- Chu Thị Yến thủ khoa “đầu vào” và “đầu ra” ngành Kỹ thuật viễn thông (Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết trước khi ra trường đã tính tới nhiều phương án cho bản thân và không bi quan khi hiện vẫn chưa tìm được việc phù hợp.

Sau bài báo về việc chưa tìm được việc, Yến cho biết bản thân rất vui khi không ít ý kiến đồng cảm, chia sẻ và ngỏ ý liên hệ để giúp đỡ công việc cho cô. “Em sẽ chủ động liên hệ với họ để trao đổi, hi vọng có thể tìm được nơi làm việc thích hợp” – Yến nói.

{keywords}

Chu Thị Yến cùng mẹ và thầy giáo trong ngày nhận Bằng khen tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc 2015 do UBND TP Hà Nội tổ chức (Ảnh do nhân vật cung cấp. Ảnh: Báo Giao thông)

Trước câu hỏi với khả năng như vậy tại sao không chọn vào làm ở một công ty nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc vừa có thu nhập cao, vừa có điều kiện phát triển chuyên môn, Yến chia sẻ: “Không phải em không nghĩ tới nhưng về sức khỏe của em có phần không đảm bảo. Các công ty nước ngoài yêu cầu lại gắt gao, nhiều vòng nên em chưa nộp hồ sơ”.

Riêng các công ty tư nhân khác, theo Yến cho biết: “Em đã nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng không hiểu vì sao tất cả mới chỉ dừng lại ở vòng phỏng vấn”.

Có nguyện vọng làm giảng viên nhưng khi tốt nghiệp Yến lên trò chuyện với thầy cô trong khoa thì được thông tin bộ môn đã đủ người, chưa có nhu cầu tuyển.

Hà Nội có chính sách tuyển thẳng thủ khoa xuất sắc nhưng năm nay chuyên ngành của Yến chưa có vị trí tuyển. Tới đây khi Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin-Truyền thông thi tuyển viên chức Yến sẽ nộp hồ sơ nhưng thực sự em cũng không có nhiều hi vọng.

Gia đình bố mẹ làm nông dân nên khi thi đại học, mọi quyết định và lựa chọn là ở Yến. Em cho biết mình chọn ngành kỹ thuật viễn thông vì thấy ở địa phương nhiều khu công nghiệp, sau ra trường ở ngành này cơ hội việc làm sẽ lớn.

Quá trình học tập đại học, Yến cũng đi gia sư nhưng mùa hè thường về quê giúp gia đình công việc nhà nông.

Gần một năm trước khi ra trường, Yến tích cực tìm kiếm công việc phù hợp nhưng khi tìm hiểu chi tiết thì yêu cầu của nhà tuyển dụng Yến lại chưa đáp ứng hoặc cái mình được học đơn vị không cần hoặc nhiều nơi đòi hỏi kinh nghiệm mà mình chưa có.

“Những công việc liên quan đến công nghệ thông tin, lập trình được tuyển nhiều thì em lại không có” – đó là thực tế được Yến chia sẻ sau quá trình tìm việc, nộp hồ sơ.

Thủ khoa kép chia sẻ: “Em thấy có nhiều ý kiến nói rất xác đáng rằng tại sao mình cứ phải chăm chăm chọn cho được công việc phù hợp với chuyên ngành đã học”.

Tuy nhiên mỗi người có một lựa chọn, Yến không bi quan hay chán nản khi chưa tìm được công việc thích hợp.

“Em đã vạch ra trong đầu những hướng đi khác nhau sau khi ra trường. Có thể không tìm được việc em sẽ dành 6 tháng đến 1 năm đi học thêm tiếng Anh để có thể tìm việc ở các công ty nước ngoài.

Hiện vốn tiếng Anh chuyên ngành của em khá tốt, tiếng Anh giao tiếp cơ bản tạm ổn nhưng chưa có chứng chỉ. Hoặc không em sẽ tìm kiếm học bổng du học để có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi về nước” – Yến dự tính.

  • Văn Chung