- "Phát biểu dừng hay không dừng là do hiệu trưởng chứ không phải Cục Nhà giáo. Tôi chưa hề dùng chữ dừng thực hiện".
Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet sáng 23/9, trước thông tin nhà trường đã dừng thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ chuyên môn.
Nguồn ảnh: Web của trường |
"Chúng tôi có quyền thí điểm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng"
Trong một lần trao đổi với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), tôi đã trả lời: Quy định này vừa ban hành, nội dung và quy trình thì đã đủ, nhưng biểu mẫu chưa làm xong, thì báo Pháp luật TP.HCM đã biết và đưa lên, thế là cả xã hội quan tâm đến. Chứ thực ra chúng tôi chưa thực hiện. Tôi không hiểu từ đâu có thông tin là ĐH Tôn Đức Thắng dừng lại việc này? Tại sao "dừng"? Việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, Nhà khoa học của trường đã được Chính phủ cho phép thí điểm tại Khoản 2.b, Mục II, Điều 1 của Quyết định 158, ngày 29/01/2015. Chúng tôi làm việc có cơ sở pháp lý của mình. Không có lý do gì để "dừng".
Thứ hai, làm gì có chuyện hiểu nhầm quyết định của Chính phủ. Chính phủ có quy định về tiêu chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS. Nhưng chúng tôi được thí điểm tự chủ toàn diện, trong đó có thí điểm việc bổ nhiệm nhân sự là chuyên gia, nhà khoa học vào các chức danh nghề nghiệp tại trường. Vì thế, chúng tôi có quyền thí điểm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng, phù hợp với yêu cầu của nhà trường để xét và bổ nhiệm. Bảo chúng tôi "hiểu nhầm quyết định của Chính phủ nên soạn thảo văn bản chưa chuẩn, chưa chặt chẽ (trong việc quy định tiêu chuẩn xét)" là rất chủ quan.
Thứ ba, trường không phong. Việc phong hàm hãy để cho hội đồng nào đó làm. Chúng tôi xét nhà giáo đang công tác tại trường và có nhu cầu so với Bộ tiêu chuẩn của mình xem đủ điều kiện không? Có vi phạm pháp luật không? Có vi phạm đạo đức nhà giáo không? Nếu nhà giáo đạt chuẩn và không có bất kỳ vi phạm gì, chúng tôi bổ nhiệm họ vào chức vụ tương ứng với tiêu chuẩn mà họ có (Trợ lý giáo sư, Giáo sư cộng tác, Giáo sư; hoặc Trợ lý giáo sư nghiên cứu, Giáo sư cộng tác nghiên cứu, Giáo sư nghiên cứu và Giáo sư nghiên cứu xuất sắc); rồi cung ứng đủ điều kiện làm việc (hỗ trợ xe, nhà, phòng làm việc riêng, lab, chuyên viên hỗ trợ, chế độ đi nước ngoài hợp tác nghiên cứu...), trả thu nhập thỏa đáng cũng như mô tả yêu cầu nhiệm vụ mà họ phải thực hiện.
Khi họ hết làm việc hoặc họ vi phạm qui định, chúng tôi bãi miễn. Họ cũng có thể tự xin từ nhiệm nếu sau một thời gian tự nhận thấy là mình không thể đáp ứng nổi nhiệm vụ. Như vậy, trợ lý GS, PGS, GS tại trường Tôn Đức Thắng là chức vụ chuyên môn, nghề nghiệp; không là học hàm suốt đời.
Hai điểm tranh cãi không có cơ sở
Vấn đề đang tranh cãi xảy ra ở 2 điểm là: 1. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có đủ nhân lực đẳng cấp để thực hiện việc xét này khách quan, công bằng hay không? 2. GS, PGS hiện nay là từ dùng độc quyền của Hội đồng Chức danh GS nhà nước (HĐCDGSNN), tại sao nhà trường không dùng từ khác, lại dùng từ này để gây lẫn lộn?
Về vấn đề này, nhà trường có quy trình peer review - bình duyệt, chứ không phải nội bộ tự xét và bổ nhiệm.
Căn cứ bộ tiêu chuẩn, trường mời những chuyên gia hàng đầu trong ngành ở nước ngoài (và trong một số trường hợp: ở trong nước) thẩm định. Trường tôn trọng ý kiến thẩm định của chuyên gia; hội đồng xét chỉ mời ứng viên và chuyên gia thẩm định lên tranh luận trước hội đồng khi và chỉ khi có những vấn đề còn phân vân. Ngoài ra, hội đồng tôn trọng kết luận của chuyên gia thẩm định. Không có chuyện bỏ phiếu kín để quyết định; mọi việc đều phải công khai.
“Cần lưu ý rằng năm 2007, khi Bộ GD-ĐT quyết định cho phép các trường đăng ký trường nào đủ điều kiện, thì tổ chức đào tạo tiến sĩ; lúc đó cũng có những núi lo ngại giống hôm nay, rằng: quá nhiều trường không đủ điều kiện, và như thế xã hội sẽ loạn tiến sĩ. Nhưng sau 8 năm, mọi việc vẫn ổn. Tất nhiên, có trường đào tạo tiến sĩ chất lượng khá tốt, có trường trung bình và có trường thực sự chất lượng vẫn còn thấp. Nhưng xã hội đều biết và tự có sự lựa chọn. Đó là một chính sách thông minh. Thế tại sao hôm nay không ai nhớ và rút kinh nghiệm từ chuyện 2007”.
Về vấn đề thứ hai, chỉ có suy nghĩ cực đoan, duy ý chí mới cho rằng những từ ngữ như GS, PGS thuộc độc quyền dùng của của một cơ quan nào đó. Trước đây, từ GS chỉ những người đi dạy và chúng ta có cả GS trung học, GS đại học. Ông GS đại học chẳng buồn khi bạn mình ở cấp dạy thấp hơn mình vẫn được gọi là GS bởi ông hiểu mỗi người có mỗi việc; và tên gọi trên dùng để chỉ chung nghề nghiệp của họ. Từ năm 2008, khi nhà nước giao quyền cho HĐCDGSNN công nhận GStrong toàn quốc mới xuất hiện tâm lý này.
Nếu chúng ta cho rằng những từ đó là độc quyền của HĐCDGSNN, thì khi các đại học nước ngoài mở và hoạt động tại Việt Nam, họ xét và công nhận GS, PGS cho họ, họ cũng phải dùng từ khác để khỏi đụng đến độc quyền này hay sao?
Cả 2 tranh cãi đều không có cơ sở. Trường sẽ tiếp tục làm công việc của trường, sẽ hoàn thiện quy định, biểu mẫu, báo cáo...để xét đợt đầu tiên vào đầu 2016.
Với tiêu chuẩn như hiện nay, chúng tôi không kỳ vọng có nhiều người trong ĐH Tôn Đức Thắng đạt được tiêu chuẩn để nhận sự bổ nhiệm ở một số đợt đầu. Nhưng từng bước, giảng viên có mục tiêu để theo đuổi, thì con số người hội đủ tiêu chuẩn những năm về sau sẽ nhiều lên. Hi vọng sau vài năm, việc này phối hợp với việc liên tục tuyển chuyên gia và giáo sư nước ngoài đến làm việc dài hạn tại trường sẽ giúp trường đủ nhân lực cho mục tiêu phát triển thành đại học nghiên cứu.
- Lê Huyền (Ghi)