- Sáng 7/8, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng đã trả lời báo chí xung quanh việc chấm dứt hợp đồng lao động với 185 giáo viên mầm non trên địa bàn huyện.

Tại sao phân biệt bằng cấp

Việc nhà trường được giao ký hợp đồng với giáo viên có đúng quy định của Luật viên chức?

- Ông Hồ Việt Hùng: Đây là hợp đồng lao động nên chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật lao động, không phải Luật viên chức. Việc giao hiệu trưởng ký hoàn toàn hợp điều 15 Bộ Luật lao động và quyết định 1554/QĐ-UBND thành phố năm 2009.

{keywords}
Ông Hồ Việt Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Từ năm 2009 về trước, 26/27 trường mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn là trường mầm non nông thôn, giáo viên mầm non hưởng chế độ công điểm và phụ cấp.

Ngày 3/4/2009, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 1554/QĐ-UBND phê duyệt chuyển đổi các trường mầm non bán công sang loại hình công lập trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, các trường mầm non nông thôn trên địa bàn huyện Sóc Sơn được chuyển thành trường mầm non công lập.

Trước mắt, năm 2009, UBND TP giao 6 biên chế/trường còn lại là lao động hợp đồng của trường tính theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2007 của liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, hướng dẫn Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng GD-ĐT quận huyện rà soát, lập danh sách giáo viên, nhân viên đang làm việc tại các trường để trình Chủ tịch UBND quận huyện phê duyệt và giao hiệu trưởng trường mầm non ký hợp đồng theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 21/2003 ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động.

Trên địa bàn một huyện tại sao có trường ký hợp đồng xác định thời gian 1 năm, có trường hợp đồng không xác định thời hạn?

- Ông Hồ Việt Hùng: Qua kiểm tra đúng là có việc này. Tuy nhiên cả hai loại hợp đồng đều do trường chủ động, hai bên (bên nhà trường-giáo viên) ký kết thỏa thuận. UBND huyện chỉ yêu cầu ký đúng mẫu 01, không can thiệp sâu nội dung hợp đồng. Cả hai đều được quy định theo mẫu 01 đã nêu ở trên.

Có phản ánh vừa qua giáo viên được trường yêu cầu lên ký lại hợp đồng trong các năm 2013 và 2014. Điều này có đúng không?

- Ông Lê Hữu Mạnh: Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và trả lời khi có kết quả

Kỳ tuyển dụng viên chức năm 2013, tại sao huyện phân biệt bằng khá giỏi mới được thi còn ứng viên bằng trung bình không được thi?

- Ông Lê Hữu Mạnh: Năm 2012, chúng tôi có 743 hợp đồng, trong đó 264 ký hợp đồng mới từ 2012, còn lại người trên 10 năm công tác gần 500 giáo viên. Chỉ tiêu thành phố giao là 250. Chỉ tính riêng số đủ trên 3 năm xét đặc cách theo quy định là 187 giáo viên, còn lại 64 chỉ tiêu tuyển dụng qua hình thức thi tuyển.

{keywords}
Ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Để đảm bảo chất lượng, chúng tôi đưa tiêu chỉ tuyển người có bằng khá, giỏi.

Ví dụ, năm nay Hà Nội tuyển giáo viên tiểu học yêu cầu người bằng chính quy, không lấy tại chức. Điều này thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Thành phố cho phép tùy tình hình, đơn vị có thể nâng chuẩn của ứng viên.

Nhận sai sót không cắt hợp đồng ngay

Theo hợp đồng của giáo viên ký năm 2012, số giáo viên này phải tham gia tại kỳ tuyển dụng gần nhất, nếu không trúng tuyển hoặc không tham gia tuyển dụng, hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực. Tuy nhiên năm 2013 rồi đến hết năm 2014 và đến tháng 6/2015 giáo viên vẫn được ký hợp đồng. Như vậy có đúng không?

- Ông Lê Hữu Mạnh: Quản lý biên chế có phân cấp, Sóc Sơn năm 2012 có 743 giáo viên hơp đồng cộng với số biên chế hiện có khi ấy đủ theo chỉ tiêu giao. Việc thi hàng năm phải căn cứ chỉ tiêu thành phố giao, không phải muốn bao nhiêu là được, phải thi nhiều năm nhiều đợt.

Năm 2013 thi tuyển xong, bản thân tổng quỹ tiền lương của huyện vẫn đảm bảo, chỉ tiêu biên chế còn và còn nhu cầu công việc nên chúng tôi duy trì hợp đồng với họ. Tại sao huyện vẫn ký mà không ảnh hưởng quỹ lương là do chỉ tiêu khối giáo dục lớn, chúng tôi cân đối quỹ lương bậc tiểu học, mầm non, THCS và số giáo viên nghỉ hưu chưa tuyển dụng được mới.

Luật viên chức có hiệu lực yêu cầu phải thi tuyển, chỉ ký hợp đồng khi còn chỉ tiêu và được thành phố Hà Nội đồng ý. Từ năm 2013 TP Hà Nội chỉ đạo và chúng tôi chỉ đạo không ký mới bất kỳ hợp đồng nữa. Đến 2014 có giáo viên ít nhất được thi tuyển viên chức ít nhất 1 lần, có người hai lần.

Nếu tôi sai là ở quy định không giải quyết cắt hợp đồng ngay với các giáo viên. Tuy nhiên việc thi tuyển vào tháng 8, tháng 9 đợi đến ra quyết định là tháng 9, tháng 10. Khi này các trường đã tuyển sinh xong, rũ ra phức tạp. Làm như vậy là đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Cắt ngay khi họ mới vào năm học 1-2 tháng cũng được nhưng ảnh hưởng công ăn việc làm của các cô.

Việc này, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố.

Không thể tuyển đặc cách

Nhiều giáo viên đã ký hợp đồng được 34 tháng, để xét đặc cách chỉ cần 2 tháng nữa. Vậy tại sao huyện không tạo điều kiện cho giáo viên khi các cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

- Thông báo tuyển dụng của UBND TP Hà Nội năm 2015 đã nói rõ sẽ không xét đặc cách với bất kỳ trường hợp nào từ 36 tháng trở lên. Việc này đã được thống nhất từ năm 2014, giáo viên cũng được thông báo kỳ tuyển dụng viên chức năm 2014 là đợt cuối cùng tiến hành xét đặc cách.

Huyện có hướng nào giải quyết khó khăn cho các cô không?

Sau kỳ tuyển dụng, căn cứ tình hình thực tế, huyện sẽ xem xét ký hợp đồng lao động theo

Nghị định 68/2000/NĐ-CP đối với nhân viên nuôi dưỡng. 185 này sẽ được ưu tiên trước nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Số chỉ tiêu cô nuôi là gần 100.

Còn lại sẽ phải chấm dứt hợp đồng. Tới đây, các cô có thể tham gia kỳ tuyển dụng viên chức của huyện năm 2015 hoặc nộp hồ sơ thi tuyển sang địa bàn các quận huyện khác.

  • Văn Chung