, một số ý kiến chỉ ra, có những định hướng thực chất không mới, vẫn tiếp tục “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”. Hay, cách đây 10 năm, mục tiêu của đổi mới là “nâng cao chất lượng toàn diện”, thì bây giờ “coi trọng kỹ năng sống” cũng chỉ là cụ thể hoá việc dạy toàn diện. Tuy nhiên, lại có một cái mới là số tiền đầu tư với con số ấn tượng 70.000 tỷ đồng – xoay quanh cái trục của “sách giáo khoa”.

GS Nguyễn Kế Hào, người cách đây 10 năm đã từ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học bởi không thống nhất cách làm “đổi mới sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông” khẳng định vẫn phải làm chương trình, sách giáo khoa mới, nhưng cách làm, quy trình, thời điểm... thì không thể như đề án.

DƯỚI ĐÂY LÀ NỘI DUNG BUỔI TRỰC TUYẾN

Nhà báo Kim Dung: Thưa quý bạn đọc của VietNamNet, giáo dục luôn được coi là động lực phát triển gắn với mục tiêu kinh tế xã hội. Nhưng ở một góc độ khác, giáo dục cũng là động lực, lĩnh vực nhạy cảm, mang tính xã hội rất rộng lớn....

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có một Đề án "Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 và với con số đầu tư là 70.000 tỉ đồng. Ngay lập tức đề án đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội.

VietNamNet tổ chức buổi giao lưu trực tuyến để có được thông tin đầy đủ cùng chia sẻ với nhân dân về đề án này.


GS Nguyễn Minh Thuyết đang trả lời những nội dung độc giả quan tâm. Ảnh Lê Anh Dũng

Khách mời về phía Bộ GD-ĐT gồm có  TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung hoc, TS Nguyễn Anh Dũng, phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, PGS Đỗ Ngọc Thống, chuyên gia cao cấp Viện khoa học giáo dục.

Ngoài ra còn có các chuyên gia giáo dục đang công tác ở các cơ quan nhà nước, các trường học gồm GS Nguyễn Minh Thuyết, phó Chủ nghiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên- nhi đồng của Quốc hội; GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, GS Vũ Kế Hào, nguyên là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học của Bộ GD-ĐT.

Nhà báo Kim Dung: “Ở góc độ cơ quan nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo giáo dục Việt Nam từ năm 2008 -2020 có nhiều mục tiêu nhưng việc cần làm trước là "cải cách giáo dục" hoặc "đổi mới giáo dục một cách toàn diện" theo Nghị quyết của Đảng khóa 11 nhưng năm 2008 thì Chiến lược giáo dục này vẫn chưa được hoàn thành, mặc dù đã qua 20 lần dự thảo. Đến tận hôm nay Chiến lược giáo dục chưa công bố và cải cách giáo dục - cuộc đổi mới giáo dục toàn diện theo như cách gọi phổ biến chưa triển khai. Vậy vì sao Bộ GD-ĐT lại chủ trương triển khai xây dựng chương trình SGK mà dư luận cho rằng đó là việc làm ngược?

TS Vũ Đình Chuẩn: Chúng tôi thay mặt cho cơ quan quản lý, ủy quyền của đồng chí lãnh đạo Bộ, hết sức cảm ơn và tiếp thu các ý kiến trên các diễn đàn khoa học, cơ quan khoa học và phương tiện thông tin đại chúng và các nhà quản lý đã góp ý xây dựng đề án đổi mới chương trình SGK sau năm 2015.


TS Vũ Đình Chuẩn
Chúng ta được biết năm 2008 Bộ GD-ĐT đã khởi động việc xây dựng Chiến lược giáo dục và đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan khác nhau trong Liên hiệp hội, tổ chức các hội nghị trực tuyến lấy ý kiến của các sở giáo dục, các trường ĐH, các địa phương cũng đã đưa dự thảo lên trên mạng.

Và chúng ta có Nghị quyết 11 về đổi mới toàn diện triệt để, căn bản giáo dục Việt Nam thì chúng ta phải tiếp thu, quán triệt tinh thần đổi mới toàn diện bằng văn bản chiến lược. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo cho bộ phận biên soạn tích cực hoàn thiện chiến lược giáo dục để thông qua.

Về đề án đổi mới chương trình SGK, đã có hội thảo bàn về vấn đề này từ khi có thông báo 242 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 2, trong đó có định hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020. Trong định hướng của thông báo 242 thì có một chủ trương đổi mới toàn diện, căn bản, trong đó có đổi mới chương trình SGK.

Tuy nhiên chúng ta khởi động xây dựng đề án thì Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện khoa học giáo dục Việt Nam xây dựng đề án này.

Bộ đã đưa đề án để xin ý kiến của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và vừa rồi chúng ta đã có cuộc gặp gỡ các nhà khoa học trong Liên hiệp hội. Chúng tôi ghi nhận ý kiến trong thời gian và thấy rất có ý nghĩa. Bộ đã đề nghị Viện tiếp thu một cách nghiêm túc và mỗi một vấn đề có thể phải bàn thảo nghiêm túc để chúng ta hoàn chỉnh đề án đáp ứng được việc thay đổi chương trình SGK và sử dụng đại trà vào năm 2017.

