- Mặc dù chính sách ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng đã được áp dụng từ rất lâu, nhưng năm nay lần đầu tiên những ý kiến về điểm ưu tiên mới nổ ra dữ dội.
Thống kê danh sách trúng tuyển của Trường ĐH Y Hà Nội năm nay chỉ có 109 trong tổng số 964 thí sinh (tức 11,31%) ở khu vực 3 - khu vực không được cộng điểm ưu tiên. Tỉ lệ này ở Trường ĐH Dược Hà Nội chỉ hơn 6,8%, cụ thể đợt 1 trường có 496 thí sinh trúng tuyển và số thí sinh KV3 là 34 em.
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Tại nhiều đại học lớn như Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng tỉ lệ thí sinh KV3 trúng tuyển năm nay đều thấp hơn các thí sinh khu vực còn lại.
Năm nay Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cùng một số trường lớn đã phải dùng đến tiêu chí phụ là điểm các môn Toán, tiếng Anh để tuyển sinh vì sự chênh lệch điểm số quá ít, số bằng điểm nhau quá nhiều.
Dù là thủ khoa kỳ thi THPT quốc gia 2015 Ngô Minh Vương với 29,75 vẫn đứng sau nhiều thí sinh vào ngành Bác sĩ đa khoa, Trường ĐH Y Hà Nội do không được điểm cộng ưu tiên, điểm khuyến khích. Các thí sinh khác có điểm bài thi từ 27 điểm đến 28,75 điểm lại đứng trên thí sinh này nhờ điểm cộng ưu tiên từ 3 điểm đến 6,5 điểm.
Thúy, thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Luật Hà Nội bức xúc khi thấy năm nay có nhiều bạn được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Bản thân em dù đạt điểm cao nhưng đang bị xếp hạng bằng người có điểm thi kém mình đến 3,5 điểm. "Để có được từng 0,25 điểm thí sinh phải cố học hành nhưng chắc gì tất cả học sinh ở thành phố đều có điều kiện hơn các bạn vùng khác đâu. Nhiều bạn vẫn phải đi làm thêm kiếm sống, cuộc sống chật vật đó thôi" - nam sinh này chia sẻ.
Sơn, thí sinh đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mình được 26 điểm (môn Toán nhân đôi điểm) nhưng do các thí sinh ở trên điểm cao hơn nhờ điểm cộng ưu tiên nên em bị đẩy sang ngành Điện điện tử có điểm thấp hơn, không phải sở thích của mình.
"Mọi năm đề thi đại học để đạt 6-7 điểm không phải dễ. Các bạn được điểm cộng rồi điểm tổng lên 18-19 điểm không phải là vấn đề lớn. Nhưng năm nay đề thi dễ hơn, điểm 6-7 mỗi môn không khó. Vậy mà có bạn được cộng tới 3,5 điểm thậm chí hơn" - Sơn cho biết.
Cần điều chỉnh
"Quy định điểm ưu tiên khu vực đã có hàng chục năm nay. Tuy nhiên năm 2015, điểm số không làm tròn, tính đến 0,25 nên theo tôi mức chênh lệch giữa các khu vực cần giảm xuống, chỉ cách nhau 0,25 điểm để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Khoảng cách 1,5 điểm giữa khu vực 1 và khu vực 3 là khá lớn. Trong khi đó chênh lệch về điều kiện kinh tế-xã hội vùng miền đang dần ngắn lại" - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Đỗ Văn Xê nêu ý kiến.
Ý kiến của các nhà tuyển sinh Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng cũng cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình.
Các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh:Lê Anh Dũng). |
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: "Nhìn những em 27,5 điểm bị trượt vì không được cộng gì tôi thấy rất đáng tiếc".
Theo ông Tú tỉ lệ thí sinh được cộng điểm, trúng tuyển năm nay chiếm tỉ trọng lớn, làm thay đổi khả năng và cơ hội trúng tuyển của nhiều học sinh giỏi khác. Xã hội ngày càng phát triển, chênh lệch giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp nên chính sách cộng điểm cũng cần vận động theo, có thể xem xét thay thế những ưu đãi kiến thức bằng học phí.
Ông Tú cho rằng: "Tới đây Bộ nên giao quyền chủ động hơn cho các trường trong việc quyết định có cộng điểm ưu tiên cho thí sinh hay không. Việc tuyển thẳng cũng vậy, nên để trường chủ động quyết định theo yêu cầu đầu vào, khả năng học sinh".
Lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết năm tới có thể trường sẽ xem xét lại việc cộng ít điểm khuyến khích với các thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia hơn. "Tỉ lệ học sinh giỏi quốc gia qua mỗi năm lại tăng lên. Số này được tuyển thẳng theo quy định nhưng trường xin Bộ cho cơ chế chỉ cộng điểm khuyến khích cho các em. Nhưng điểm cộng như vừa qua vẫn còn khá cao, cần điều chỉnh để tạo công bằng cho các em thí sinh khác" - Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Tú nêu ý kiến.
Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội Nguyễn Đăng Hòa: Đầu vào không phải tất cả Đa phần thí sinh được cộng 0,5 điểm khu vực. Những bạn được cộng 1-1,5 điểm là ở vùng nông thôn, xã khó khăn. Nhóm được cộng tới 4 điểm là con thương binh, liệt sĩ, dân tộc thiểu số và đạt một số thành tích khác. Thí sinh ở các khu vực này điều kiện học tập, trình độ giáo viên đều thua thiệt so với khu vực có điều kiện. Trường hợp được cộng 3 điểm khuyến khích vẫn là hợp lý vì đây đều là thí sinh đã xuất sắc giành giải học sinh giỏi quốc gia. So với mọi năm, nhóm thí sinh này được tuyển thẳng thì việc năm nay phải thi và chỉ được cộng điểm là "có phần bất lợi hơn. Điểm đầu vào quan trọng nhưng không phải tất cả. Đại học còn yêu cầu sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của người học. Trường tôi có em đỗ thủ khoa nhưng qua một năm bị thải loại vì kết quả kém cỏi.Tôi vào được đại học nhờ chính sách điểm ưu tiên. Khi mới vào lớp, mọi thành viên đều nói được tiếng Nga, tôi thì không. Nhưng qua một năm, tôi được mọi người gọi là "từ điển sống" của lớp nhờ cố gắng vươn lên. Ngành giáo dục, y tế vẫn cần hướng tới những nơi khó khăn, điều kiện còn chưa tốt để hỗ trợ. |
- Văn Chung