- Học tại nhà (home-school) nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, trong khi những tranh cãi ủng hộ hay phản đối cũng sôi nổi không kém.

{keywords}
Ảnh minh họa

Phụ huynh tên Nga đánh giá cao cách học này và cho rằng những ông bố bà mẹ đi tiên phong nên mở lớp học cho nhiều cháu. “Tôi cũng mong muốn từ rất lâu rồi. Lứa tuổi này cần phát triển thể chất và tâm hồn, nên vừa học vừa chơi là cách tốt nhất. Tập đọc, tập viết, tập bơi, tập thể thao, ca múa nhạc là tốt rồi”.

Một ông bố khác cũng đưa lý do ủng hộ phương pháp học này: “không phải học thêm, không phải đóng đủ các loại tiền và tránh được bạo lực học đường”.

Chị Thu Hằng mặc dù đồng tình rằng “hãy để bé đặt bước chân khởi đầu vào lớp 1 bằng sự háo hức của một đứa trẻ khi được học điều mới mẻ, chứ không phải là cực hình”, tuy nhiên chị vẫn chưa đủ tự tin để cho con học ở nhà, “Bởi lẽ, cháu sẽ phát triển lệch - môi trường ở nhà khác môi trường tập thể. Cho trẻ đến trường cũng là cách rèn cho con sự va đập, ứng biến với cuộc sống để rèn khả năng tự chủ bản thân”.

Một số phụ huynh khác lại cho rằng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo cách học này. “Đây là cách học mới. Chỉ có những gia đình có điều kiện và am hiểu chương trình giáo dục các nước mới có thể đưa ra quyết định cho con học ở đâu, học như thế nào để con vui và hiệu quả. Cách học này không phải ai cũng áp dụng được” – anh Hoàng Thiện nhận định.

Anh Ngô Quế cũng đồng tình với ý kiến trên khi đặt vấn đề: hình thức giáo dục này chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện cho con đi du học sau này. Còn nếu không đi du học, tôi nghĩ học chương trình này không phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay nên chắc cũng khó cho các cháu khi vào học Đại học.

Bên cạnh đó, theo anh, đến trường còn tạo cho trẻ các mối quan hệ và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, được tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi trong cộng đồng.... Điều đó rất quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ. “Nếu là tôi, tôi chỉ cho con tham khảo thêm các chương trình giáo dục nước ngoài để cháu mở mang kiến thức và rèn luyện thêm các kỹ năng mà ở Việt Nam còn thiếu” – anh chia sẻ.

Phụ huynh Đỗ Thị Quyên tỏ ra lo lắng: “Mình không biết bạn chọn phương pháp này có vừa sức với cháu hay không? Nhưng tôi thấy cháu đã mất đi cái quyền được vui chơi cùng các bạn khi đến trường, tuổi thơ con phải được trao đổi học tập vui chơi cùng các bạn với lứa tuổi cùng mình. Bạn chọn home-school dành cho con cũng chưa phải là điều tốt. Con sống trong môi trường ít bạn bè, không va chạm với thực tế. Chỉ biết điều trước mắt là khả năng tiếng Anh của con tiến bộ, còn kỹ năng sống phải được trải nghiệm thực tế mới cho mình những bài học”.

“Cha mẹ dạy con là điều tốt. Tuy nhiên, liệu cha mẹ có dạy con được nhiều lĩnh vực hay không? Liệu anh chị có phương pháp truyền đạt phù hợp với lứa tuổi của cháu hay không? Giáo viên là người đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm, hiểu được tâm lý trẻ nên sẽ có cách để trẻ dễ hiểu hơn. Ngoài kiến thức, để dạy con trẻ ta còn phải có phương pháp sư phạm nữa. Khi lên cấp 3, anh chị liệu có chắc mình đủ khả năng dạy con theo đúng sở thích của cháu hay không? Nếu anh chị giỏi kiến thức của Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh mà dạy cháu để cháu đi được đúng công việc mình chọn thì quá hay. Nếu không thì lúc đó hối không kịp đâu” – là chia sẻ của độc giả tên Quân.

Cũng từ vấn đề “học ở nhà có cơ hội được học đại học trong nước hay không?”, bạn đọc Hoàng Văn Tá đưa đề xuất: Từ phương pháp dạy con học tại nhà, lại đặt ra cho Luật Giáo dục Việt Nam cần phải điều chỉnh, bổ sung một điều là: học ở đâu thì học nhưng được quyền đăng ký thi để được công nhận kiến thức chuẩn và được cấp bằng.

Còn chị Lan Hương thì lại có một chia sẻ rất đời thường rằng: “Không biết hiệu quả thực tế thế nào, nhưng chắc chắn sẽ không được tận hưởng cảm giác khi con đi học về hứng khởi kể chuyện các bạn ở lớp rồi! Đó cũng là một trải nghiệm thú vị trong cuộc đời cho cả bố mẹ và con”.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)