Thực ra bản dự thảo Chiến lược chúng ta đang trong quá trình soạn thảo. Bản đề án đổi mới SGK chúng ta cũng đang trên dự thảo. Sau khi có nghị quyết đại hội thì Bộ GD cũng đã chỉ đạo cho các cơ quan, các địa phương cũng quán triệt nghị quyết và triển khai tới từng cấp học. Chúng tôi nghĩ dự thảo của đề án đổi mới nằm trong bối cảnh chung đó. Tôi nghĩ những vấn đề nàm trong chương trình đổi mới này là những vẫn đề nhỏ hơn của chiến lược, của chương trình hành động. Nó phải chịu sự chỉ đạo của các vấn đề vĩ mô như vậy.

Đề án "ra đời" lúc này chưa đúng...

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi được mời với tư cách người làm giáo dục lâu năm. Khi được hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam mời đến tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến cho đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông của Bộ GD-ĐT, tôi đã nghiên cứu hết sức nghiêm túc để làm sao có thể đóng góp ý kiến tốt nhất cho GD Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và cuộc sống.

Đề án này có thể nói trên dư luận lúc đầu dân có lẽ bất ngờ nhất là con số 70.000 tỷ đồng. Tôi có thể nói đây là con số rất to, nhất là đối với nước ta. Nhưng trong dự án này, 70.000 tỷ đó thì có 65.000 tỷ để dành cho xây dựng trường sở, đầu tư trang thiết bị trường học, khoảng 300 tỷ để đào tạo giáo viên và 962 tỷ để biên soạn chương trình sách giáo khoa mới. 962 tỷ nói cũng lớn nhưng nói cho đúng ra thì nó chỉ hơn 1km đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa thôi.

Để thay toàn bộ chương trình SGK mới, tôi nghĩ là cũng không lớn lắm. Nhưng cái người ta băn khoăn là mình đưa ra đúng chưa, và đề án này có gì mới không?

Tôi thấy, đưa ra như lúc này là chưa đúng, vì trước hết, phải có một kế hoạch tổng thể để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, không phải chỉ GD phổ thông theo Nghị quyết ĐH 11 của Đảng. Trên cơ sở chương trình đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam thì lúc đó mình mới bàn đến chuyện này được. Hiện nay, chúng ta chưa có hình dung gì đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam mà đưa đề án này thì không phù hợp.

Tôi cũng xin nói thật cảm tưởng của tôi là nếu nói rằng là giáo dục của chúng ta không có tổng chỉ huy là không đúng nhưng mình phân cắt nhiệm vụ rõ ràng quá, ai phụ trách phần nào cứ việc đưa đề án vào mà không có một cái nhìn tổng thể. Tôi được biết là Hội đồng quốc gia giáo dục được thành lập ngay đầu khóa chính phủ mới này, tức năm 2007 nhưng đến nay, Hội đồng này chưa bao giờ họp. Chúng ta vẫn nói GD-ĐT là quốc sách hàng đầu mà cả một khóa Chính phủ không hề họp lần nào để bàn thì làm sao để gọi là quốc sách hàng đầu? Chính vì thế nền giáo dục của mình chưa có định hướng xây dựng đổi mới căn bản, toàn diện.
Chúng tôi cũng thấy băn khoăn vì đề án này chuẩn bị trên những phác thảo ý tưởng ban đầu, dưới dạng gạch đầu dòng 30 trang chứ chưa có nghiên cứu đầy đủ, chi tiết và cũng không có cái mới so với chương trình SGK hiện nay. Như thế rất khó có thể được dư luận tán đồng. Quan trọng nhất là khó đạt được kết quả tốt. Nếu cỡ 70.000 tỷ một dự án thì nó thuộc vào diện các công trình dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét.
Có một số cách làm sẽ phải tính toán để thay đổi như dư luận từ lâu mong muốn có một chương trình, nhiều bộ SGK nhưng hiện nay Luật chưa cho phép.
Tôi không nghĩ ngành GD độc quyền nhưng mà vì nó dựa trên hai Luật, gọi là độc quyền tự nhiên: Luật xuất bản quy định mỗi nhà xuất bản có tôn chỉ mục đích và chỉ xuất bản sách theo tôn chỉ mục đích đó thôi. Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ GD, tôi cũng không đời nào giao cho Nhà Xuất bản khác. Tôi phải giao cho NXB thuộc quyền của tôi để có sai sót, tôi còn có thể xử lý.
Nhưng hiện nay, dư luận cho rằng phải có nhiều bộ SGK. Ít nhất có nhiều nhóm biên soạn thì mới cạnh tranh được chất lượng. Tôi nghĩ rằng mình phải thuyết phục Quốc hội để thay đổi quy định này. Nếu không, phải tìm ra cơ chế để có nhiều nhóm cùng xây dựng SGK. Trên cơ sở đó để lựa chọn.

