- Với tình yêu thương con vô bờ tôi luôn cố gắng đáp ứng hết những yêu cầu của con. Mua cho con những bộ quần áo, đồ dùng tốt nhất trong khả năng có thể. Chỉ cần con thích hoặc mè nheo một lúc là tôi sẽ “mềm lòng”.

Khi còn ở tuổi mẫu giáo, mỗi lần đi chơi công viên hay vườn thú con đều sà vào hàng đồ chơi, háo hức nhìn ngắm, rồi ôm khư khư lấy những đồ mình thích, nói thế nào cũng không chịu buông. Mặc dù biết con chỉ thích nhất thời, mua về nhà có khi chỉ chơi được một ngày rồi sẽ phá hỏng rồi vứt lung tung như mọi khi nhưng tôi vẫn mua cho con. Có những đồ chơi rất hấp dẫn, mô phỏng nhân vật hoạt hình con thích nhưng xuất xứ Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại nhưng vì con thích nên tôi cũng tặc lưỡi, gật đầu.

{keywords}
Hình ảnh có tính chất minh họa

Sau nhiều lần tôi nhận ra mình càng cố gắng chiều chuộng thì con sẽ ngày càng quen vòi vĩnh. Ví như đồ chơi siêu nhân dù đã có mấy con với các kiểu dáng khác nhau rồi nhưng nếu nhìn thấy khi qua cửa hàng đồ chơi thì con vẫn đòi mua. Hoặc thấy các bạn hàng xóm có đồ chơi mới cũng lại đòi mua một cái giống như thế mới chịu. Ở nhà có bánh kẹo con không ăn nhưng khi vào siêu thị kiểu gì cũng đòi mẹ phải mua cái này, cái kia chỉ vì có vỏ bọc đẹp hoặc in hình nhân vật hoạt hình ưa thích... Có khi con đòi mua bim bim chỉ để có được cái đồ chơi khuyến mại chứ không hề muốn ăn.

Tôi bắt đầu nghiêm khắc hơn trước những đòi hỏi của con, dù con giận dỗi hay khóc lóc cũng không mềm lòng. Tôi cố gắng giải thích để con hiểu việc mua những món đồ chơi rồi không sử dụng làm lãng phí tiền bạc. Tôi nói với con: Mẹ chỉ có 10 tờ tiền để đi chợ mua đồ ăn cho con thôi, nếu con đòi mua đồ chơi nhiều thì sẽ không còn tiền mua gạo nấu cơm nữa. Cả bố, mẹ và con đều nhịn đói. Khi bị dọa phải “nhịn đói”, thằng bé rất sợ nên cũng không dám mè nheo.

Trước những đòi hỏi của con tôi đưa lý do là chưa đến ngày lĩnh lương nên mẹ không có tiền. Dần dần, mỗi khi muốn mua gì con đều hỏi trước “Mẹ đã có lương chưa?”. Nếu cảm thấy thấy những thứ con thích có lợi ích thiết thực tôi sẽ trả lời là đã có lương và mua cho con.

Không trả công cho con bằng tiền

Khi con học tiểu học thường hay xin tiền tôi để mua đồ ăn vặt ở trường, chỉ 5.000 hoặc 10.000 đồng. Tôi đã phải suy nghĩ khá nhiều.

Số tiền không lớn, chỉ đủ để mua một hai cái kẹo hoặc gói bim bim “hợp gu” của trẻ con, thường được bán ở xung quanh trường học. Nhưng nếu đưa tiền cho con sẽ có nhiều hệ quả như con phải mất thời gian đi mua, có thể sẽ vào lớp muộn, hoặc bị rơi riền, hoặc mua phải những món đồ ăn không chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đáng lo hơn là việc mua đồ ăn vặt ở trường rất dễ tạo thành thói quen ăn uống linh tinh, và đây là một thói quen xấu với trẻ. Con cũng sẽ thấy việc xin tiền quá dễ dàng, sau này sẽ không biết trân trọng tiền bạc.

Với suy nghĩ này tôi đã không đưa tiền trực tiếp cho con. Khi con đã lớn, không còn ngây thơ như thuở mẫu giáo tôi không thể sử dụng những “chiêu trò” cũ mà cố gắng giải thích cho con hiểu những tác hại của việc mua đồ ăn vặt ở trường.

Nhiều người cho rằng tôi tiếc tiền, chặt chẽ quá khi không cho con được 5.000 đồng. Nhưng tôi không ngại mà vẫn kiên quyết thực hiện. Những món đồ con muốn ăn tôi sẽ đưa con đi mua hoặc tự mua về nhà để kiểm có thể kiểm định chất lượng.

Khi con muốn mua truyện tranh dù rất vui nhưng biết rõ là con trai ham chơi, thiếu tính kiên nhẫn, thường không ngồi yên được một lúc nên tôi vẫn phải làm giao kèo: Mua truyện về phải đọc hết và kể lại cho mẹ nghe nội dung của truyện và khi con đọc xong hết một cuốn mới được mua cuốn tiếp theo.

Tôi cũng nói với con để có tiền mua truyện và những thứ con muốn thì con phải giúp mẹ làm việc nhà, giúp mẹ trông em khi mẹ bận. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, tôi quan niệm khi con nhận thức được rằng chính những việc con làm đã mang đến cho con những thứ con mong muốn thì con sẽ thích thú và quý trọng nó hơn.

Tôi không trả công cho con bằng tiền, thay vào đó là đáp ứng những thứ con thích mà chưa được mẹ đồng ý. Tôi thường nói, vì con đã trông em rất ngoan khi mẹ vắng nhà nên sẽ được tặng một món quà tùy con chọn, có thể là truyện tranh hoặc đồ chơi...

Dạy con tiết kiệm và biết trân trọng tiền bạc là mong muốn của tôi. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn liệu mình có khắt khe với con quá không?

  • Đỗ Quyên (Hải Phòng)