- Các ý kiến về cải tiến tuyển sinh được đưa ra nhiều nhưng Bộ GD- ĐT vẫn chưa xác định đâu là mấu chốt.
Nhà báo Kiều Oanh: Mùa tuyển sinh năm 2015 đã kết thúc với nhiều sự kiện.Tại Hội nghị kết mới đây, Bộ GD- ĐT đã đề xuất phương hướng tuyển sinh năm 2016 theo tinh thần tăng tự chủ cho các trường. Góc nhìn thẳng của VietNamNet đã mời bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) để bàn luận về câu chuyện này.
Xin cảm ơn bà đã nhận lời tham dự chương trình.
Nhà báo Kiều Oanh: Theo dự kiến thay đổi cho mùa tuyển sinh tới, theo bà đâu là điểm mấu chốt mà Bộ GD-ĐT sẽ buông ra để thúc đẩy sự tự chủ tuyển sinh của các trường?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Những phác thảo về tuyển sinh năm 2016 trong báo cáo tổng kết năm học vừa qua chỉ là những dự kiến để các trường thảo luận kỹ hơn tuyển sinh năm sau. Còn trong Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo khái quát: “Chúng ta đã nỗ lực, đã đi đúng hướng và cần làm mạnh hơn nữa”. Và về vấn đề thi cử, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải có những buổi làm việc cụ thể với các bộ, ban, ngành, các tổ chức nghề nghiệp như các hiệp hội và những người trực tiếp làm công tác này”.
Thực hiện chỉ đạo đó, Bộ GD- ĐT chưa đưa ra vấn đề nào là mấu chốt để đảm bảo quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện quy trình tuyển sinh mới. Cho tới nay, quy trình này đã khá định hình. Và vì vậy, nhất định tới năm 2016 các trường sẽ được tự chủ hơn trong công tác tuyển sinh. Mặc dù chưa xác định cái nào là mấu chốt, chưa quyết định sự thay đổi sẽ là những điểm cụ thể nào, nhưng Bộ GD-ĐT sẽ phải bằng mọi cách để phát huy những thành công trong tuyển sinh năm 2015 và khắc phục những hạn chế vừa qua mà chúng ta cũng đã nhận ra. Sẽ làm để thực hiện đúng tinh thần của Phó Thủ tướng là kỳ thi sẽ công bằng, trung thực, nghiêm túc hơn nhưng nhẹ nhàng hơn…
Nhà báo Kiều Oanh: Phát biểu tại một hội nghị bàn về đổi mới giáo dục ĐH năm 2015, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có đặt vấn đề công tác tuyển sinh chỉ là chuyện nhỏ nhưng thời gian qua chúng ta đã đẩy nó lên thành vấn đề lớn. Thưa bà, có vẻ riêng việc tuyển sinh đã quá loay hoay, vậy thì thời gian đâu để chúng ta đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đào tạo?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Đúng là đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề lớn mà trong suốt quá trình quản lý giáo dục phải quan tâm và đẩy mạnh từng thời gian. Việc quản lý chất lượng hay là đảm bảo chất lượng đào tạo là cả một quá trình, từ tuyển sinh cho đến chất lượng đầu ra. Làm thế nào để kiểm soát được quá trình đó là quan trọng, còn tuyển sinh chỉ là một khâu trong quá trình đó.
Để thực hiện cả quá trình quản lý và đảm bảo chất lượng, thời gian vừa qua Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng chính sách tổng thể cho vấn đề này. Mới đây, Bộ GDĐT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH. Trong đó, các tiêu chí phân tầng, xếp hạng chủ yếu là các tiêu chí để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Vừa rồi, Bộ cũng đã ban hành ban hành Thông tư chuẩn kiến thức tối thiểu đối với các trình độ GDĐH, ban hành Thông tư Chuẩn quốc gia đối với các cơ sở GDĐH… và xây dựng hệ thống văn bản kiểm định chất lượng đối với cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo. Đó là khung pháp lý được xây dựng để kiểm soát chất lượng đào tạo. Nếu thực hiện, chúng tôi cũng mong muốn rằng cả quá trình sẽ được kiểm soát, chất lượng đầu ra sẽ được đảm bảo. Nếu thực hiện đầy đủ, sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, từng bước hội nhập quốc tế.
Còn vấn đề tuyển sinh cũng quan trọng, là điều kiện cần cho công tác đảm bảo chất lượng sau này nhưng chúng ta không nên quan tâm quá nhiều. Thực sự năm 2015, việc tuyển sinh có một số trục trặc, nhưng nhìn tổng thể thì không nên phủ nhận những thành công của nó.
Nhà báo Kiều Oanh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015 – 2016 là cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH, CĐ. Bà có thể cho biết cấu trúc của hệ thống giáo dục đại học trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Cấu trúc lại hệ thống giáo dục ĐH là một việc lớn năm vừa rồi đã bắt đầu đặt ra. Để thực hiện vấn đề này, ngành giáo dục đào tạo cũng sẽ phải có nhiều cuộc làm việc cụ thể với các bộ ngành, các địa phương, các nhà đầu tư để làm sao xác định lại cơ cấu, xác định lại mục đích duy trì hệ thống trường lớp ở các bộ ngành, các địa phương. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có những bước cụ thể cho việc cơ cấu lại.
Tuy nhiên, về mặt khái quát, chúng tôi cũng thấy rằng thứ nhất phải thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo. Thứ hai là cũng phải cơ cấu lại hệ thống cho vừa phù hợp với Luật Giáo dục Nghề nghiệp, vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học. Trong đó, ngành giáo dục đào tạo đặc biệt chú trọng cơ cấu hệ thống các trường sư phạm vì liên quan đến đào tạo giáo viên là liên quan đế cả hệ thống.
Và trên cơ sở những nét phác thảo đó, chúng tôi sẽ có các cuộc làm việc cụ thể với các bộ ngành, địa phương, trong nội bộ ngành giáo dục, để làm sao cơ cấu của chúng ta đạt hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, và phù hợp quy mô và nhu cầu học đại học của xã hội.
Gần đây, có một số trường tuyển sinh bằng phương thức cũ kết quả không tốt, nhưng nay thay đổi lại phương thức thì tuyển sinh vẫn không tốt. Nếu duy trì các trường này sẽ lãng phí nguồn lực. Vì vậy, sắp tới trước mắt chúng ta cũng bàn đến việc phải làm gì với các trường tuyển sinh không được. Với các trường này, hoặc là phải thay đổi cơ cấu ngành đào tạo, hoặc sẽ phải thực hiện phương án như hợp nhất, sát nhập những trường đó trở thành phân hiệu của các trường đại học có uy tín. Làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên, hạn chế đến mức tối thiểu các trường ĐH, CĐ chưa đảm bảo tốt chất lượng đào tạo.
Nhà báo Kiều Oanh: Xin cảm ơn bà. Cảm ơn quý vị đã theo dõi. Hẹn gặp lại quý vị trong chương trình Góc nhìn thẳng số tới!
VietNamNet