- Gửi bài viết đến VietNamNet, độc giả Minh Trần cho rằng, phải công bằng trong việc đánh giá phương pháp xét tuyển vào ĐH năm nay. Bộ GD-ĐT đã làm một cuộc thay đổi lớn trong việc tuyển sinh và sự thay đổi này đi đúng hướng. Cụ thể,

Thứ nhất: Việc xét tuyển năm nay tạo sự công bằng trong việc học, học sinh thi đạt điểm cao thì phải được chọn trường và ngành mình yêu thích. Mọi năm số lượng thí sinh đăng ký vào những trường xịn rất cao và tỉ lệ rớt rất cao. Nếu coi như đợt điểm đầu tiên là nguyện vọng 1 thì rất nhiều em học giỏi trong những kỳ thi trước phải rớt xuống nguyện vọng 2.

Làm theo năm nay thí sinh đạt điểm cao (không phải cao nhất) vẫn có khả năng vào những trường tốp đầu. Và nhìn theo bảng điểm xét tuyển năm nay, chúng ta có quyền hy vọng một chất lượng đầu vào tốt hơn cho các trường ĐH.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Thứ hai: Việc được chọn nhiều nguyện vọng cũng như được rút hồ sơ và nộp lại, tạo cho thí sinh có nhiều quyền tự quyết hơn trong việc lựa chọn nơi mình học phù hợp với khả năng và sở thích của mình.

Với 2 yếu tố trên, phương án này mang tính đột phá khá nhiều so với nhiều năm trì trệ tuyển sinh theo phương án cũ.

Lùm xùm xét tuyển có lỗi của phụ huynh

Thật sự phương án mới lại mang đến không ít phàn nàn. Một là điểm ưu tiên được cộng quá nhiều tạo sự không công bằng cho việc lựa chọn trường, ngành. Hai là cào bằng các trường như nhau trong thời gian tuyển sinh khiến cho việc lựa chọn của thí sinh trở nên khó khăn. Thứ ba không đồng bộ trong việc tra cứu thông tin về tuyển sinh của các trường khiến cho việc tra cứu của thí sinh về trường, nguyện vọng, điểm, danh sách thí sinh đầy khó khăn. Cuối cùng là việc nộp trả hồ sơ bằng thủ công, gây khó cho thí sinh nhất là những thí sinh ở xa.

Ngoài những điểm yếu trên, việc phụ huynh phàn nàn về phương thức tuyển sinh giống như chứng khoán, tôi nghĩ đó là lỗi của phụ huynh và thí sinh. Tại sao những năm trước (ví dụ) ĐH Bách khoa có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 16.000. Nhưng trường chỉ nhận 4.000. Tại sao 12.000 thí sinh rớt không ai phàn nàn. Mà những thí sinh dám thi vào Trường ĐH Bách khoa thường là những học sinh giỏi mới dám thi. Vậy năm nay 12.000 thí sinh đó chắc chắc sẽ được vào những trường danh giá hơn (so với nguyện vọng 2). Vậy tại sao người ta vẫn khiếu nại?

Tôi nghĩ bởi 2 lý do, thứ nhất phụ huynh ta sợ quyền tự chủ. Theo phương án cũ, khi nộp hơ sơ xong thi, thi rớt thì thôi, xuống nguyện vọng 2, khỏi suy nghĩ gì, chuyện đương nhiên. Nhưng năm nay, phải suy nghĩ vì vẫn có cơ hội và vì thế họ rối. Lý do thứ hai do phụ huynh “ngựa theo đường cũ”, sống quen thời bao cấp, con mình phải vào trường xịn mà chẳng cần để ý đến sức học của thí sinh. Theo phương thức cũ, nếu không đậu vào trường xịn thì rớt. Nhưng năm nay không đậu vào trường xịn lại không có rớt. Không rớt thì phải có trường học cho nguyện vọng 1 và họ không biết hoặc không muốn chọn trường khác.

