- Sáng 23/10, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dự Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016 của Trường Việt – Đức tại Bình Dương.

Trong suốt buổi nói chuyện với Ban giám hiệu nhà trường, các giảng viên và sinh viên, ông Nguyễn Thiện Nhân dùng tiếng Anh. Hơn 1.200 sinh viên trong và ngoài nước đang theo học tại trường tỏ ra thích thú và hào hứng với bài nói chuyện này.

Ra đời năm 2008, sau 7 năm thành lập, Trường ĐH Việt - Đức đã và đang đào tạo trên 1.400 sinh viên và học viên với 4 chương trình bậc cử nhân và 7 chương trình bậc thạc sĩ. Đã có 215 sinh viên và học viên cao học tốt nghiệp, đa phần các em đều tiếp tục học bậc cao hơn hoặc tại CHLB Đức.

{keywords}
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong lễ khai giảng tại Trường ĐH Việt -Đức sáng 23/10.

Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh; trong quá trình học tập sinh viên cũng được học tiếng Đức song song.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Trường ĐH Việt – Đức đã xây dựng thành công 17 phòng thí nghiệm hiện đại cho 11 chương trình đào tạo của mình: phòng thí nghiệm robot, phòng thí nghiệm tự động hóa, phòng thí nghiệm mô phỏng tốc độ tính toán cao cho ngành tính toán kỹ thuật và mô phỏng trên máy tính, phòng thí nghiệm máy gia công và chế tạo khuôn mẫu, phòng thí nghiệm công nghệ lắp ráp, phòng thí nghiệm nghiên cứu quản lý giao thông của trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, phòng thí nghiệm thời gian thực.

Ông Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng lãnh đạo và các cán bộ nhân, viên nhà trường, những người đã tham gia xây dựng dự án để phát triển Trường Việt-Đức theo hướng kết hợp hài hòa những giá trị tốt đẹp nhất trong truyền thống của Việt Nam và Đức, là cầu nối hữu nghị giữa hai nền văn hóa.

{keywords}
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với lãnh đạo nhà trường (Ảnh: Hoàng Long)

GS.TS. Juergen Mallon, Hiệu trưởng Đại học Việt-Đức chia sẻ: "Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng và phát triển trường như một trường đại học mô hình mới, tập trung vào nghiên cứu. Các kết quả đạt được cho thấy dự án này là khả thi. Trường đang tiến hành các nghiên cứu cơ bản và đồng thời ứng dụng nghiên cứu trong hợp tác với các doanh nghiệp để đóng góp cho sự phát triển về kinh tế và xã hội của Việt Nam và để hỗ trợ Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020".

Nhắn nhủ các sinh viên đang theo học tại đây, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ: “Tôi tin tưởng với kiến thức chuyên môn, kỹ năng, vốn hiểu biết xã hội và ngoại ngữ tích lũy được trong thời gian theo học tại Trường Đại học Việt-Đức, các em sẽ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, các em cũng sẽ phát huy được thế mạnh trên đây của mình. Sự thành công của các em chính là thành quả có ý nghĩa nhất của Đại học Việt-Đức”.

Ngọn hải đăng trong mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức

Đặc điểm của Trường ĐH Việt Đức là xây dựng và phát triển thành một ĐH nghiên cứu theo mô hình đào tạo và quản trị của các đại học Đức với sự thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu và cơ cấu đào tạo và bằng cấp theo các chuẩn mực châu Âu, tương thích với tiến trình Bologna. Theo đó, Nhà trường đưa ra các yêu cầu cao về điều kiện tuyển sinh cho tất cả các bậc học, công tác giảng dạy định hướng theo nghiên cứu.

Một nét mới mà ít trường đại học theo mô hình cũ ở Việt Nam làm được đó là tạo và giữ mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, thông qua đó nhiều sinh viên của trường được nhận học bổng, được tiếp nhận thực hành cũng như tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp ngay tại các doanh nghiệp.

Trong một báo cáo gần đây của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức về Trường, đại diện doanh nghiệp Đức ở Việt Nam đã đánh giá trường Đại học Việt-Đức là đơn vị dẫn đầu các trường đại học ở TP HCM với chất lượng đào tạo cao. Thực tế này cho thấy, Đại học Việt – Đức đã khẳng định hướng đi đúng đắn của mình. 

{keywords}
Ảnh Hoàng Long

Mặc dù trong hai năm đầu, việc triển khai dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra, đến nay dự án đã vào nề nếp, tiến độ thực hiện được đẩy nhanh. Đến thời điểm hiện tại dự án đã trải qua 7 đợt giám sát của Ngân hàng Thế giới đã đánh giá dự án đi đúng hướng, kết quả thực hiện dự án đang hướng đến các mục tiêu đã đặt ra ban đầu.

Trường Đại học Việt Đức đang nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội hơn 30 trường ĐH Đức trên toàn liên bang thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo và giáo sư giảng dạy tại trường. Để tạo điều kiện và thu hút sinh viên, Đại học Việt - Đức có nhiều cơ chế khuyến khích sinh viên tài năng, sinh viên nghèo với nhiều học bổng do nhiều cơ quan, tổ chức, ngân hàng tài trợ. Ngoài ra, 40% sinh viên năm cuối có thành tích học tập xuất sắc được Cơ quan trao đổi hàm lâm CHLB Đức cấp học bỗng để thực tập và làm luận văn tốt nghiệp tại các trường đại học của Đức từ 6 tháng đến 1 năm.

Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh; trong quá trình học tập sinh viên cũng được học tiếng Đức song song. Sinh viên tốt nghiệp nhận bằng của CHLB Đức và bằng của Trường Đại học Việt Đức, mở ra cho các sinh viên tốt nghiệp của trường nhiều cơ hội việc làm, cũng như tiếp tục đào tạo và nghiên cứu lên bậc cao hơn.

Theo Kế hoạch phát triển đào tạo giai đoạn 2015-2021, ĐH Việt Đức sẽ triển khai đào tạo 6 khối ngành: Điện tử viễn thông, Cơ khí, Xây dựng - Kiến trúc, Kỹ thuật môi trường và chế biến, Kinh tế và Quản lý, và Khoa học máy tính. Đạt mục 5.000 sinh viên trong đó khoảng 4.000 sinh viên đại học và 1.000 sinh viên cao học.

Sau 2021, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề đào tạo sang các lĩnh vực khoa học tư nhiên và khoa học xã hội thiết thực với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam và quy mô đào tạo dự kiến đạt 12.000 sinh viên sau năm 2030. 

  • Văn Chung