- Sau khi Bộ GD-ĐT phát lệnh thu hồi sách dạy trẻ đi trên thủy tinh, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn ở lứa tuổi tiểu học nên dạy để các cháu hiểu thế nào là dũng cảm chứ không phải hành động dũng cảm.

Ông Bùi Văn Trực, giám đốc công ty Phù Sa Đỏ (TP.HCM) cho rằng về mặt tâm sinh lý việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học rất quan trọng. Trong rèn luyện kĩ năng sống có rèn luyện lòng dũng cảm nhưng thể hiện lòng dũng cảm bằng cách đi trên thuỷ tinh vỡ là chưa cần thiết.

{keywords}
Cuốn sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1, Bộ GD -ĐT đang yêu cầu thu hồi

Theo ông Trực, ở lứa tuổi tiểu học nên rèn luyện lòng dũng cảm cho các cháu tính cách dám nhận lỗi, nhận những khiếm khuyết của mình để khi lớn lên các cháu là người có trách nhiệm trong lời nói, hành vi, suy nghĩ. Đối với học sinh có lứa tuổi lớn hơn rèn luyện lòng dũng cảm là nhận trách nhiệm và chiến thắng bản thân mình trước những cám dỗ, khó khăn.

“Và dù thế nào việc quan trọng đầu tiên trong giáo dục kĩ năng sống là đặt sự an toàn của trẻ lên trên hết” – ông Trực nói.

Trong khi đó ông Huỳnh Toàn, chuyên gia dạy kỹ năng sống (Liên hiệp thanh niên TP.HCM) cho rằng, rèn luyện lòng dũng cảm cho học sinh lớp 1 bằng cách đi trên thuỷ tinh vỡ là sai hoàn toàn và phản khoa học.

Theo phân tích của ông, ở  lứa tuổi học lớp 1, tâm lý và sinh lý của học sinh không ổn định. Đây là giai đoạn các cháu trong quá trình được ăn, được học, được lớn nên không hiểu được dũng cảm hay không dũng cảm. Về mặt mặt  tâm, sinh lý giai đoạn này không phải để chứng minh, chứng tỏ dũng cảm. Lúc này, người công tác giáo dục chỉ cho các cháu hiểu thế nào là dũng cảm để cháu nhận ra đúng sai chứ không phải hành động dũng cảm.

Về mặt tâm lý, nếu dạy các cháu đi trên thuỷ tinh vỡ dễ bị tổn thương. Khi thực hiện có cháu làm được, có cháu không làm được, những cháu không làm được sẽ tủi thân, mang kí ức tổn thương trong đầu. Bản chất việc thể hiện lòng dũng cảm cũng không đúng. Dũng cảm là dám nhận lỗi về mình, biết những điều hạn chế của mình, vượt khó học tập…

Trẻ lớp 1 cần dạy kỹ năng gì?

Ông Toàn cho rằng, dạy kĩ năng sống cho học sinh ở lứa tuổi này cần vẹn toàn cả hai kĩ năng cứng kĩ năng mềm. Trong đó, kĩ năng cứng là những kĩ năng cơ bản, là kinh nghiệm được truyền thụ từ đời trước sang đời sau, từ anh chị sang em, từ thầy cô sang học sinh. Đó là sự lĩnh hội, nhận định những sự vật, đồ vật…

"Rèn luyện kĩ năng sống không phải để chứng tỏ bản lĩnh, thể hiện đẳng cấp đi trên thuỷ tinh. Ngay cả trên truyền hình khi chiếu việc đi trên thuỷ tinh vỡ, nhà đài cũng khuyến cáo rất rõ phụ huynh, học sinh không nên làm vì đây là chương trình của nhà chuyên nghiệp" - ông Huỳnh Toàn

Song song với điều này là học kĩ năng mềm như cách giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống, điều chỉnh bản thân, xác định hành vi, thái độ, nâng cao nhận thức…Cả hai kĩ năng này cần được nuôi dưỡng và nâng lên, đối với học sinh cao hơn kĩ năng sống là xác định được hành vi bản thân sống đẹp, sống có ích.

Ông Toàn đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh không phải kiếm các khoá học kĩ năng sống ở đây xa mà giáo dục kĩ năng sống tốt nhất hiện nay là sách giáo dục công dân. Vì vậy, nên dạy các cháu học từ quyển sách này cùng với thực tế đời thường, ngoài ra nên cho các cháu tham gia các hoạt động cộng đồng, các hoạt động xã hội…

Vẫn theo ông Trực, việc sách tham khảo đưa ra các phương pháp dạy kĩ năng sống không an toàn cho người học là không phù hợp. Hơn nữa, ở lứa tuổi học sinh lớp 1, nhận thức chưa đủ chín chắn - Nhà xuất bản cần chọn lựa những sản phẩm có giáo dục.

Những sản phẩm đó trước hết phải đặt an toàn lên trên hết. Sau đó mới nghĩ đến việc rèn luyện học sinh về nhân sách, đức tính để học sinh phát triển toàn diện.

Ngoài ra, khi xuất bản sách, các nhà xuất bản cần tham khảo ý kiến phụ huynh, nhà nghiên cứu để đưa ra thị trường những bài học có tính ứng dụng cao.

  • Lê Huyền