- Nhiều bậc phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non đang băn khoăn không biết nên cho con mình bắt đầu làm quen tiếng Anh từ độ tuổi nào, phương pháp ra sao để đem lại hiệu quả.

Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã triển khai được 4 năm ở các cấp học, trừ bậc học mầm non bởi việc có nên cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh hay không vẫn còn ý kiến trái chiều.

Từ ngày 16 – 18/10, hội thảo khoa học tiếng Anh trong trường mầm non – Thực trạng và giải pháp được Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và Trường CĐSP Trung ương tổ chức lần đầu tiên chính thức đề cập tới vấn đề này.

Riêng về độ tuổi cho trẻ bắt đầu làm quen tiếng Anh, các chuyên gia giáo dục vẫn có quan điểm rất khác nhau.

{keywords}
Học sinh Trường Mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên (Hà Nội)

Chuyên gia nói "từ 4 tuổi"

Th.S Lê Thị Kim Phượng, Trường CĐSP Trung ương Nha Trang khẳng định: Để trẻ có những nền tảng nhất định về việc học phát âm, sử dụng từ và diễn đạt tiếng mẹ đẻ trước khi tiếp xúc với tiếng nước ngoài, “độ tuổi bắt đầu học Tiếng Anh của trẻ nên từ 4 – 5 tuổi, khi tai nghe của trẻ tinh nhạy hơn các độ tuổi trước, trẻ tiếp thu được cách phát âm các âm vị, phát âm khá rõ ràng, ít ê a, khả năng nắm nghĩa của từ và sử dụng các loại câu đã tương đối tốt…”.

Th.S Đinh Thị Thu Hằng, cũng Trường CĐSP Trung ương Nha Trang cho biết, một số nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng học ngoại ngữ ở độ tuổi quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát triển tiếng mẹ đẻ của trẻ. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng độ tuổi quan trọng nhất để phát triển tiếng mẹ đẻ là từ 2 – 4 tuổi. Sự tiếp nhận ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ có thể bị chậm lại nếu trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai trong một thời gian dài ở trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ….

Theo bà Hằng, “việc tổ chức cho trẻ làm quen với Tiếng Anh phải được tiến hành qua hình thức vui chơi một cách phù hợp, và chỉ nên bắt đầu đối với những trẻ từ 4 tuổi trở lên”.

Trong khi đó, Th.S Lê Thị Luận, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: “Để cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ đạt được hiệu quả cao nhất nên tổ chức từ lứa tuổi mẫu giáo 5 – 6 tuổi. Vì ở lứa tuổi này, trẻ đã có một số vốn từ nhất định, có khả năng bắt chước và ghi nhớ có chủ định. Đồng thời cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở lứa tuổi này giúp trẻ có khả năng phát âm ngoại ngữ chuẩn, mạnh dạn, tự tin”.

Giáo viên bảo "từ 3"

Theo Th.S Nguyễn Minh Tuấn, Khoa tiếng Anh (Trường CĐSP Trung ương), khảo sát trên 50 trường mầm non tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM cho thấy, khi được hỏi về độ tuổi phù hợp cho trẻ bắt đầu làm quen với tiếng Anh, 68,3% cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng trẻ 3 tuổi có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Số người còn lại ủng hộ trẻ 4 và 5 tuổi nên bắt đầu làm quen với tiếng Anh.

Tuy nhiên, trên thực tế, có tới 83,5% trẻ 5 tuổi mới bắt đầu tham gia vào các hoạt động làm quen với tiếng Anh tại các trường mầm non. 

Theo thống kê sơ bộ, năm 2014 – 2015 cả nước có 12/63 tỉnh thành tổ chức cho trẻ ở độ tuổi mầm non làm quen với tiếng Anh.

Tại một số trường mầm non thực hành, độ tuổi cho trẻ làm quen với Tiếng Anh dần được giảm xuống.

Tại Trường MN Thực hành Hoa Sen, theo Th.S Nguyễn Thị Đông, cha mẹ học sinh mầm non rất muốn cho con em mình được làm quen với tiếng Anh ngay ở lứa tuổi mẫu giáo 3 – 4 tuổi.

Từ năm học 2008 – 2009, nhà trường đã tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo đề án “Cho trẻ làm quen tiếng Anh với phần mềm Eduplay”. Và từ năm 2013 đến nay, nhà trường đã xây dựng thí điểm đề án “Cho trẻ mẫu giáo 3 - 6 tuổi làm quen với tiếng Anh” được Trường CĐSP Trung ương phê duyệt.

TS Đặng Lộc Thọ, hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương cho rằng ngay từ 3 tuổi, trong các điều kiện thuận lợi được tiếp cận với chương trình làm quen tiếng Anh thích hợp trẻ có thể phát âm đúng các từ tiếng Anh phù hợp với độ tuổi; có khả năng tiếp cận, tiếp thu tiếng Anh như một ngoại ngữ...

Bên cạnh các tranh luận về độ tuổi thì chương trình, học phí, khó khăn về giáo viên cũng là vấn đề được các chuyên gia, các nhà khoa học đề cập tới.

{keywords}

Học sinh Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) trong giờ làm quen tiếng Anh qua hoạt động ngoài trời

Trẻ không có môi trường giao tiếp thì việc học tiếng Anh ở trường mầm non theo như GS Nguyễn Minh Thuyết “cũng như leo cột mỡ, leo lên rồi lại leo xuống”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia hàng đầu về giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam thì lưu ý với phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non: Tham vọng của phụ huynh là con nhỏ của mình nói được tiếng Anh.

Vậy thì câu hỏi chúng ta cần trả lời là “Nói được ttiếng Anh đến đâu?”.

"Nếu đặt vấn đề trẻ nhỏ phải sử dụng được tiếng Anh một cách tự tin khi giao tiếp thì tính khả thi sẽ rất thấp do nhiều yếu tố. Còn nếu đặt vấn đề trẻ nhỏ có thể giao tiếp được trong phạm vi rất hạn chế về từ vựng, mẫu câu và phát âm đúng thì mục đích này có tính khả thi cao” - ông Hùng gợi mở.

Ngân Anh