- Tại hậu trường buổi lễ khen thưởng thành tích của đoàn Olympic Hóa học quốc tế 2015, trong khi cô Trịnh Thị Thường phấn khởi và tự hào khi chia sẻ với phóng viên về cậu con trai thì Trần Đình Hiếu lại ngại ngùng “Em không thích mẹ cứ nói như thế”.

{keywords}

Trần Đình Hiếu (ngoài cùng bên phải) – chủ nhân Huy chương Bạc Olympic Hóa học 2015 chụp cùng các bạn trong đoàn. Ảnh: NVCC

“Kết quả của bọn em xứng đáng để bố mẹ phấn chấn chứ!” – chỉ khi phóng viên nói vậy, Hiếu mới dè dặt chia sẻ một chút về bản thân và chiếc Huy chương Bạc Olympic Hóa học mang về từ Cộng hòa Azerbaijan.

Chàng trai quê Bắc Ninh cho biết em bắt đầu đầu tư cho môn Hóa từ năm lớp 8 khi thầy cô phát hiện ra năng khiếu của em ở môn này và định hướng. “Bí quyết học của em cũng chẳng có gì. Em chỉ tự đọc là chính để nhớ kiến thức được lâu”.

Trong kỳ thi vừa qua ở Azerbaijan, Hiếu tự nhận “chiến thuật làm bài của em không tốt” khi làm bài từ trên xuống dưới nên bỏ lỡ những câu dễ, chưa kịp ăn điểm vì thiếu thời gian.

“Kỳ thi này ngoài việc đi thi, bọn em cũng cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp về con người Việt Nam và giới thiệu văn hóa Việt Nam với các bạn quốc tế. Như một truyền thống, các đoàn thường mang tới những món quà lưu niệm đặc trưng cho văn hóa của mình để tặng các đoàn bạn”.

{keywords}

Trần Đình Hiếu (Trường THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) tại lễ khen thưởng đoàn Olympic Hóa học 2015. Ảnh: Kim Khang

“Em thấy rất ấn tượng với các bạn thí sinh quốc tế. Các bạn rất tốt, nói tiếng Anh giỏi. Mặc dù em không nói được nhiều tiếng Anh nhưng em nhận thấy các bạn rất thú vị trong cách nói chuyện” – Hiếu chia sẻ.

Có mặt trong buổi lễ chào đón và khen thưởng của Bộ, cô Trịnh Thị Thường và chú Trần Đình Chí – bố mẹ Hiếu – giản dị và chất phác như nhiều ông bố bà mẹ nông thôn khác. Cô Thường kể, Hiếu lên trọ học ở Trường THPT chuyên Bắc Ninh từ năm lớp 10, cứ cuối tuần lại về nhà một lần bằng xe buýt.

Hiếu là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Anh trai em vừa xuất ngũ, còn chị gái đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. “Nói chung, gia đình làm ruộng, thu nhập thấp nhưng Hiếu học được thì cô chú cũng cố gắng cho Hiếu ăn học đầy đủ” – cô Thường nói.

“Hồi Hiếu mới ra thành phố học, nói thật gia đình còn chưa mua được điện thoại cho em. Sau đó, cô chú cũng cố gắng mua cho em chiếc điện thoại đen trắng 200 nghìn, mỗi tuần cho 20 nghìn tiền thẻ điện thoại. Hồi đó, mỗi tuần Hiếu về nhà, cô đưa khoảng 200 nghìn tiền ăn tiêu một tuần. Bây giờ thì tăng lên 400-500 nghìn/ tuần rồi” – cô Thường thật thà chia sẻ.

{keywords}

Hiếu chụp cùng bố mẹ và anh trai tại lễ khen thưởng diễn ra tại sân bay Nội Bài ngay sau khi đoàn đáp chuyến bay trở về từ Azerbaijan. Ảnh: Kim Khang

Dù điều kiện kinh tế không bằng các gia đình khác ở thành phố, nhưng chính điều này lại khiến cô Thường có lý do để tự hào về cậu con trai hơn. Cô nói, nhà làm thêm nghề đậu phụ, hay phải bưng bê nhiều, cũng vất vả lắm, nhưng cô chú tạo điều kiện cho Hiếu hầu như chỉ tập trung vào học. “À, thỉnh thoảng cũng cho em đi cắt lúa, nhưng đi cấy thì chưa bao giờ” – cô Thường kể. Bản thân Hiếu cũng tự nhận, 3 năm học trường chuyên, xa nhà nên em cũng không giúp đỡ được gì nhiều cho bố mẹ.

“Mỗi ngày nhà bán được khoảng 400 cái đậu. Mỗi cái 2 nghìn đồng. Cả vốn lẫn lãi là 800 nghìn, lãi được khoảng 300 nghìn cháu ạ!”. Với thu nhập từ việc làm đậu phụ cộng với cấy một mẫu ruộng, được hai anh chị lớn giúp đỡ phần nào, cô Thường cho biết kinh tế gia đình cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

{keywords}

Hiếu và các bạn cùng lớp trong bộ ảnh kỷ niệm ngày ra trường

{keywords}
Hiếu và cô bạn gái xinh xắn

Thời gian tới, Hiếu dự định sẽ đăng ký một ngành nào đó liên quan tới Hóa học ở ĐH Khoa học tự nhiên. Đồng thời, em sẽ tập trung học tiếng Anh để tìm học bổng ở các trường nước ngoài.

Khi được hỏi “đã có bạn gái chưa”, Hiếu vui vẻ: “Em có bạn gái từ năm lớp 11. Bạn ấy học cùng lớp em”. Lướt qua trang Facebook cá nhân của Hiếu có thể dễ dàng tìm thấy những bức ảnh chụp cùng cô bạn gái xinh xắn khá tình cảm. Chàng trai Olympic bảo: “Nhưng chị đừng đưa lên báo nhé!”.

  • Nguyễn Thảo

Xem thêm: