Chiều 5/8 Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông trong khuôn khổ thực hiện đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Thông thường, để phân tích và đánh giá chương trình ở dạng dự thảo (mới tồn tại trên văn bản) người ta dùng hai phương pháp.
Một là so sánh với các chương trình giáo dục phổ thông mà Việt Nam đã biên soạn và thực thi trong quá khứ.
Hai là so sánh với các chương trình giáo dục phổ thông đã và đang được thực hiện ở các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Giải thích bản hướng dẫn học tập môn Đời sống trong trường tiểu học |
Ở đây, tôi sẽ thử tiến hành phân tích dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông trên cơ sở so sánh với các chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản đã và đang thực hiện. Hy vọng qua việc so sánh này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin về giáo dục quốc tế để cùng suy ngẫm.
Trước khi so sánh, để bạn đọc dễ hình dung, tôi sẽ khái quát lại một vài nét cơ bản nhất về chương trình phổ thông ở Nhật.
Văn bản nào thể hiện chương trình giáo dục phổ thông?
Ở Nhật, chương trình giáo dục phổ thông trong nhiều trường hợp được gọi là “khóa trình giáo dục”. Xét từ thời cận đại tới nay, chương trình giáo dục phổ thông của Nhật có hai lần được xây dựng mới hoàn toàn đầy kịch tính. Một lần vào thời Minh Trị nhằm xác lập nền giáo dục cận đại và một lần vào thời hậu chiến sau 1945 nhằm xác lập nền giáo dục dân chủ.
Chương trình giáo dục phổ thông của Nhật từ sau 1945 được thể hiện trong văn bản có tên “Hướng dẫn học tập” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Khoa học và Công nghệ (GD-VH-TT-KH-CN) công bố.
Chương trình được tạo ra và sửa đổi như thế nào?
Các bản “Hướng dẫn học tập” chủ yếu được biên soạn bởi Hội đồng chuyên môn được lập ra trong Bộ GD-VH-TT-KH-CN với thành viên là các nhà khoa học.
Ngoại trừ bản “Hướng dẫn học tập” đầu tiên được công bố năm 1947, các bản “Hướng dẫn học tập”
về sau đều do “Hội đồng thẩm định khóa trình giáo dục” biên soạn. Hội
đồng này được lập ra trong Bộ GD-VH-TT-KH-CN năm 1950 và đến năm 2001
thì hợp nhất với các Hội đồng khác như “Hội đồng thẩm định học tập suốt
đời”, “Hội đồng thẩm định giáo dục sản xuất và giáo dục khoa học”…trở
thành “Hội đồng thẩm định giáo dục trung ương”
Trên website của Bộ GD-VH-TT-KH-CN Nhật Bản có công khai quy trình tạo ra bản “Hướng dẫn học tập” với vai trò chủ đạo của “Hội đồng thẩm định giáo dục trung ương” như sau:
1. Bộ trưởng đề nghị “Hội đồng thẩm định giáo dục trung ương” biên soạn mới bản “Hướng dẫn học tập”.
2. Hội đồng thẩm định giáo dục trung ương nghiên cứu, thảo luận và công bố kết quả bằng văn bản
3. Kết quả được công bố rộng rãi để công chúng bình luận, đánh giá
4. “Hội đồng thẩm định giáo dục trung ương” tiếp nhận ý kiến đánh giá, thảo luận và đưa ra kết luận
5. Bộ trưởng Bộ GD-VH-TT-KH-CN chính thức công bố bản “Hướng dẫn học tập”
Ngay
sau khi bản “Hướng dẫn học tập” được công bố, “Hội đồng thẩm định giáo
dục trung ương” lại tiếp tục làm việc để chuẩn bị cho việc sửa đổi văn
bản này theo định kỳ khoảng 10 năm một lần cho phù hợp với tình hình
thực tế và đưa vào các lý luận, kết quả nghiên cứu mới.
Cấu tạo nội dung của bản “Hướng dẫn học tập”
Thông thường các bản “Hướng dẫn học tập” tổng quát dành cho từng cấp học sẽ có cấu tạo 3 phần: “Tổng quy”, “Nội dung”, “Phụ lục”.
Giải thích bản hướng dẫn học tập môn Công dân trường THPT |
Phần
“Tổng quy” trình bày ngắn gọn về “phương châm biên soạn khóa trình giáo
dục”, “những điểm chung về nội dung giữa các môn học và hoạt động giáo
dục”, “lưu ý về thực hiện số giờ học”, “những điểm cần lưu ý khi xây
dựng kế hoạch chỉ đạo học tập ở trường học”.
Phần “Nội dung” được
chia thành các chương, tương ứng với mỗi chương là một “lĩnh vực” hay
nói cách khác là nội dung của chương trình.
Điểm đáng
chú ý ở đây là ở Nhật cho đến thời điểm hiện tại “Đạo đức” không được
xếp vào nhóm các môn giáo khoa và “Thời gian học tập tổng hợp”, “hoạt
động đặc biệt” được coi trọng. Về điểm này tôi sẽ phân tích kĩ hơn ở bài
sau khi so sánh với dự thảo Chương trình phổ thông ở Việt Nam.
Đối
với từng môn học sẽ có phần trình bày khái quát về mục tiêu, nội dung,
cách thức xây dựng kế hoạch chỉ đạo học tập và những điểm cần lưu ý.
Phần “Phụ lục” là bảng phân phối giờ học dành cho từng môn học và hoạt động giáo dục có tính chất tham khảo.
Tính pháp lý của “Bản hướng dẫn học tập”
Bản
“Hướng dẫn học tập” được áp dụng cho tất cả các trường phổ thông không
kể quốc lập, công lập hay tư thục tuy nhiên trên thực tế ảnh hưởng của
văn bản này đối với các trường tư thục yếu hơn so với các trường công
lập và quốc lập.
Trong các văn bản chỉ đạo gần đây và cả trong
các bản “Hướng dẫn học tập”, Bộ GD-VH-TT-KH-CN đều nhấn mạnh rằng căn cứ
pháp lý để xây dựng và thực thi văn bản này là Luật Giáo dục trường
học. Nghĩa là nhấn mạnh tính chất pháp lý có tính “bắt buộc” của nó.
Trên thực tế bản “Hướng dẫn học tập” đầu tiên ra đời năm 1947 ghi rõ trên bìa hai chữ “Tham khảo” và ở phần lời nói đầu cũng nhấn mạnh, khuyến khích sự sáng tạo, tự chủ của các địa phương, các trường và giáo viên.
Trong khi nhấn mạnh tính “pháp lý”, các bản “Hướng dẫn học tập” gần đây vẫn khẳng định tính độc lập, tự chủ của các trường khi nêu rõ việc lựa chọn “giáo tài” giảng dạy và xây dựng kế hoạch chỉ đạo học tập cụ thể ở các trường phải dựa trên tình hình thực tế của địa phương, trường học, học sinh.
Trên thực tế mối quan hệ độc lập tương đối giữa bản “Hướng dẫn học tập” và các chương trình do các trường tự chủ biên soạn và nội dung giáo dục do giáo viên tiến hành đã đảm bảo và thúc đẩy các “thực tiễn giáo dục” phong phú, đầy sáng tạo. Chính các “thực tiễn giáo dục” này đã làm cho nền giáo dục có khả năng tự “cải cách từ dưới lên” ngay cả trong trường hợp những “cải cách từ trên xuống” đã dừng lại hoặc đi chệch mục tiêu.
- Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh tại Nhật Bản)