Phương án "cần" và "đủ"

Nhưng yếu tố cần cho việc tuyển sinh:

Thí sinh điểm tốt hơn phải được ưu tiên chọn trường tốt hơn. Ngược lại trường tốt hơn được quyền ưu tiên tuyển thí sinh có điểm cao hơn.
Thời gian tuyển sinh phải bảo đảm phân hoá các trường, trường tốt hơn phải tuyển hoàn tất trước, rồi đến trường tốt kém hơn.
Phương án tuyển sinh phải đơn giản, không sử dụng phương pháp đăng ký thủ công.

Những yếu tố đủ cho việc tuyển sinh:

Bộ phải có một phần mềm tuyển sinh chung trên toàn quốc. Thí sinh chỉ vào trang này để đăng ký tuyển sinh. Toàn bộ dữ liệu về kỳ thi (SBD, tên, tuổi, điểm…) được làm cơ sở dữ liệu cho phần mềm này. Trong phần mềm này thí sinh sẽ chọn trường, trong trường chọn ngành, trong mỗi ngành có giới thiệu đầy đủ về ngành của mình (bao gồm chương trình học, điểm chuẩn những năm, danh sách đã đăng ký…) và nút để thí sinh trực tiếp đăng ký vào trường. Khi thí sinh đăng ký, phần mềm sẽ dựa vào dữ liệu thí sinh để chấp nhận (nếu còn chỉ tiêu) hoặc từ chối (nếu thí sinh đăng ký một lúc nhiều hơn 1 trường hoặc đã hết chỉ tiêu). Trong phần mềm này, nếu trường đã nhận đủ chỉ tiêu xét tuyển thì không được tiếp tục nhận đăng ký nữa. Việc này còn có nghĩa là những thí sinh nào được xác nhận đã đăng ký thành công thì thí sinh đó coi như đã đậu vào trường đó.

Trường ĐH có trách nhiệm soạn thảo đầy đủ thông tin của trường, ngành và cập nhập vào phần mềm. Trường phải có một phương án tuyển sinh rõ ràng được bộ chấp nhận và cập nhập đầy đủ trong phần mềm tuyển sinh.

Mổi thí sinh phải được cấp 1 email. Email đó phải được kích hoạt bởi trực tiếp thí sinh và là phương tiện chủ yếu để trường ĐH thông báo các thông tin về tuyển sinh cho thí sinh.

Mỗi thí sinh phải được cấp 1mật mã, mật mã đó được cấp cùng phiếu báo điểm cho thí sinh. Mật mã đó dùng để đăng ký tuyển sinh.

Thời gian tuyển sinh là 1 tháng, không phân chia nguyện vọng

Một tháng tuyển sinh sẽ được phân kỳ thời gian theo phổ điểm khác nhau từ cao xuống thấp.

Việc phân kỳ được thực hiện như sau: Một phân kỳ được xác định bằng một khoảng thời gian nhất định và sẽ nhận 1 phổ điểm. Phổ điểm tối đa trong một phân kỳ là 6 điểm. Phổ điểm cao nhất là trong phân kỳ 1, sẽ giảm dần trong những phân kỳ sau. Những phổ điểm có số thì sinh đông thì thời gian phân kỳ sẽ kéo dài hơn.

Ví dụ như phân kỳ 1 có thời gian là 3 ngày nhận các thí sinh có phổ điểm từ 27 điểm đến 30 điểm. Phân kỳ 2 có thời gian là 4 ngày nhận thí sinh có phổ điểm từ 24 đến 30 điểm, phân kỳ 3 có thời gian 5 ngày với phổ điểm là 21 đến <27 điểm,phân kỳ 4 có thời gian là 6 ngày cho phổ điểm từ 18 đến <24 điểm, phân kỳ 5 thời gian là 7 ngày cho các phổ điểm còn lại. Không nhận các thí sinh có điểm ngoài phổ điểm quy định trong thời gian phân kỳ.

