- TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT đã có quan sát như vậy trong câu chuyện với chương trình "Góc nhìn thẳng" của VietNamNet về chủ đề tuyển sinh ĐH năm nay. Mời bạn đọc cùng theo dõi.
Nhà báo Hạ Anh: Chào quý vị và các bạn! Trải qua cao trào tuyển sinh ngày 20/8, xét tuyển đại học vẫn là chủ đề quan tâm của dư luận. Để thảo luận kỹ hơn về vấn đề này, Vietnamnet đã mời đến trường quay T.S Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT. Xin cảm ơn ông Minh đã tham gia chương trình.
Xin bắt đầu với câu hỏi: sau cao trào của đợt 1 tuyển sinh cùng với việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đứng ra nhận trách nhiệm về sự cố của ngày cuối xét tuyển, Bộ GD cũng đã đưa ra một thống kê: trong đợt xét tuyển lần 1 này, chỉ có 8% thí sinh có nhu cầu thay đổi nguyện vọng. Vậy liệu có phải 8% loạn xạ và 92% êm đẹp là một con số khả quan không, thưa ông?
Ông Đàm Quang Minh: Thực ra, việc lộn xộn chỉ diễn ra ở một số trường. Nó cũng giống như trong một thành phố có một số điểm tắc đường, nhưng một số điểm tắc đường như vậy đã gây ra những hình ảnh cũng như những dư luận không tốt cho kỳ thi, mà đáng ra có lẽ là đã có thể có một kết cục có hậu hơn.
Tôi tin rằng có thể kết luận như thế này: kỳ thi năm nay có những điểm được và có những điểm cần phải khắc phục. Cho dù là 8% nhưng 8% tương đương với một con số lớn lên đến hàng chục ngàn thí sinh.
- Với cách tổ chức tốt nghiệp năm nay khác hẳn mọi năm mà chúng ta gọi là “một kỳ thi quốc gia” thì chỉ số kết quả tốt nghiệp không khác biệt nhiều cho lắm – hơn 91% học sinh đỗ tốt nghiệp so với 99% của năm học trước. Như thế liệu rằng chúng ta có nên nghĩ đến một cách tổ chức khác đi là cho các trường xét tốt nghiệp và công việc tuyển sinh giao cho các trường, Bộ đứng ra giám sát, hỗ trợ?
Thực ra tôi vẫn nghĩ rằng cần một kỳ thi nghiêm túc cho tốt nghiệp. 91% và 99% có thể nói là khác nhau rất xa. Có thể chúng ta nhìn vào con số 91 và 99 thì khác nhau ít, nhưng nếu nhìn vào con số không đỗ tốt nghiệp từ 1% đến 9% thì hai con số đó gấp 9 lần nhau. Mặc dù năm đầu tiên nhưng cũng thể hiện được sự nghiêm túc hơn so với các kỳ thi năm trước. Tôi nghĩ rằng cần sự nghiêm túc hơn nữa để chúng ta nhìn nhận, đánh giá đúng được thực tế của việc học sau phổ thông là như thế nào.
- Nghiêm túc hơn nữa nghĩa là như thế nào, thưa ông?
Chúng ta đều biết rằng chúng ta chưa có một niềm tin thực sự vào việc tổ chức một kỳ thi quốc gia để làm sao phản ánh đúng kết quả học. Vì đâu đó chúng ta vẫn biết rằng tỷ lệ tốt nghiệp và phổ điểm của các tỉnh chưa thể hiện đúng năng lực học tập cũng như kết quả học tập của học sinh tỉnh đó.
Chúng ta có thể thấy rằng với cách đánh giá không đúng như vậy thì rất khó để hình dung ra được bức tranh thực tế của giáo dục. Để đánh giá tốt nghiệp chỉ là một vấn đề, mà điều cần hơn nữa chúng ta phải biết là nền giáo dục Việt Nam đang ở đâu, để chúng ta nhìn vào những điểm yếu kém, những điểm được để có được những đối sách phù hợp, hoạch định chính sách cho giáo dục, không những ở cấp quốc gia mà còn ở cấp địa phương.
