Ít ai biết rằng, người thầy có vóc dáng gầy gò đó suốt 10 năm qua đã truyền ngọn lửa chinh phục đỉnh Olympia cho nhiều thế hệ học sinh.
10 năm, danh sách học sinh của Ninh Thuận, Bình Thuận đến với cuộc chơi Olympia do thầy đào tạo đã mang về đến cả chục vòng nguyệt quế. Riêng năm 2011, đã có tới 3 học sinh của thầy đạt giải nhì vòng thi quý, còn Lê Bảo Lộc (Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn) tiến vào vòng chung kết.
Bỏ công sức, thời gian, tiền bạc ra để đào tạo những học sinh giỏi đi thi Olympia với thầy Thạch chỉ vì lý do rất đơn giản:
"Mình rất thích các cuộc chơi tri thức. Olympia mình không tham gia được thì để cho học trò của mình chơi chứ!"
Mỗi năm, ngoài dạy ở trường, dạy học sinh giỏi quốc gia, thầy luôn dành tâm huyết để đào tạo 3, 4 học sinh cho cuộc thi này.
Nhìn thầy giản dị, nhỏ bé trong trang phục lên lớp mỗi ngày, một dấu hỏi không khỏi đặt ra: "Thầy lấy đâu ra kinh phí để dạy dỗ, để trang trải cho những cuối tuần đưa cả chục học trò đi uống cà phê để nói về Olympia và đủ thứ chuyện trên đời?"
"Thì mình cũng dạy thêm, dạy được bao nhiêu thì mình chơi bấy nhiêu!"- Một cách rất hào phóng, thầy vui vẻ trả lời.
Thầy Thạch năm nay tuổi đã xế chiều và vẫn là người đàn ông độc thân.
Khi Đường lên đỉnh Olympia sang năm thứ 10, bố mẹ can thầy đừng theo đuổi nữa. Thầy vẫn cố vớt: "Không ai chơi một cuộc chơi quá 10 năm. Tôi thuyết phục gia đình để làm năm cuối này nữa, để còn mang một điểm cầu truyền hình về cho Ninh Thuận chứ!".
Một học sinh cũ của thầy, nay đã trưởng thành, Bùi Thị Minh Châu, thí sinh đạt vòng nguyệt quế vòng thi tháng của lần Olympia thứ 5 kể về những ngày tháng được thầy dạy dỗ:
"Suốt hơn 1 năm, tuần nào hai thầy trò cũng thi theo chương trình phát sóng. Và trước khi "rửa tay gác kiếm", để giữ mãi ngọn lửa đam mê đỉnh cao tri thức, thầy giáo Nguyễn Đức Thạch đã một mình "phượt" vòng quanh cung Tây Bắc và chinh phục đỉnh Phan-xi-păng.
Thầy đã khiến tất cả học trò kinh ngạc, khâm phục và cảm động bởi sức không quá khỏe với chuyến đi mạo hiểm, lại một mình. Để có thể "phượt" trên hành trình dài dằng dặc bằng chiếc xe máy của mình, thầy Thạch đã dành suốt mùa hè để tập thể dục.
Chinh phục nóc nhà Đông Dương, thầy mong muốn gửi ngọn lửa đến cho những học trò của mình: Hãy chinh phục đỉnh cao Olympia và đỉnh cao tri thức. Thầy đã chinh phục một ngọn núi trong đời thực, còn các em, đừng bao giờ lùi bước trước đỉnh núi tri thức đó.
Niềm vui với trò Lê Bảo Lộc |
Minh Châu, hiện đang làm cho một tổ chức phi chính phủ, tâm sự: "Cho đến bây giờ, sau 10 năm là học trò của thầy, thầy vẫn như thế, đã đam mê, theo đuổi cái gì, thầy làm hết mình vì việc đó, bất chấp những khó khăn cản trở."
Nói về thầy, chị xúc động: 'Mình chỉ muốn dành một chữ "tâm"
Có lẽ vì cái tâm đó, thầy Thạch đã kết nối được các thế hệ học sinh Phan Rang-Ninh Thuận trở thành một sợi dây truyền thống dài trong ngôi nhà "Thạch Gia Trang"- nơi tụ họp của những học sinh đi khắp đất nước vẫn nhớ về quê hương và muốn sẻ chia kiến thức, cơ hội việc làm... đến cho thế hệ sau.
"Hoa và gươm" của mái nhà chung Thạch Gia Trang, nơi ghi chép cẩn thận, chi tiết từng thành công của học trò trong sự nghiệp, học hành sau mỗi năm cứ dài thêm ra, với những giải quốc gia, thủ khoa ĐH, thủ khoa tốt nghiệp ĐH, giải thưởng thơ ca, giải thưởng cho những sinh viên, học sinh tài năng...
Quỹ hỗ trợ Thạch Gia Trang ra đời từ rất lâu để thầy Thạch thực hiện ước nguyện: "Trong cuộc đời học sinh, biết đâu những khó khăn về vật chất có thể làm con đường em đi rẽ sang một hướng không may mắn. Quỹ này ra đời để trợ giúp kịp thời, để không có một khó khăn kinh tế nào cản trở con đường phấn đấu đi lên của học trò giỏi".
Quan điểm của thầy Thạch cũng rất rõ ràng: Không nhận của học trò nào nhiều để đảm bảo rằng quỹ hỗ trợ là tấm lòng của tất cả những người con Thạch Gia Trang, không nhận của ai giấu tên hay địa chỉ không rõ ràng.
Suốt cuộc đời dạy học của mình, thầy giáo Nguyễn ĐứcThạch đã dành dụm đồng lương ít ỏi, chấp nhận một cuộc sống vật chất tối thiểu để dành cho đam mê trải nghiệm và nuôi dưỡng tài năng cho học sinh.
- Nguyễn Hường - Văn Chung