- PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ như vậy tại ngày hội mừng Khoa tròn 25 tuổi. Theo bà, sinh viên báo chí hiện đại phải được đào tạo hiện đại trong thực tế.

PGS.TS Minh Thái nhớ lại: "Là người đứng lớp, giảng dạy cho sinh viên báo chí từ năm thứ nhất, năm đó, tôi là trưởng đoàn, thân chinh dẫn một lớp sinh viên năm thứ 3, K47, khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đi thực tế dọc con đường “Di sản miền Trung”, chỉ với thời gian một tuần lễ, tôi mới thấm thía mội điều: sinh viên báo chí của tôi quá đói khát... thực hành nghề báo."

Tiếc vì ở giảng đường ít học, ít đọc

Đói khát đến mức, các sinh viên không phân biệt được việc đi thực tế báo chí với việc đi... du lịch. 75 sinh viên ngồi gần hai chiếc xe bus rất lớn của Hàn Quốc sản xuất, với tôi và hai phụ tá của tôi là hai thầy cô giáo trẻ khoa Báo, 6 lái xe, phụ xe và kĩ thuật, cộng lại 84 người sẽ cùng rong ruổi dọc miền Trung, quyết định lên đường vào ban đêm, tránh nạn kẹt xe, và tránh... bị bắn tốc độ.

{keywords}

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái

Lên đường vào ban đêm thật lãng mạn, sinh viên cười vui nổ trời trên xe, hát hò ầm ĩ, và khuyên tôi đi ngủ, à... ngồi ngủ, trên xe bus cho cô khỏi mệt. Hát hò vui vẻ mãi, cũng chẳng thể thâu đêm, cánh sinh viên rồi cũng ngủ hết. Tang tảng sáng, xe đi qua cầu Hiền Lương, chiếc cầu lịch sử của con sông giới tuyến ngày chưa xa, mà các sinh viên trẻ còn đang... say giấc.

Tôi, hóa ra chẳng mệt, vẫn giữ thói quen dậy sớm ở nhà, 6h mở mắt, nhìn qua cửa kính xe, thấy cây cầu xa xa, dáng hơi cong cong, trong mờ sương sớm, trông thật hiền lành quá đỗi, lại tiếc cho sinh viên, phải chi đừng ham thức khuya, bây giờ đã dậy, được ngắm tận mắt cây cầu lịch sử, từng là “nhân vật” chính của phim “Vĩ tuyến 17 ngày đêm”, với diễn xuất tuyệt vời NSND Trà Giang...

Rồi trên cả quãng đường đi, nhiều sinh viên sẽ còn tiếc dài dài, vì khi học ở giảng đường đã ít chịu học, đọc cho thật kĩ, thật thấm sâu bài giảng về không gian văn hóa miền Trung, mới tiếc hùi hụi vì mình hiểu về miền Trung còn sơ sài, ít ỏi... Nhưng đấy là chuyện suy tư sau chuyến đi, còn bây giờ, Huế đang là hiện hữu. Chúng tôi nhận phòng ở và vào lịch làm việc ngay: Thăm Thành Nội. Chạm trán ngay trục trặc đầu tiên. Không thể giảm giá vé vào Thành Nội quá 10%, mà tôi thì muốn sinh viên được giảm 50%. Đành chấp nhận.

Nhưng vào đến Thành Nội thì quên hết, sinh viên mở to mắt ngắm nhìn, ngạc nhiên nghe hướng dẫn viên du lịch thao thao về lịch sử kinh thành nhà Nguyễn. Camera, máy ảnh thi nhau quay, chụp. Ghi âm mở, bút hí hoáy ghi chép, rồi hỏi han, bàn luận với những cặp mắt sáng ngời...