- Quay trở lại với vấn đề mà chúng ta đặt ra từ đầu hôm nay là đợt xét tuyển. Lần xét tuyển này được nhiều người nhìn nhận là Bộ GD đã quá chú trọng việc bằng mọi cách cho các em vào đại học bằng điểm số, mà quên đi những thiết kế kỹ thuật để giúp các em vào đại học bằng đúng sở thích, sở trường, đam mê của mình. Theo ông, có giải pháp nào để trường chọn được thí sinh và thí sinh chọn được đúng trường là đam mê, sở thích của mình?
Trong những ngày đầu tiên, đa phần thí sinh đều chọn theo ngành mình thích. Chỉ khi họ biết rằng họ đã trượt thì họ bắt đầu hoang mang và trong lúc tình thế bấp bênh, đặc biệt là vào những ngày cuối cùng thì thí sinh càng hoang mang và khi người ta đã mất đi sự tỉnh táo – khi mà mọi thứ đều dồn dập và chạy nước rút – thì lựa chọn không còn chính xác nữa.
Vấn đề mấu chốt ở đây là làm thế nào để cho việc xét tuyển không bị rơi vào tình huống kịch tính như vậy. Việc của chúng ta hiện nay giống như việc xếp hàng mà người được điểm cao hơn có quyền chen ngang, và người đã xếp hàng trước đó có thể bị loại ra khỏi hàng và người ta phải nhảy sang một hàng khác. Và nó gây ra sự mất trật tự và không xác định được trước người trượt người đỗ.
- Theo ông, cải tiến tuyển sinh mình thay đổi kỹ thuật đã đủ chưa hay mình nên có một hướng, một giải pháp, một cái nhìn khác?
Tôi nghĩ ở đây có sự cân bằng giữa cung và cầu. Chúng ta nên nhìn nhận như vậy. Các trường đại học cung cấp dịch vụ và học sinh sẽ chọn trường nào phù hợp nhất với mình. Phù hợp ở đây hiểu theo nghĩa là vừa phù hợp với mong muốn về nguyện vọng của mình, vừa phù hợp với khả năng học tập của mình. Hai cái đó phải khớp với nhau. Trường cũng rất mong muốn có được những sinh viên giỏi cho mình. Cách thức phải được tổ chức theo đúng logic như vậy để giảm được sự căng thẳng trong cuộc thi.
Chúng ta có thể nghĩ đến việc không phải là một kỳ thi mà có thể là hai kỳ thi. Thí sinh sẽ không bị dồn 4, 5, 6 môn vào một lần thi. Mà có thể chọn thi 3 môn trước và 3 môn vào đợt sau thì áp lực cũng được giảm đi.
Tôi cũng khuyến nghị rằng chúng ta không nên chỉ dựa vào toán, văn và tổ hợp 3 môn, mà chúng ta nên dựa vào chuyên ngành đó có thể chỉ cần một môn tiên quyết thôi. Ví dụ như tôi học về chuyên ngành toán thì đương nhiên tôi sẽ yêu cầu môn toán là môn cần thiết, điểm phải đạt mức trên một mức nào đó, ví dụ trên 6.
Về cách thức tuyển, phải làm sao xác định được là nếu thí sinh đăng ký vào trường đó thì trong thời gian sớm nhất phải biết được là mình có được chấp nhận hay không. Giống như các trường nước ngoài, khi nộp đơn vào một trường, các bạn sẽ nhận được câu trả lời là “yes or no”. Được là được, không là không, chứ không phải là tôi phải chờ một thời gian nào đó nữa, để tôi có thể đi nộp hồ sơ vào trường khác.
- Vâng, cảm ơn ông đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị khán giả đã chú ý theo dõi. Xin hẹn gặp lại vào chương trình Góc nhìn thẳng sắp tới.
- BAN GIÁO DỤC