Thí sinh trong phổ điểm, đăng ký tuyển sinh theo phần mềm trên mạng. Khi trường tuyển đủ số lượng sẽ khoá sổ luôn và công bố danh sách trúng tuyển liền sau. Sau đó gửi ngay Email cho thí sinh để xác nhận việc trúng tuyển của mình.

Việc phân kỳ này do các trường đại học tự chủ thực hiện nhưng thời gian và phổ điểm không quá thời gian và phổ điểm đã quy định.Việc tự chủ thực hiện của các trường căn cứ trên yêu cầu tuyển sinh của trường tính riêng biệt theo từng ngành, thời gian phân kỳ hoặc phổ điểm có thể thay đổi. Ví dụ: trường có 2 ngành tuyển sinh, một ngành nóng và một ngành thường.

Với ngành nóng trường quy định phân kỳ 1 là 1 ngày cho phổ điểm là 30 điểm. Nếu hết ngày thứ nhất (phân kỳ 1), thì trường sẽ chuyển qua phân kỳ 2 trong 2 ngày với phổ điểm là > 29 điểm, và cứ thế phổ điểm giảm dần cho đến khi tuyển đủ thí sinh. Với ngành thường thì phân kỳ 1 là 3 ngày với phổ điểm từ 27-30 điểm, phân kỳ 2 từ 24 đến <27 điểm. Nhưng sau khi phân kỳ 2 trường chỉ còn thiếu một ít chỉ tiêu thì phân kỳ 3 chỉ còn 1 ngày và phổ điểm sẽ là > 23 điểm hoặc kèm theo điều kiện (môn nào đó đạt số điểm nào đó).

Hồ sơ chỉ nộp khi có thông báo trúng tuyển. Vời thời hạn nộp hồ sơ không quá 3 ngày khi nhận thông báo. Nếu thí sinh ở quá xa cho thời hạn 3 ngày, thì trường hoặc phòng giáo dục hoặc sở giáo dục nơi thí sinh học hoặc cư trú sẽ xác nhận đã nhận hồ sơ. Quá thời hạn nộp hồ sơ, trường coi như thí sinh bỏ học và có quyền tuyển tiếp tục thí sinh trong những phổ điểm thấp hơn đang tuyển cho đủ chỉ tiêu.

Trong thời hạn phân kỳ của phổ điểm, thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng và rút đăng ký. Ngoài thời gian đó thí sinh không được thay đổi đăng ký trên mạng, mọi mong muốn thay đổi sẽ do thí sinh thực hiện trực tiếp với trường và tại trường.

***

Không phương án nào là hoàn hảo, nếu được chọn, tôi chọn phương án giao quyền tự chủ cho các trường ĐH (giống như phương thức tuyển sinh của Mỹ). Nhưng phương án đó giờ chỉ là ảo tưởng. Bởi vì nguyên tắc quan trọng nhất cho trường tự tuyển sinh là trường phải thể hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình đối với sản phẩm mình tạo ra đó là công ăn việc làm của thí sinh và mức thu nhập mà họ thụ hưởng. Tất nhiên tôi không nói đến việc trường phải tìm việc làm cho sinh viên mà tôi đang nói đến văn hoá, kiến thức, công nghệ, lao động mà người sinh viên được hưởng từ trường.

Hiện giờ gần hết sinh viên đi làm đều phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung. Đó là về lao động, về công nghệ thì khó có khả năng tiếp cận công nghệ mới hiện đại về kiến thức thì chỉ gói gọn trong chuyên môn, đặc biệt về văn hoá như kỹ luật, khả năng làm việc nhóm, khả năng hoà nhập cũng rất kém.

Nếu chỉ việc xây trường cho lớn, mướn thầy xịn mà không có trách nhiệm với sản phẩm của mình tạo ra, việc giao quyền tự quyết cho các trường là một sai lầm không thể tha thứ được.

Mời bạn đọc hiến kế cho phương án xét tuyển ĐH năm tới. Các ý kiến, bài viết gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ đươc đăng tải trên trang Giáo dục báo VietNamNet.

Độc giả Minh Trần