Hai giờ đồng hồ trong Thành Nội, sinh viên của tôi sung sướng lấy được nhiều tài liệu, sờ tận tay lịch sử, chụp được nhiều ảnh đẹp ở chốn vương triều nhà Nguyễn. Suốt cả ngày hôm đó, lịch làm việc dày đặc: Sau Thành Nội, buổi chiều sinh viên của chúng tôi giao lưu với sinh viên báo chí - ngữ văn tại ĐH Khoa học Huế, cùng hai khách mời là đại diện báo Tuổi Trẻ và báo Lao Động ở Huế: Minh Tự và Minh Văn.

Những câu hỏi, chất vấn, thắc mắc về những sự vụ nóng bỏng đã được đăng, chưa được đăng báo: nào là nhức nhối chuyện sống thử trong sinh viên, chuyện tham nhũng, chuyện bảo vệ hay xâm hại di sản Huế, chuyện xây dựng nhà nhiều tầng, phá vỡ cảnh quan Huế, cả chuyện xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh...

Buổi tối, sinh viên được đi thuyền trên sông Hương, nghe ca Huế, được thả đèn hoa đăng dập dềnh lóe sáng trên mặt sóng đêm, và bắt đầu phân biệt được thế nào là ca Huế dân gian và thế nào là nhã nhạc cung đình Huế, mà năm ngoái, vừa được UNESCO công nhận là tài sản phi vật thể của văn hóa nhân loại. Và cùng nhau xuýt xoa: bao giờ sẽ được thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế nhỉ, tại nhà hát cung đình ở trong Thành Nội Huế?

Tôi thì thấy sinh viên phân biệt được hai thứ âm nhạc bác học và bình dân ấy của Huế, đã thấy mừng lắm, vì biết rằng, khi thành nhà báo, thông tin về âm nhạc Huế, các em sẽ không nhầm lẫn như đã từng, trước khi đến Huế.

Ngủ ở Huế một đêm, trưa hôm sau, chúng tôi rời Huế. Từ sáng, chúng tôi đã có mặt ở bãi biển Thuận An, một bãi biển đẹp hoang sơ, vắng vẻ, có lẽ vì Huế chưa kịp “nhúng tay” vào để biến hóa thành nơi du lịch.

Vì thế mà sinh viên tha hồ tắm, chơi đùa, nghịch cát và chụp ảnh sung sướng với sóng biển, bờ cát, mà không tốn tiền dịch vụ, chỉ tốn vài nghìn ăn những chiếc bánh bột lọc trong vắt, nóng hổi, trông rõ nhân bánh là một chú tôm đỏ hồng, chấm nước mắm ớt cay xè mắt, thật ngon, và thật.... Huế. Giữa trưa, tôi cố gắng sắp xếp bằng được cho sinh viên đi thăm lăng vua Tự Đức ở ngoại vi Huế. Một cái lăng rất đẹp, được xây dựng công phu và tốn kém nhất, trong sự phối cảnh hài hòa âm dương với thiên nhiên xứ Huế hữu tình, với những vạt đồi và rừng thông đại ngàn xanh um lá, dào dạt gió mùa hè lộng thổi suốt đêm ngày.

Nhưng, tôi và nhiều sinh viên vẫn bị ám ảnh sâu sắc về một vấn đề thời sự nóng bỏng của Huế, mà báo chí đã loan tin, cho đến hôm chúng tôi đến Huế, vẫn thấy dư luận báo chí và người đọc báo chưa hề lắng dịu: Đó là dự án xây dựng khu Life Resort trên đồi Vọng Cảnh.

Phải đến tận nơi...

Ngay trong buổi chiều hôm trước, khi Vọng Cảnh là vấn đề được đưa ra giao lưu với hai nhà báo Tuổi Trẻ và Lao Động, thấy chưa thỏa mãn về thông tin, tôi nhất quyết đưa sinh viên đến tận đồi Vọng Cảnh xem tận mắt, nghe tận tai, thì mới có thể giúp sinh viên và chính mình xử lý thông tin chính xác. Quả là không gì giá trị đối với nhà báo hơn những điều “bắt tận tay, day tận mặt”.

