- Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định Tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) về vấn đề còn mới mẻ và khá nhạy cảm đối với giáo dục đại học Việt Nam.

{keywords}
bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Ảnh Văn Chung)

4 thay đổi so với ban đầu

- Bà Phụng cho biết: Phân tầng cơ sở giáo dục đại học để các trường định hướng rõ ràng mục tiêu đào tạo. Xếp hạng để công khai chất lượng và uy tín của các trường để người học và xã hội biết và lựa chọn.

Mục tiêu đào tạo của các trường (thể hiện qua phân tầng) và đẳng cấp của trường (thể hiện qua xếp hạng) sẽ là hành trang quan trọng của sinh viên tốt nghiệp khi tìm kiếm việc làm. Nói cách khác, bằng tốt nghiệp đại học không chỉ ghi nhận trình độ đào tạo mà giá trị của nó còn phụ thuộc vào trường cấp bằng.

So với dự thảo lần đầu được đưa ra lấy ý kiến vào tháng 10/2014, bản Nghị định lần này đã có những thay đổi gì, thưa bà?

- So với Dự thảo tháng 10/2014 có một số thay đổi.

Thứ nhất, số tiêu chí phân tầng và xếp hạng và các chỉ số, chỉ báo trong mỗi tiêu chí phân tầng và xếp hạng được điều chỉnh phù hợp hơn.

Thứ hai, dự kiến khi triển khai, điểm xếp hạng sẽ chấm theo điều kiện, năng lực của từng trường nhưng khung xếp hạng được điều chỉnh từ 5 hạng xuống cón 3 hạng để đơn giản trong phân hạng

Thứ ba, tổ chức thực hiện phân tầng, xếp hạng được quy định rõ hơn: Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có năng lực, kinh nghiệm và uy tín để giao nhiệm vụ thực hiện phân tầng và xếp hạng cơ sở GDĐH.

Và điểm khác biệt thứ tư là các điều kiện phân tầng, đặc biệt là các điều kiện về hoạt động khoa học và công nghệ được quy định khái quát hơn, phù hợp với tất cả các nhóm ngành...

Nghị định này áp dụng cho tất cả cơ sở bao gồm cả các đại học, và không phân biệt công lập, ngoài công lập.

Bà có thể giải thích tại sao dự kiến ban đầu đưa ra sẽ xếp các trường đại học thành 5 hạng, nay rút lại chỉ còn 3 hạng?

- Nếu khung nhiều hạng và khoảng cách giữa các hạng nhỏ sẽ làm cho khung xếp hạng ít có ý nghĩa. Mặt khác, việc xây dựng chính sách đối với khung 5 hạng sẽ phức tạp hơn, khó đảm bảo sự phân biệt rõ giữa các hạng, không tạo điều kiện và động lực cho các cơ sở GDĐH phấn đấu. Vì vậy, BST đã chuyển từ 5 thành 3 hạng.

Tại sao lại giao cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc phân tầng, xếp hạng? Điều gì sẽ đảm bảo đơn vị này thực hiện khách quan công việc được giao?

- Lý do giao cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện phân tầng, xếp hạng đó là các tổ chức độc lập, chuyên về đánh giá, kiểm định có kinh nghiệm đánh giá theo tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số, chỉ báo trong GDĐH.

Tất nhiên không phải tổ chức kiểm định chất lượng nào cũng được giao nhiệm vụ này. Bộ sẽ lựa chọn tổ chức có uy tín, làm việc công tâm, được các trường đại học tín nhiệm để giao nhiệm vụ. 

Sẽ không có trường “đứng ngoài”

Xin bà so sánh các tiêu chí để xếp hạng đại học Việt Nam với tiêu chí của một số bảng xếp hạng uy tín trên thế giới?

- Thế giới có nhiều bảng xếp hạng các trường đại học.

Ví dụ, Tạp chí US. News and World Report (USNWR) xếp hạng các trường theo vùng lãnh thổ và nhóm trường, dữ liệu được thu thập đánh giá theo 7 tiêu chí. Trường ĐH Giao thông vận tải Thượng Hải (Trung Quốc) xếp hạng các trường đại học thế giới theo 4 tiêu chí và 6 chỉ số nhấn mạnh vào chất lượng giáo dục, chất lượng giảng viên, kết quả nghiên cứu và quy mô của trường.

Ở Châu Á, tạp chí ASIAWEEK xếp hạng các trường đại học theo 5 tiêu chí như: Danh tiếng hàn lâm của trường, tuyển chọn sinh viên, đội ngũ giảng viên, kết quả nghiên cứu khoa học và nguồn tài chính.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng
Ngoài ra còn có nhiều tổ chức xếp hạng khác, ví dụ như Webometric xếp hạng dựa và thông tin và lượng truy cập vào trang thông tin điện tử của các trường.

