- Trao đổi với VietNamNet, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân cho biết: Bộ Công an vừa gửi công điện tới Công an các tỉnh yêu cầu báo cáo chi tiết các trường hợp thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng đang bị vướng mắc về lý lịch để có hướng giải quyết cụ thể.

Trước đó, Bộ Công an đã giải quyết 2 trường hợp thí sinh đủ điểm trúng tuyển vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân và Học viện Cảnh sát Nhân dân nhưng bị vướng lí lịch "bố bị án treo". Bộ Công an cho rằng các trường hợp này đã vi phạm "tiêu chuẩn chính trị" của ngành - cụ thể là Thông tư số 53.

{keywords}

Bố con thí sinh Đức Ngà đang trao đổi về trường hợp của mình. Ảnh: Cao Thái

Cụ thể trường hợp của hai em Kiều Như và Đức Ngà đã không “khai báo trung thực” về việc phụ huynh của mình có tiền án trong hồ sơ lý lịch dự tuyển.

Theo luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội), để tránh hiện tượng này trong những mùa tuyển sinh sau, Bộ Công an nên có hướng dẫn khắc phục tình trạng này bằng hướng dẫn liên tịch với Bộ Giáo dục.

Các gia đình có con em dự thi, nếu trường hợp chưa được xóa án tích thì nên tìm hiểu để đến tòa án làm thủ tục xóa án tích, sau đó lấy chứng nhận xóa án tích của cơ quan tòa án.

“Lỗi dẫn đến tình trạng nêu trên là gia đình thí sinh và cơ quan có thẩm quyền chưa coi trọng quy định pháp luật hình sự về việc xóa án tích. Người bị án án chỉ chú trọng thi hành xong bản án mà không thực hiện nghĩa vụ xóa án tích. Đó vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ đối với thủ tục tố tụng này.

Cần rút ra bài học cho thí sinh và gia đình thí sinh dự thi ngành Công an nói riêng mà những người đã chấp hành xong bản án nói chung, không nên xem nhẹ việc xóa án tích.

Song Nguyên