Đến tận nơi, mới biết là, nếu dư luận báo chí chống đối việc xây dựng này, nhất là nghe ngóng từ xa, và gọi tên là “dự án xây dựng trên đồi Vọng Cảnh, thì quả là không có gì sai. Tôi cũng muốn thấy mình ngả theo ý kiến của đồng nghịêp. Nhưng đến tận “hiện trường” mới thấy, không ai dại gì mà xây cả một khu Life Resort lừng lững trên đỉnh đồi lồng lộng gió, nơi ngắm nhìn sông Hương chảy chậm trong một khúc quanh kì diệu, đẹp vô bờ của nó. Thực ra, khu này chỉ muốn xây dựng bên sườn đồi Vọng Cảnh thôi.

Tôi cùng một nhóm sinh viên ưa nhìn tận mắt, bắt tận tay, và thích gọi sự vật bằng đúng tên của nó, đã chăm chú, cẩn thận đi theo người hướng dẫn đường là một thầy giáo người Huế, yêu Huế rất mực, để thấy và chụp ảnh, chụp từ nơi cao nhất mà khu Life Resort có thể xây dựng, được đánh dấu bằng những dấu tròn xi măng trong đám sim mua dại mọc đầy, cho đến nơi thấp nhất là sát kề mép nước sông Hương, nơi thuyền có thể cập bến lên bờ, thì, tất cả đều thấy có cùng một cảm giác: mình đã đưa vai vào một cánh cửa đã mở rồi. Nghĩa là, khi báo chí đưa tin, người đọc cứ hình dung ngay một khách sạn “ngự trên đồi cao”, vừa xấu, vì xúc phạm cảnh quan đồi Vọng Cảnh, lại vừa sai phạm Luật Di sản?

Nhưng thực ra, còn rất xa, nóc của Life Resort mới có thể cao ngang với đỉnh đồi, chứ đừng nói đến, khách sạn này đứng trên đỉnh đồi. Căn cứ vào những mốc cao thấp như đã thấy, khu này được dự định xây hòa hợp với đồi Vọng Cảnh, như muốn nép sát vào nó, về phía sườn đồi sát với mặt nước sông Hương, để các cửa sổ có thể nhìn gần nhất và thân mật nhất chỗ uốn lượn đẹp kì diệu của dòng sông Hương. Tại sao không? Về sau, trong các cuộc tọa đàm với các cơ quan báo chí khác, như Đài TNVN khu vực miền Trung đóng tại Đà Nẵng, Báo Đà Nang, bộ phận miền Trung của báo Thanh Niên tại Đà Nẵng, dù cho các cơ quan này có ý kiến không giống nhau về vấn đề đồi Vọng Cảnh, thì sinh viên của tôi cũng có cơ sở sự thật để tự tìm ra ý kiến riêng của mình, và có thể tự viết bài trên góc nhìn báo chí độc lập của mình.

Chính vì vậy, trong tờ Lao Động số ra ngày 16/5/2005, khi tôi đang viết bài này, tôi đọc một tin “mới toanh” của nhà báo H.V.M, viết về Đồi Vọng Cảnh, với tít báo: UBND thành phố Huế đề nghị được quản lý khu vực đồi Vọng Cảnh, thông báo rất rõ lý do: “đề nghị xin được quản lý khu vực đồi Vọng Cảnh để phát huy những giá trị về văn hóa, du lịch, đồng thời tạo cảnh quan cho thành phố”. Nhà báo còn nêu thật rõ: Công văn này gửi ngày 15/6, và tuy chưa nhận được, nhưng trong cùng ngày, ông Ngô Hòa, phó Chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế đã cho biết: “Chắc chắn UBND tỉnh sẽ đồng ý, bởi nó phù hợp với chủ trương của tỉnh là chỉnh trang, tôn tạo để biến khu vực đồi Vọng Cảnh thành một điểm tham quan, ngắm cảnh của người dân Huế và khách du lịch”.

