Câu chuyện cô gái gốc Việt ở Canada thuê người giết bố mẹ không biết đã là lời cảnh báo những phụ huynh Việt đang nuôi con bằng mơ ước của chính mình.
Có thể thấy rằng việc phụ huynh nuôi con cái lớn lên với ước mơ của chính mình vẫn đang tiếp diễn qua các thế hệ.
Một phụ huynh với mong muốn trở thành bác sĩ nhưng không thành sẽ có khuynh hướng hướng con mình theo ngành bác sĩ. Một người mẹ sinh được bé con có nhan sắc sẽ mơ mộng con thành người đẹp nổi danh. Một cô gái lấy một ông chồng nghèo nhất định mong con mình sau này yêu được người khá giả...
Điển hình nhất là những bậc phụ huynh nông thôn chân lấm tay bùn, luôn mong mỏi về một việc làm công ăn lương nhàn hạ. Đây là những người mà hơn ai hết, nhất định sẽ phản đối nếu con cái “mở miệng” bày tỏ nguyện vọng ở nhà làm giàu từ ruộng đất…
Mặc dù đang có nghề buôn bán gốm sứ rất thuận lợi, nhưng tới năm cậu con trai tốt nghiệp lớp 12 với học lực trung bình, anh Minh Tùng vẫn ôm 300 triệu đồng chạy tới lui nhờ người lo cho con vào một ngôi trường quân đội, với hy vọng sau này con sẽ có công việc ổn định, không phải vất vả như mình. Kế hoạch không thành, anh Minh vẫn đang trăn trở tìm cách chạy cho con vào một nơi “ấm êm” nào đó, và trong khi chờ đợi, anh thà để cậu thanh niên “bẻ gãy sừng trâu” ngồi chơi nhởn nhơ ở nhà chứ nhất định không để con đi theo xe hàng với mình.
Chờ mãi mới tới lúc con gái thổi nến mừng sinh nhật 5 tuổi, chị Thanh Vân đưa ngay con tới lớp học piano. Chỉ sau 2 buổi học thử, chị đã mạnh tay chi hàng chục triệu đồng để mang cây đàn về nhà. “Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích thú với hình ảnh một cô gái mặc váy dài ngồi trang nhã bên chiếc đàn piano. Với lại, mọi người vẫn nói suốt đấy thôi, chơi đàn rất tốt cho tâm hồn”.
Tuy nhiên, sau đó là chuỗi ngày mẹ con chị đánh vật với cây đàn. Sự thích thú của trẻ con chỉ là thoáng chốc khi thấy điều mới lạ, chứ con chị không thực sự có năng khiếu và say mê, như chính lời giáo viên nhận xét. Tuy nhiên, chị chưa muốn bỏ cuộc. Vì vậy mà hình ảnh một cô bé váy dài ngồi đàn hát đâu chưa thấy, nhưng cảnh cô bé ngồi vặn vẹo, gõ đàn phừng phừng dưới sự giám sát của mẹ là cảnh thường xuyên diễn ra trong nhà chị Vân. “Đời tôi đã không được học, bây giờ tôi muốn trang bị cho con gái đầy đủ những kỹ năng cần thiết khác nữa. Sau này tôi sẽ còn cho con học vẽ, nấu ăn, cắm hoa, làm bánh…”.
Với mong ước con được vào học ngôi trường chuyên lớn nhất của Hà Nội, chị Hồng Nga không tiếc công sức đầu tư cho con từ năm lớp 6. Vốn là dân chuyên văn, nhưng chị muốn con vào học một bộ môn chuyên khác như ngoại ngữ, toán, lý, hóa. “Trước đây tôi cũng rất thích các bạn học chuyên tự nhiên, họ giỏi giang và rất nam tính”. Tuy nhiên, cậu con trai đã không đáp ứng được mong mỏi của mẹ. Không những lại chọn thi chính chuyên văn, cậu còn… thi trượt, và không đủ cả điểm vào một trường công lập. Nỗi buồn này với chị Nga rất khó nuốt trôi. Nhưng chị lại sớm xác định cho con – hay cho mình – một mục tiêu mới: Đi du học sau khi hết lớp 12.
Tất nhiên, phụ huynh luôn có lý do khi muốn con làm theo ý muốn của mình. Chuyện con cái học đại học theo ngành mà bố mẹ mong muốn ở Việt Nam là quá bình thường. Và phụ huynh bao giờ cũng có lý, khi đưa ra những lý do đầy thuyết phục như ngành học đó đang rất “nóng”, hay bố mẹ có quen biết sẽ thuận lợi xin việc sau này…
Một bạn trẻ chia sẻ trên trang Triết học đường phố rằng “Tôi đồ rằng, nếu như hiện tại, giấc mộng công nhân viên chức – làm công ăn lương của các bậc phụ huynh ngăn cản khao khát kinh doanh, lập nghiệp của các bạn trẻ thì, tương lai, những bạn trẻ này khi làm phụ huynh, nhất định sẽ muốn con cái mình theo nghiệp kinh doanh và o ép chúng đi vào con đường đó, vì đó là con đường ngày xưa ta đã chọn mà không được thực hiện, ta cho nó là đúng, là hay, và rồi ta lại sẽ phản đối ngay cái ý tưởng được làm việc trong môi trường nghệ thuật hay tu hành của con cái mình...
Trong 1.000 lời cầu nguyện cha mẹ dành cho con cái, tôi nghĩ chắc có đến 999 lời cầu nguyện con cái nghe lời mình. Vâng, các phụ huynh ít khi cầu cho con cái đạt được ước mơ của mình, được hạnh phúc hay có ích cho đời. Các bậc phụ huynh chỉ cầu cho con cái ngoan ngoãn nghe lời mình là đủ”...
“Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào. Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon. Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao? Tại vì họ đã nhầm, một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới. Tôi thất vọng vô cùng khi về lại Việt Nam và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt. Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyền khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình… già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu?” Alan Phan |
79% phụ huynh toàn cầu coi đại học là yêu cầu bắt buộc với con cái Đây là kết quả vừa được HSBC công bố trong chuỗi khảo sát về Giá trị của giáo dục (bản thứ hai) qua khảo sát với hơn 5.550 phụ huynh tại 16 quốc gia. Bản báo cáo Học tập cho tương lai của HSBC (HSBC’s Learning for life), bản thứ hai trong chuỗi khảo sát Giá trị của giáo dục, tiết lộ rằng nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng cao về mặt giáo dục cho con cái. Hơn 50% phụ huynh cho rằng, bằng tốt nghiệp đại học là chuẩn tối thiểu cần phải có để con cái họ có thể đạt được những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời. Theo Báo cáo, 95% bậc cha mẹ sẵn sàng hoặc đã chuẩn bị khoản đầu tư trang trải cho tiền học phí và/ hoặc chi phí ăn ở ở bậc đại học của con cái. Bên cạnh đó, bản báo cáo cũng cho thấy 83% phụ huynh định sẵn trong đầu một nghề nghiệp cụ thể cho con cái và họ ưu tiên cho những nghề cần chuyên môn và thiên về khoa học tự nhiên, thường có sự liên hệ với thu nhập cao và sự đảm bảo về việc làm cao. Y khoa đứng đầu những ngành được ưa thích, với 19% phụ huynh lựa chọn. Những ngành được ưa chuộng khác là kỹ sư (11%) và khoa học máy tính (8%). Nguyễn Thảo |
Ngân Anh