- Mặc dù năm nay Bộ GĐ-ĐT ra hướng dẫn từ khá sớm, nhưng do có 2 cách áp dụng tính điểm ưu tiên mà các trường có thể tùy chọn nên khiến phụ huynh và thí sinh khá bối rối. Chưa kể, có trường còn áp dụng theo cách của riêng mình.
Mỗi trường một kiểu
Các trường đang có những cách thực hiện cộng điểm ưu tiên khác nhau.
Vào xem danh sách thí sinh ĐKXT nguyện vọng 1 ngành Ngôn ngữ Anh (thương mại và du lịch) của Trường ĐH Sài Gòn, với tổ hợp Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh với môn Tiếng Anh nhân hệ số 2, có khá nhiều thí sinh có mức điểm ưu tiên được cộng là 4,67 điểm.
Theo cán bộ tuyển sinh nhà trường, đối với ngành có môn chính nhân hệ số 2, điểm ưu tiên được tính theo cách mức điểm ở thang 30 nhân 4 chia 3. Một thí sinh được cộng điểm ưu tiên tối đa theo quy định ở thang điểm 30 là 3,5 điểm. Lấy điểm này nhân 4 chia 3 sẽ ra điểm 4,67.
Cũng theo cách tính này mà số điểm ưu tiên của những thí sinh ở ngành này khá… lẻ loi, 0.67, 1,33 điểm…
Danh sách thí sinh ĐKXT vào Trường ĐH Sài Gòn có điểm ưu tiên quy đổi theo công thức "nhân 4 chia 3" |
Tất cả các ngành của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đều xét tuyển với tổng điểm tối đa là 30, trừ ngành Ngôn ngữ Anh nhân hệ số 2 đối với môn Tiếng Anh. Ông Trần Đình Lý, Trường phòng Đào tạo nhà trường cho biết trường cũng áp dụng cách tính điểm ưu tiên “nhân 4 chia 3”…
Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ quy đổi các ngành nhân đôi môn chính về thang điểm 30, sau đó mới cộng điểm ưu tiên không quy đổi.
Sở dĩ có sự không thống nhất này là do quy định của Bộ cho các trường năm nay được chọn cộng điểm theo cả hai cách.
Tại công văn Hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015 ban hành ngày 25/4, Bộ GD-ĐT xác định mức điểm ưu tiên ưu tiên như sau: Mức điểm ưu tiên xác định theo quy định tại khoản 5, điều 7 được tính đối với thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30.
Các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30 (ví dụ trường hợp nhân hệ số môn thi chính), phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên sau đó tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng.
Tuy nhiên, Trường ĐH Luật Hà Nội lại không áp dụng cả hai cách tính trên. ở ngành Ngôn ngữ Anh, trường này nhân hệ số 2 đối với môn Tiếng Anh, nhưng khi tính tổng điểm xét tuyển vẫn duy trì cách cộng điểm ưu tiên như ở thang điểm tối đa 30…
Trường ĐH Luật Hà Nội không quy đổi điểm ưu tiên ở ngành có nhân hệ số môn chính |
Cách tính có “bất công”?
Theo mức điểm ưu tiên xác định theo quy định tại khoản 5, điều 7 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.
Nhưng nếu điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đều tính theo phương thức nhân 4 chia 3 thì đối với các trường có môn thi chính hoặc ngành có môn thi chính mức chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,33; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,66.
Theo ông Trần Đình Lý, việc trường quy đổi điểm ưu tiên như vậy là thực hiện theo hướng dẫn của Bộ. “Ngay cả phần mềm của Bộ cũng tự động quy đổi theo cách này nếu các trường khai báo các ngành nhân 2 điểm môn chính” – ông Lý cho biết.
Còn ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Việc cộng điểm ưu tiên với các thí sinh năm nay vẫn theo quy định, và năm nào cũng vậy, các thí sinh thuộc diện ưu tiên khoảng 3 điểm và rất ít, và không có trường hợp nào được ưu tiên tới 6,5 điểm cả”. Theo ông Dong, “Thí sinh vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… được cộng điểm ưu tiên là điều tất yếu, vì các em này chịu rất nhiều thiệt thòi”.
Cách các trường áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu khiến cho phụ huynh, thí sinh người buồn, người… nhẹ nhõm.
Chị Hoàng Thanh có con đang nộp hồ sơ ĐKXT vào Trường ĐH Luật Hà Nội nhận xét: Cách tính điểm ưu tiên của trường này khiến chị cảm thấy đỡ… bất công hơn nếu so với việc các trường khác “nhân 4 chia 3”. “Tôi không phản đối cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng chính sách. Nhưng may mà trường này không nhân hệ số điểm ưu tiên. Vì nếu nhân hệ số đối với ngành Ngôn ngữ Anh như con tôi đang nộp vào, khoảng cách tối đa giữa một thí sinh không có điểm ưu tiên như con tôi với thí sinh được cộng điểm ưu tiên tối đa đã nâng từ 3,5 lên 4,67 điểm. Trong cuộc đua vào đại học thì 0,25 điểm đã rất giá trị, chứ đừng nói tới 1,17 điểm”.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, không ít thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT vào Trường ĐH Ngoại thương lại lo ngay ngáy về việc trường tính điểm ưu tiên quy đổi đối với những ngành nhân hệ số môn chính. “Việc cạnh tranh vào trường này vốn dĩ đã rất khốc liệt, bây giờ trường lại nhân điểm như vậy em thật sự lo lắng vì bỗng nhiên các bạn thuộc đối tượng và khu vực ưu tiên lại “được thêm” từ hơn nửa điểm tới hơn 1 điểm” – một thí sinh đã nộp hồ sơ ĐKXT vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường này chia sẻ.
Trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Dân trí tổ chức sáng ngày 14/8, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Việc cộng điểm ưu tiên, đối tượng và khu vực trong tuyển sinh ĐH,CĐ hiện nay là cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng ưu đãi xã hội và các vùng khó khăn. Về mức điểm ưu tiên hiện nay, chúng tôi tiếp nhận các ý kiến góp ý và sẽ xem xét tổng hợp để hoàn thiện chính sách ngày càng phù hợp hơn". |
Ngân Anh