Cũng theo ông Hòa, việc UBND thành phố Huế quản lý khu vực đồi Vọng Cảnh sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án xây dựng khu Life Resort bên sườn đồi Vọng Cảnh vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, vì dự án chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ khu vực đồi. Ồng cho biết hiện đối tác đã trình bày 3 phương án mới về địa điểm và quy mô khu Life Resort này, nhưng UBND tỉnh chưa quyết, vì còn đợi ý kiến thẩm định của Sở xây dựng và Sở VHTT”.

Tôi tin rằng, khi đọc cái tin này, tất cả sinh viên của tôi, do đã quan tâm đến thông tin về đồi Vọng Cảnh, và từ giữa tháng Tư đã tận mắt, tận tai chứng kiến các luồng thồng tin, và đã biết trước kết quả là Life Resort vẫn sẽ được xây dựng, nên sẽ đủ cơ sở để nhận thức được rằng, để có một cái tin chính xác như thế, khép lại một vấn đề ồn ào như thế, đằng sau nó, nhà báo đã phải xử lý hàng trăm tin tức và các sự biến liên quan. Như thế, cái tin đã khẳng định: việc quản lý toàn cảnh khu vực đồi Vọng Cảnh do UBND thành phố Huế đề nghị được làm, cho đến lúc này là đúng và đã được quyết định, và trong đó, sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án xây dựng Life Resort bên sườn đồi Vọng Cảnh, cũng đã được thông qua, vì dự án chỉ chiếm một phần nhỏ trong khu vực đồi.

"Đi một ngày đàng học một sàng khôn"

Sau chuyện này, sinh viên được một bài học sáng chói về viết tin, bằng mắt thấy tai nghe, và đưa tin trung thực, khách quan, cùng với một vỡ lẽ: không phải lúc nào nhà báo cũng đúng. Còn tôi, có lý do để đùa sinh viên: Cô trò mình đi từ Hà Nội vào tận đây chỉ để phân biệt được hai từ: trên sườn đồi và trên đồi, là hai từ khác nhau một trời một vực trong thông tin. Như thế cũng đáng đồng tiền bát gạo!

Cứ thế, trong va đập liên tục với thực tế miền Trung một cách sống động như vậy, những sinh viên - nhà báo trẻ của tôi đã học được rất nhiều. Học được từ những nhà báo giỏi ở báo Thanh Niên, ở báo Đà Nẵng, ở Đài TNVN tại Đà Nẵng cách “xông vào thực tế", qua các câu chuyện nghề nghiệp, qua cách lấy tin, cách tường thuật một sự kiện, cách phỏng vấn một nhân vật nổi tiếng, cách phát hiện vấn đề bảo tồn và phát huy di tích vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận ở miền Trung, cách tổ chức thông tin cốt lõi ấy bằng ngôn ngữ báo chí chuẩn xác cho một bài báo...

Và phải nói rằng, sau Huế, Đà Nẵng, rồi trên đường trở về Hà Nội, đi qua Quảng Bình, Quảng Trị, những con người, lịch sử và thắng cảnh của những vùng đất đáng nhớ ấy, đã để lại cho sinh viên của chúng tôi những ấn tượng không hề phai mờ. Đặc biệt là nhân vật báo chí: Nguyễn Sự, mà sinh viên của tôi cực kì yêu mến, vì những cống hiến của ông cho Hội An trở thành tài sản văn hóa vật thể của UNESCO (ngay sau chuyến đi của chúng tôi, cuối tháng 4, Nguyễn Sự đã được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”).

Kết quả chuyến đi thật ngoài sự tưởng tượng của tôi. Sinh viên tiến bộ trông thấy về nghề nghiệp, hỏi những câu hỏi hay hơn, mang tính báo chí cao hơn trong các cuộc đối thoại, phỏng vấn, biết chọn góc quay của camera, của máy ảnh, biết ghi chép tư liệu và tổ chức tác phẩm báo chí...

Thế mới biết, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Phải chăng, đây là cách thức đào tạo và học nghề báo chí mà theo tôi, có thể gọi là hiện đại vì tính thực tiễn cao của nó, đối với sinh viên báo chí hôm nay?

  • GS. TS Nguyễn Thị Minh Thái