- Ông Hoàng Minh Sơn được bổ nhiệm vào vị trí hiệu trưởng sau một thời gian “đầy khó khăn và sóng gió” của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tại Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2015 – 2020 diễn ra sáng ngày 30/7, ông Hoàng Minh Sơn bày tỏ: “Trước sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đặc biệt trước sự kỳ vọng rất lớn của các cán bộ sinh viên nhà trường, tôi cũng ý thức rõ đây là trọng trách nặng nề, nhất là trong bối cảnh hiện nay của trường.
Ông Hoàng Minh Sơn phát biểu trong Lễ công bố quyết định bổ nhiệm |
Trong năm 2016 tới đây trường kỷ niệm 60 năm thành lập. Trải qua những năm tháng đi cùng lịch sử của đất nước, những cống hiến to lớn của bao thế hệ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tạo nên danh tiếng của ngôi trường đại học kỹ thuật hàng đầu đất nước, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc cũng như cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Đặc biệt trong những năm qua, trong bối cảnh kinh tế đất nước nhiều khó khăn, cạnh tranh trong hệ thống đại học ngày càng gay gắt, toàn trường đã rất nỗ lực để đổi mới mạnh mẽ các hoạt động, xây dựng các định hướng mang tính chiến lược, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, đạt được những kết quả mang ý nghĩa quyết định đến sự phát triển lâu dài và bền vững của nhà trường.
Đứng trước những thách thức cũng như những vận hội mới của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt là chủ trương của Đảng và Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đát nước. Trong thời gian tới đây, chúng ta cần tiếp tục quá trình đổi mới đoàn kết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể thực hiện có chiến lược lộ trình tự chủ đại học, tập trung phát triên theo chiều sâu, chú trọng chất lượng hiệu quả, đưa trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành trường đại học định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam, tiếp cận những chuẩn mực của khu vực và trên thế giới”.
|
Ông Hoàng Minh Sơn nhận quyết định bổ nhiệm |
Ông Sơn nhấn mạnh “Trong những công việc bộn bề phải thực hiện trong nhiệm kỳ tới”, toàn trường phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là:
“Thứ nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo, cơ chế quản lý điều hành, đề cao dân chủ, tinh thần hợp tác và sáng tạo cá nhân. Tạo diễn đàn để lãnh đạo lắng nghe và trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho mỗi cán bộ có thể đóng góp trí tuệ cho xây dựng triển khai các quyết sách của trường, phát huy bản sắc văn hóa Bách khoa, tăng cường đoàn kết, bỏ qua định kiến, tháo gỡ những bất đồng, xóa bỏ hiềm khích, giữ gìn sự ổn định vì sự phát triển chung của nhà trường.
Thứ hai là tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở phát triển, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Tập trung đầu tư hiện đại hóa phòng học, phòng thí nghiệm, triển khai mô hình đào tạo tích hợp cử nhân thạc sĩ và kỹ sư thạc sĩ. Tăng cường chương trình đảm bảo chất lượng, lấy ý kiến phản hồi của người học, người sử dụng lao động, điều chỉnh chương trình đào tạo để bám sát hơn yêu cầu thực tiễn.
Thứ ba là đổi mới quản lý các tổ chức, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sự chủ động và khai thác thế mạnh của các đơn vị, xây dựng quỹ khoa học công nghệ và huy động các nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cựu sinh viên. Đổi mới phương thức xét chọn, quản lý đề tài, tăng cường công tác thực tế trong nghiên cứu khoa học.
Thứ tư là tăng nguồn thu cho trường tạo thêm điều kiện làm việc, thu nhập cho cán bộ trên cơ sở những giải pháp tăng hiệu quả lao động, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ, xây dựng chiến lược vận động tài trợ cho quỹ đào tạo phát triển, quỹ học bổng và các hoạt động khác của trường, thực hiện chính sách phân bổ ngân sách hợp lý, quy hoạch vị trí việc làm và xây dựng chế độ trả lương thêm gắn với năng lực và vị trí việc làm.
Và thứ năm là nghiên cứu xây dựng các dự án lớn, chuẩn bị phương án đầu tư xây dựng mới trên khuôn viên trung tâm hiện nay, ưu tiên cho đầu tư hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, đầu tư xây dựng một số nhà cao tầng ký túc xá cho sinh viên, tiếp tục nghiên cứu xây dựng khuôn viên 2”...
Ông Sơn cũng khẳng định “Trí tuệ tập thể và sự đồng thuận là một trong các giá trị cốt lõi của ĐH Bách khoa Hà Nội và cũng là chìa khóa của mọi thành công”. Ông Sơn mong rằng trong thời gian tới sẽ nhận dược sự hỗ trợ, chia sẻ của Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các phòng ban chức năng, cùng toàn thể cán bộ giảng viên để “phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, triển khai các nhiệm vụ đề ra, đưa nhà trường vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định và phát triển vững mạnh trong thời gian tới”.
Tân Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội sinh năm 1969. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ ngành Tự động hóa ở CHLB Đức, ông về trường ĐH Bách Khoa HN giảng dạy và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường cả về chuyên môn và công tác quản lý. Tóm tắc quá trình công tác: - Tháng 5/1993 tốt nghiệp Kỹ sư Điện và tháng 12/1998 nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Điều khiển-Tự động hóa của Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dresden (CHLB Đức). - Tháng 1/2000 về làm giảng viên tại khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. - Năm 2006 được công nhận chức danh Phó giáo sư. - Từ tháng 9/2008 đến 4/2014 là Trưởng phòng Đào tạo Đại học. - Từ 5/2010 là Ủy viên BCH Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. - Từ tháng 3/2014 là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phụ trách các mảng công tác đào tạo sau đại học, khoa học công nghệ, truyền thông và quan hệ công chúng. |
Ngân Anh