Nhà báo Kim Dung: Theo Giáo sư, thời điểm nào mình nên có chương trình SGK mới?


Nhà báo Kim Dung trao đổi với khách mời nội dung độc giả quan tâm (Ảnh Lê Anh Dũng)

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thông thường, tuổi thọ SGK các nước là 10-15 năm. Còn ở nước ta cũng tùy. Nếu tính từ chương trình cải cách GD năm 1981 đến thời điểm thay sách là 21 năm, nếu tính từ thời điểm 2002 đến năm 2019 đề án này triển khai toàn quốc là 17 năm. Tôi nghĩ thời gian hợp lý, chuẩn bị là vừa. Nhưng trước hết phải đưa ra tổng thế cải cách giáo dục đã, trên cơ sở đó tính toán chứ không thể nào làm nhà nền móng chưa có mà lại xây lửng lơ một cái lầu ở tầng 3. Thời điểm này không hợp lý là vì thế.

TS Nguyễn Anh Dũng: Thời điểm này đã phải tính đến việc chuẩn bị cho một chương trình mới. Chương trình song song làm với chiến lược. Ngay trong kết luận của Bộ Chính trị đã yêu cầu hoàn thành năm 2015, sau đó Văn phòng TW Đảng đề nghị Bộ GD soạn thảo chương trình này để trình ban chấp hành trung ương. Đến khi Nghị quyết 11 đưa ra thì chương trình ở trong tình thế như vậy. Nhưng chúng tôi quan niệm: Chiến lược phát triển GD năm 2011-2020 cũng đang soạn thảo và thấm nhuần tinh thần của văn kiện ĐH Đảng lần thứ 11, đó là tính căn bản và toàn diện.

TS Vũ Đình Chuẩn: Nên chăng là ta vẫn cứ song song làm nhưng dứt khoát chương trình này vẫn phải công bố sau chiến lược và phải chịu sự ước chế của Chiến lược đào tạo năm 2011-2020. Đây là một đề án được xây dựng trong quá trình nghiên cứu, nên nếu nói nó như một phác thảo thì lẽ ra chúng tôi phải có ngoài hơn 30 trang, thì phải có hẳn trang phụ lục làm rõ những mục tiêu, định hướng đổi mới, làm rõ kinh nghiệm quốc tế hay đánh giá chương trình trước đây. Ý là phác họa một mô hình của chương trình nhưng có lẽ đó là thiếu sót của chúng tôi.

TS Nguyễn Anh Dũng: Để xây dựng đề án này, từ ngay năm 2003, Viện Khoa học GD Việt Nam đã có 8 đề tài nghiên cứu liên quan đến đề án này. Vấn đề sự phát triển của kinh tế -XH đến năm 2020 và sự đổi mới của giáo dục, GDPT trong hội nhập quốc tế. Đây là hai đề tài trọng điểm cấp Bộ...

Về chương trình có tới 10 đề tài ở các cấp khác nhau nghiên cứu về lý luận. Chương trình sẽ chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Một trong những chuyên gia nghiên cứu đó là anh Thống. Thú thực với GS Thuyết còn nhiều vấn đề, nghiên cứu năng lực chung cho tất cả học sinh. Trước hết là Toán, tiếng việt và ngữ văn.

Ngoài một số vấn đề: Nội dung, phương pháp, đánh giá. Đặc biệt là đó là trong nội dung chúng tôi nghiên cứu tích hợp từ nay đến cuối năm phải đề xuất mô hình tích hợp được để đưa vào đề án hay phân hóa tự chọn theo năng lực cũng khẳng định tự chọn là xu hướng của quốc tế. Phân hóa bằng hình thức tự chọn thì cuối năm nay phải trả lời được mô hình chuẩn hóa ở phổ thông như thế nào?...

TS Vũ Đình Chuẩn: Cũng như trao đổi với ý kiến của GS Thuyết đã nói là có rồi chứ không phải là không có. Dự định là ngay sau khi xin ý kiến trực tiếp thì bộ trưởng đã có một kế hoạch làm việc với tất cả các giáo sư và nghe các ý kiến góp ý. Bộ trưởng yêu cầu lập danh sách các nhà quản lý giáo dục. Chúng tôi lập được danh sách 33 người.. Bộ trưởng cũng yêu cầu lập thêm danh sách những nhà chuyên môn. GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Hồ Ngọc Đại, GS Văn Như Cương. …Chúng tôi mới lập danh sách này. Bộ trưởng cũng có dự định tiếp các giáo sư để trao đổi các vấn đề đổi mới căn bản toàn diện trong đó vấn đề chiến lược SGK. Thể hiện được là đang cố gắng và đang muốn cố gắng xin ý kiến giáo sư, nhà khoa học và nhà quản lý.

(...Tiếp tục cập nhật)
  • VietNamNet