- Ngồi bên con ở giường bệnh, nhìn con gái nhỏ ngồi thất thần như bất động hồi lâu rồi bật khóc, người mẹ chỉ biết ôm con vào lòng dỗ dành. Em chỉ dừng khi đã thấm mệt. Mọi thứ thay đổi quá nhanh sau buổi con chị đi học hè ở trường trở về.

Đáng ra thời điểm này cô con gái nhỏ của chị Thiên (*) phải đang ngồi ở lớp học, vui đùa cùng các bạn mới ở ngồi trường THCS gần nhà. Nhưng giường bệnh và những viên thuốc, bài test trí tuệ và cánh cửa khép kín lại là nơi em Bình (*) phải ở.

{keywords}
Viện sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai (Hà Nội) nơi em Bình đang được điều trị. (Ảnh: Người đưa tin)

Bên cô con gái đang thiêm thiếp ngủ vì mệt sau cơn khóc dài, chị Thiên nước mắt rơm rớm:

“Chuyện xảy đến sau một tiết học toán của thầy giáo. Con kể hôm ấy không làm được bài, thầy giáo thấy con làm chậm nên la mắng. Ngoài con còn mấy bạn bị như vậy nữa. Nhưng nếu các bạn khác nghe thầy, liền đứng dậy thì cháu vẫn ngồi yên, chắc do sợ quá. Thầy liền đến gần đập mạnh vào bàn, quát to và viết giấy dọa đuổi học, yêu cầu cháu phải ký vào đó khiến cháu càng khóc to.”

Hết buổi học, Bình thất thểu ra về. “Trời hôm đó bất chợt nổi cơn mưa lớn. Và con cứ đầu trần đội mưa về nhà. Lúc về cháu vẫn chưa có biểu hiện khóc lóc gì, chỉ ngồi im. Đến khi đi tập văn nghệ các anh chị thấy cháu không tập trung, có biểu hiện khác thường nên dìu về nhà. Về đến nơi thì con bắt đầu khóc và khóc mỗi lúc một to. Gia đình gặng hỏi con cũng kể lại sự việc ở trường vừa xảy ra”.

Gia đình gặng hỏi dỗ dành thế nào con cũng không nghe, chỉ dừng khóc và thiếp đi khi đã thấm mệt. Thấy tình trạng con không ổn, gia đình cho đi thăm khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì được chuyển sang Bệnh viện Tâm thần của tỉnh.

Tại đây bác sĩ vừa tiêm, kết hợp với thuốc uống nên Bình đã dừng khóc, vui cười trở lại. Nằm được hai hôm em được cho về nhà với thuốc uống và lời dặn của bác sĩ mọi người phải nhẹ nhàng với em.

Về nhà, Bình vẫn đi khai giảng năm học mới như các bạn. Nhưng đến buổi chiều em lại khóc và khóc to hơn. Gia đình lại tức tốc đưa con vào bệnh viện tỉnh. Nghe mọi người khuyên, gia đình chị Thiên trước đó đã bỏ tiền nhờ thầy làm lễ, về cúng vì nghĩ con có thể bị ma nhập. Nhưng tình hình không có biến chuyển. Nằm ở đây thêm vài ngày em được ký giấy giới thiệu cho về Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội để điều trị.

Lúc tỉnh, Bình nói em muốn chuyển trường, không học thầy giáo nữa....

Từ ngày con phải vào viện, thầy giáo cũng vào nhà hỏi thăm ngay và cũng đã xin lỗi gia đình song nói “đó là phương pháp của thầy”. “Thầy cũng ngỏ ý hay là để thầy vào xin lỗi nhưng cháu nhà tôi vẫn còn sợ thầy quá” – lời chị Thiên.

Rồi chị nhận xét: “Thầy giáo như vậy là không có phương pháp sư phạm rồi, đâu phải cháu nào cũng la mắng, dọa nạt là sẽ học chăm chỉ ngoan ngoãn hơn đâu..."

"Tôi nghĩ nếu có tự trọng và thực sự vì học sinh thầy sẽ phải thay đổi nếu không thì gia đình, học sinh cũng sẽ không chọn thầy để học nữa” – người mẹ thở dài.

Ngày 4/9, vì viết bài chậm, nên một học sinh lớp 2 Trường TH Cẩm Phúc (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã bị cô giáo chủ nhiệm véo tai phải đi khâu 2 mũi.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết ngay sau đó, cô giáo này cũng đưa học sinh ra trạm xá để khâu, cô giáo cũng rất cẩn thận nhờ bác sĩ khâu 2 mũi. Sau đó, cô giáo cũng đến nhà phụ huynh học sinh xin lỗi gia đình và được chấp nhận.

    Con bạn đến lớp đã gặp tình huống khó xử thế này? Bạn xử lý như thế nào khi con bị rơi vào tình huống bị phạt không mong muốn. Hãy chia sẻ về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn để cùng tìm giải pháp con đến trường học vui.

    Văn Chung (ghi)

    (* Tên nhân vật đã được thay đổi)