Tại một số trung tâm ngoại ngữ, luyện thi đại học và các lớp dạy thêm - những dịch vụ cung cấp kiến thức cho người học bên ngoài hệ thống nhà trường - đang có hiện tượng những người dạy giỏi chuyên môn cũng đồng thời có tính cách đặc biệt, nhiều khi bao gồm cả lời lẽ và ứng xử không đúng mực.

{keywords}

Giới hạn nào cho người "bán" kiến thức?

Cách đây nhiều năm, khi dịch vụ luyện thi đại học còn rầm rộ, có một số thầy giáo nổi tiếng không chỉ với cách luyện "trúng tủ" cao mà còn đi kèm nhiều lời nói khiếm nhã.

Một học viên nhớ lại buổi học năm 2001:

"Khi học, rất nhiều lần thầy chửi các bạn học sinh ngồi bàn đầu vì không làm được bài, hoặc không làm bài. Một lần, thầy đã nói với một bạn nữ "Đã dốt lại còn xấu như con khỉ!”. Trong khi cả lớp cười, tôi đã nói rất to: “Làm quái gì có loại thầy vô văn hóa như vậy”. Thầy rất tức và hỏi là ai vừa nói. Tất nhiên là tôi không giơ tay, nhưng đến giờ giải lao, tôi đã ra khỏi lớp và không bao giờ quay lại nữa. Tôi đi tìm một nơi luyện thi khác và kết quả vẫn đỗ đại học, bây giờ đang có công việc và cuộc sống tốt” - Hoàng Tân, kỹ sư một công ty giải pháp phần mềm chia sẻ.

Đến năm 2012, clip ghi lại hình ảnh một giáo viên cầm roi mây, vừa chì chiết vừa đánh không nương tay nhiều học sinh gây sốc dư luận. Sự việc xảy ra tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II  ở Thái Nguyên. Từ ngày trung tâm gia sư này hoạt động, cũng xuất hiện những lời bàn tán, đồn thổi về cách dạy phản giáo dục với roi mây và những lời mắng chửi - được xem như bài tủ" để rèn rũa học sinh. Ở thời điểm đó, đây là một trung tâm luôn hoạt động rầm rộ, với quy mô được cho là lớn nhất tỉnh.

Giới học sinh, sinh viên Hà Nội thì có nhiều "giai thoại" về các thầy cô luyện tiếng Anh có cách hành xử kỳ cục. Thậm chí, đã có hẳn diễn đàn của học viên chê trách về thái độ dạy học của một thầy giáo luyện TOEFL, IELTS có điểm cao. Nhiều học viên còn phản ánh những "tật" của thầy không được "sư phạm" cho lắm.

Nhiều phụ huynh có con đang học phổ thông, dù biết tiếng một số thầy cô dạy tiếng Anh là hay quát tháo và mắng mỏ, vẫn lặn lội đăng ký cho con em mình theo học với những người thầy "đặc biệt". Lớp học thêm của họ thậm chí còn "sơ tuyển" đầu vào, không phải học viên nào có nhu cầu cũng được tiếp nhận.

Mới nhất là trường hợp cô giáo "cung Bọ Cạp" của trung tâm ngoại ngữ L.N. Cô giáo cũng được nhiều học sinh bênh vực như “nóng tính nhưng là người rất nhiệt tình và tốt bụng”, "dạy giỏi",v.v..

Ai lựa chọn "bún mắng, cháo chửi" của giáo dục?

Những năm gần đây, cùng với thay đổi trong chính sách thi cử, hiện tượng "lò luyện vào đại học" đã hết nóng, nhiều người thầy nổi tiếng luyện thi cũng nhanh nhạy chuyển sang công việc khác.

Tuy nhiên, thị trường giáo dục vẫn không ngừng sôi động, đặc biệt là ở lĩnh vực ngoại ngữ - khi mà nhiều trường ĐH đặt yêu cầu sinh viên phải đạt "chuẩn đầu ra" về tiếng Anh mới đủ điều kiện tốt nghiệp; và nhất là với học sinh phổ thông thì đó là nhu cầu giỏi ngoại ngữ từ bé để thực hiện ước mơ du học.

Chị Hoàng Vy, trưởng văn phòng của một cơ quan lớn ở Hà Nội (nay đã chuyển vào TP.HCM) từng theo học ở trung tâm L.N vì ở gần nhà, nhưng sau đó gặp những rắc rối như: cô giáo có thói quen mắng học sinh; cách tổ chức lớp học gây ức chế cho học viên. Khi không thoải mái với dịch vụ này, chị đã dừng lại nhưng vẫn bị gây phiền toái bởi địa chỉ email và điện thoại của chị liên tục bị trung tâm làm phiền.

Theo chị Vy, thời chị học cách đây nhiều năm, chưa có nhiều nguồn thông tin và tư vấn, nên chị chọn học theo thói quen là tìm nơi gần nhà. Còn bây giờ, dịch vụ đào tạo tiếng Anh ngày càng phong phú và đa dạng. Bên cạnh các gói dịch vụ "đắt xắt ra miếng" của các cơ sở đào tạo lớn, của những ông bà chủ kinh doanh giáo dục đã học tập và làm việc ở nước ngoài trở về gầy dựng, thì vẫn có các dịch vụ phù hợp với túi tiền sinh viên. Chẳng hạn mảng dịch vụ đào tạo online, với ưu điểm chi phí hợp lý, thời gian linh động. Các nhóm tự học, các khóa học miễn phí theo hình thức MOOC... là một ví dụ. Chỉ có điều là người học phải rất chủ động trong mục tiêu của mình.

Trong khi nhiều bạn bè của mình chấp nhận kiểu dịch vụ "bún mắng, cháo chửi" ở các trung tâm đào tạo, thì Hoàng Minh - sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, từng bỏ học khỏi một trung tâm tiếng Anh vì “không thích thái độ giáo viên” quan niệm: "Là khách hàng, khi bỏ tiền ra, tôi có quyền đòi hỏi cho mình chứ không đi ăn xin kiến thức từ người khác mà phải chịu thiệt thòi”.

Quay trở lại câu chuyện của trung tâm ngoại ngữ nơi "cô giáo Bọ Cạp" đang làm việc, một nhà báo làm việc ở báo Công an Nhân dân nhìn nhận "Đây là một vụ khủng hoảng truyền thông" của trung tâm và cái mất (uy tín về cung cách đối xử với khách hàng) sẽ nhiều hơn là được (sự bênh vực về chất lượng đào tạo).

Hay nói như góc nhìn của một Facbooker:

'Theo tôi, chúng ta không cần phải tranh luận về vấn đề đạo đức trong giáo dục qua sự việc này. Bởi cô giáo Bọ Cạp không phải là một nhà giáo, cô ấy chỉ là một thợ dạy mà thôi. Quan hệ giữa hai bên ở đây không phải là Cô - Trò mà là Người cung cấp dịch vụ - Khách hàng. "Cô giáo Bọ Cạp" không có trách nhiệm truyền dạy đạo đức cho người đến trung tâm lấy kỹ năng ngoại ngữ. Cái mà xã hội nên phán xét là văn minh cư xử của cô ấy và văn hóa bán hàng".

  • Ái Thủy