- Thống kê của Bộ GD-ĐT về kết quả kỳ thi THPT quốc gia một lần nữa bổ sung bằng chứng về bất cập của chất lượng dạy học.
Ngay môn Toán - một môn học luôn được xác định là “môn chính”, có mặt ở các kì thi then chốt mà có tớ hàng chục ngàn bài thi dưới 2 điểm - những con số mà bất kì ai đọc vào cũng phải suy nghĩ.
Ngay sau khi kì thi diễn ra, các giáo viên và nhiều học sinh dự thi đánh giá đề Toán năm nay là khá dễ, đề ra sát với chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Từ câu 1 đến câu 5 nằm hoàn toàn chương trình 12 giống đề thi minh họa và đề thi thử nhưng dễ hơn. Nếu học sinh trung bình cũng dễ dàng đạt điểm 5, học sinh trung bình khá đạt trên 6 điểm. Vậy lý do vì sao lại có nhiều học sinh đạt điểm quá thấp như vậy?
Trong con số 24.000 điểm liệt môn Toán dưới trung bình có lẽ chiếm phần lớn là học sinh ở trung tâm bồi dưỡng thường xuyên, số còn lại là học sinh “ngồi nhầm lớp”.
"Ảnh hưởng tới chỉ tiêu"
Dưới góc nhìn của một nhà giáo đầy tâm huyết, tôi khẳng định đây chính là hậu quả của căn bệnh thành tích bao năm nay còn ngự trị trong ngành giáo dục.
Ngay từ bậc tiểu học, hầu như học sinh không được phép “ở lại lớp”, theo lý giải của một số cán bộ quản lý: “Sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua hàng năm, ảnh hưởng đến chỉ tiêu lên lớp thẳng, hiệu quả sau năm năm đào tạo của lớp, của trường…”.
Vì thế, dù học rất yếu, cuối năm các em vẫn được lên lớp. Sau 5 năm học, gần như trăm phần trăm đều được xét là đủ điều kiện hoàn thành chương trình tiểu học và được xét lên bậc học phổ thông dù trong số này không ít em làm mấy phép tính cơ bản như cộng trừ nhân chia chưa rành.
Lên tới bậc THCS, những học sinh học yếu sẽ càng yếu vì kiến thức cơ bản ngay từ cấp học dưới không nắm vững, kiến thức cấp trên lại khó.
Thầy cô cấp 2 cũng không thể dạy cho các em lại từ đầu, chỉ còn giải pháp tình thế cho bài dễ, dặn về nhà học thuộc lý thuyết để kiểm tra miệng, kéo lại điểm hay việc cho dạng đề ôn tập giống với đề kiểm tra một tiết.
Việc dạy và học toán trong nhà trường
Môn Toán là một môn học cơ bản, ngay từ bậc tiểu học, thời lượng dành cho việc học toán cũng chiếm nhiều thời gian. Ngày nào các em cũng có 1 tiết toán chính khóa và 3 tiết toán bổ sung. Lên cấp 2 và 3 số lượng tiết học môn Toán cũng không giảm đi là bao.
Nhưng sĩ số lớp học đông, thời lượng một tiết dạy không nhiều chưa nói đến trong từng lớp trình độ của học sinh cũng quá chênh lệch. Nên trong tiết học, thầy cô cũng chỉ cố gắng truyền thụ hết mục tiêu của bài chủ yếu là những nội dung nằm trong sách giáo khoa.
Phụ huynh và học sinh cũng luôn xác định Toán là môn học chính và quan trọng nên ngoài những tiết học bắt buộc trên lớp, các em thường đăng kí học thêm toán rất đông.
Một giáo viên trường trung học phổ thông đã nói: “Nhiều em bị hổng kiến thức ngay từ tiểu học nên rất khó phụ đạo để các em theo kịp”.
Giáo viên cũng bận chạy sô từ lớp dạy thêm này qua lớp dạy thêm khác mà không thể kèm, phụ đạo riêng cho những em vốn có lực học yếu.
Ở lớp học thêm, thầy cô chủ yếu dạy trước bài mới, ôn một số dạng đề sẽ có trong đề kiểm tra sắp tới. Học tới học lui nên điểm kiểm tra của các em đạt được cũng khá cao. Mặc dù những học sinh này luôn hổng kiến thức cơ bản ở các lớp dưới.
Với việc không cho học sinh yếu ở lại lớp, mỗi năm học qua đi, những học sinh này đều được lên lớp. Và cứ thế, cứ thế…học đến lớp 12 có em không giải nỗi bài toán cơ bản lớp 4,5. Vì lẽ đó dù đề thi có bám sát chương trình thế nào, dù kiến thức được cho là rất dễ thì những học sinh như thế vẫn không thể làm được điểm trung bình là điều dễ hiểu.
Muốn nâng cao chất lượng dạy và học của học sinh không chỉ dừng lại ở việc thay đổi phương pháp dạy và học của thầy và trò cũng như cách thi, cách ra đề mà ngay từ những bậc học đầu tiên cần phải chấm dứt ngay tình trạng “lùa” học sinh lên lớp như hiện nay.
- Giáo viên Khánh Ngọc