Tiêu chí của các bảng xếp hạng có khác nhau. Những bảng xếp hạng có uy tín được sử dụng rộng rãi thường đặt trọng số rất cao vào kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường, thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, kể cả cựu sinh viên.

Ban soạn thảo Nghị định đã tham khảo tiêu chí của các bảng xếp hạng khác nhau, cân nhắc, lựa chọn những tiêu chí phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta và các qui định của Luật Giáo dục Đại học.

Hầu hết những tiêu chí chính của các bảng xếp hạng đại học thế giới đều thể hiện trong qui định tiêu chí xếp hạng của nước ta như chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm, kiểm định chất lượng, đánh giá của người sử dụng lao động…

Bộ GD-ĐT sẽ qui định cụ thể cách thức đánh giá và trọng số của từng tiêu chí khi tiến hành xếp hạng. Trọng số đối với các tiêu chí xếp hạng của nước ta sẽ khác với các bảng xếp hạng hiện nay ví dụ như trong số về nghiên cứu khoa học nếu đặt quá cao sẽ không hợp lý vì công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học nước ta còn hạn chế.

Khi dự thảo mới công bố, đã có ý kiến đóng góp cho rằng việc “Các hạng được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số” là một quan điểm duy ý chí, giống như trước đây cứ cho rằng mỗi lớp học phải có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh trung bình”. 

Bà có thể lý giải tại sao vẫn duy trì quy định “Khung xếp hạng được xác định theo điểm với cơ cấu như sau: Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở GDĐH có điểm cao nhất; Hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở GDĐH có điểm thấp nhất; và Hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở GDĐH không thuộc Hạng 1 và Hạng 3”?

- Việc sử dụng Khung 3 hạng ở Việt Nam đi đôi với chính sách của Nhà nước đối với cơ sở GDĐH. Về bản chất, xếp hạng theo Khung 3 hạng (xếp hạng tương đối) vẫn dựa trên xếp hạng tuyệt đối, từ kết quả điểm xếp hạng riêng biệt của tất cả các cơ sở trong tầng để chia thành 3 hạng, để khả thi trong việc xây dựng chính sách đối với từng hạng.

Có chế tài nào quy định các trường phải tham gia phân tầng, xếp hạng không, thưa bà? Nếu có trường muốn đứng ngoài thì sao?

- Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, theo đó, tất cả các tổ chức, các nhân trong phạm vi áp dụng phải thực hiện. Thông tư Hướng dẫn chi tiết phân tầng và xếp hạng mà Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT xây dựng sẽ tiếp tục quy định cụ thể, để tất cả các trường thực hiện.

Sau này, dự kiến một số chính sách đối với các trường sẽ trên cơ sở phân tầng xếp hạng. Vì vậy, các trường vừa có nghĩa vụ thực hiện các quy định của văn bản pháp luật, vừa có nhu cầu thực hiện để được tham gia các chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, ở phương diện xã hội, khi đã thực hiện phân tầng, xếp hạng mà có một số trường chưa thực hiện ngay thì có thể ảnh hưởng đến uy tín của chính các trường. Bởi vì, chắc chắn các thí sinh, phụ huynh sẽ không đánh giá cao những cơ sở đào tạo không có thông tin về phân tầng xếp hạng hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước…

Vì vậy, tôi cho rằng khi đã triển khai thực hiện chính sách sẽ không có trường “muốn đứng ngoài”, hoặc việc “muốn đứng ngoài” có thể sẽ bị đánh giá không bằng trường thứ hạng kém vì không minh bạch…

Khi nào Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cách tính điểm cho mỗi chỉ số của các tiêu chí theo tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở GDĐH? Và tới khi nào sẽ có một “bảng tổng sắp” chính thức đầu tiên về phân tầng, xếp hạng đại học Việt Nam, thưa bà?

- Đây là vấn đề mới, lần đầu tiên được quy định tại Việt Nam nên chưa thể có thông tư hướng dẫn ngay khi Nghị định mới được ban hành, vì các chủ trương mới đưa vào Nghị định phải được xã hội đồng tình và được Chính phủ chính thức ban hành  mới trở thành cơ sở để xây dựng thông tư hướng dẫn.

Chúng tôi sẽ cố gắng để có thể có thông tư hướng dẫn sớm nhất trong điều kiện của mình để tổ chức triển khai thực hiện.

Xin cảm ơn bà.

Ngân Anh thực hiện