- PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định quan điểm của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Giáo dục Lịch sử là duy trì môn Lịch sử là môn học độc lập, bắt buộc ở bậc THPT.

Tại hội thảo “Tích hợp giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 3/11, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam, nhiều giảng viên đại học, giáo viên dạy sử đã trực tiếp kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu để môn Lịch sử là môn học riêng biệt, bắt buộc.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đã có cuộc trao đổi với VietnNamNet.

Không nước nào tích hợp lịch sử như vậy

Cảm nhận của ông sau cuộc hội thảo này là thế nào, thưa ông?

- Tôi rất hài lòng nhận thấy các đại biểu tham dự hội thảo, các nhà sử học, nhà quân sự phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, hoàn toàn sự nghiệp giáo dục, vì đất nước, với mong muốn môn Lịch sử được đặt đúng tầm trong tình hình nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, một số ý kiến có tính chất trao đổi lại với các giáo sư hàng đầu ngành lịch sử chưa thực sự thỏa đáng và gây bức xúc ngay sau khi kết thúc hội thảo.

{keywords}

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản)

Còn ý kiến của ông và của các nhà sử học cho tới thời điểm này?

- Theo dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, môn “Công dân với Tổ quốc” là một môn học mới, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh. Việc tích hợp và tên gọi môn học này cần phải có cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng.

Chúng tôi đã được giao nghiên cứu một nhiệm vụ liên quan đến Lịch sử, Địa lý, và môn học “Công dân với Tổ quốc”, nhưng riêng môn “Công dân với Tổ quốc”, tôi không có khả năng làm được, không tích hợp được vì đây là ba môn khoa học khác nhau, do đó chúng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ này. Hiện nay thì Bộ phận Thường trực đảm nhiệm.

Nhóm nghiên cứu chưa thấy trên thế giới có nước nào có kiểu “tích hợp” này.  Trong dự thảo có ghi chú một số bang của Hoa Kỳ có tên môn học tương tự là “Công dân với chính quyền”. Chỉ đọc tên môn cũng thấy môn “Công dân với chính quyền” hoàn toàn khác “Công dân với Tổ quốc”.

Chúng tôi khẳng định quan điểm Lịch sử phải là một môn học độc lập, bắt buộc và không đồng ý có phân môn lịch sử trong môn “Công dân với Tổ quốc”.

Tại sao vậy, thưa ông?

- Vào năm 1941, Bác Hồ đã viết cuốn “Sử nước ta” (theo thể lục bát). Và tháng 2/1942, Bác viết bài “Nên học sử ta” (bằng văn xuôi) nhằm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết, để đánh thắng ngoại xâm. Bác Hồ đã chỉ rõ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Để thực hiện được “Dân ta phải biết sử ta” thì môn Lịch sử phải là môn bắt buộc, độc lập trong chương trình ở THPT, không thể là môn tự chọn. Đây chính là việc chúng ta phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã có chỉ thị về vấn đề trọng đại đại này.

Có ý kiến cho rằng trong Dự thảo hiện nay thì thời lượng kiến thức Lịch sử ngang bằng và thậm chí còn nhiều hơn chương trình hiện hành. Đó là: môn Lịch sử tự chọn dành cho học sinh chọn ngành lịch sử; môn Khoa học xã hội có nội dung Lịch sử dành cho học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên; Các chuyên đề tự chọn về lịch sử, và phân môn lịch sử trong môn “Công dân với Tổ quốc”.

Mới nghe và những người ít nghiên cứu thì thấy thế là tốt quá! Nhưng với 4 thể loại ấy thì nhà sử học nào xây dựng được Chương trình? Làm như vậy sẽ phá nát môn Lịch sử. 

Còn hiệu quả dạy và học sẽ như thế nào, ông có thể dự kiến?

- Trở lại nếu Lịch sử là môn tự chọn thì rất ít học sinh chọn môn này. Thực tế của nhiều năm gần đây là học sinh không thích học lịch sử.

Thực hư chuyện môn Lịch sử "biến mất" trong trường học

"Quan điểm muốn giữ môn Lịch sử và môn Giáo dục quốc phòng, an ninh ở THPT là môn học đứng độc lập là "chưa đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay"

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Theo tôi thì lớp trẻ hiện nay chạy theo xu thế hiện đại, thực dụng, đồng tiền lên ngôi, khoa học xã hội ở vị thế thấp kém, môn lịch sử càng kém, nên  họ sẽ không chọn môn lịch sử. GS Phạm Tất Dong đã nói đến vấn đề phải giáo dục tinh thần dân tộc và nâng cao lòng yêu nước trong tình hình hiện nay cho thế hệ trẻ. Và giáo sư đề nghị nếu học sinh không thích học thì càng phải bắt buộc học sinh phải học Lịch sử ở bậc THPT.

Học sinh chọn Lý, Hóa, Sinh sẽ phải chọn môn Khoa học Xã hội, trong đó có Lịch sử. Thực tiễn ở phổ thông trước đây, khi định hình các môn thi tốt nghiệp, thì các môn khác còn lại sẽ không học, hay chỉ học qua loa mà thôi. Khi học sinh đã chọn Khoa học Tự nhiên thì học Lịch sử cũng chỉ là hình thức không có hứng thú gì.

Có ý kiến cho rằng, nội dung Lịch sử còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác nữa. Thực tình chúng tôi không hiểu được tư duy này! Có lẽ do sự vận dụng khái niệm tích hợp một các tràn lan, cho rằng học tác phẩm văn học thì phải học hoàn cảnh lịch sử? Nhưng đó đâu phải là tích hợp. Có thể do chúng tôi yếu kém không hiểu hết được tích hợp!

Cũng không thể nói kiến thức lịch sử chỉ dạy ở phổ thông mà còn giáo dục lịch sử bằng nhiều hình thức đa dạng khác. Chúng tôi thừa nhận về lý luận thì đúng, nhưng hiện tại đâu có làm được. Đã lâu rồi có phim Đêm hội Long Trì, gần đây có phim Trần Thủ Độ. Bao giờ mới có phim lịch sử như của nước ngoài?

Vì thế, tại sao phải là môn bắt buộc thì mục tiêu, vai trò môn Lịch sử mọi người đã rõ. Tôi xin nhấn mạnh là trong điều kiện hiện nay ở nước ta khi các thế lực thù địch vẫn âm mưu phá hoại đất nước, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, nâng cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh thì bắt buộc học sinh phải học lịch sử ở THPT. Không nên vì giảm môn bắt buộc mà để môn Lịch sử là môn tự chọn trong thời điểm lịch sử hiện nay. Về vấn đề này các nhà sử học hàng đầu của Việt Nam như GS Phan Huy Lê  đã chỉ rõ nếu Lịch sử là môn tự chọn thì rất nguy hiểm.

{keywords}
Rất ít học sinh chọn môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia (Ảnh Lê Anh Dũng)

Các nước phát triển đang đầu tư cho lịch sử

Theo dự thảo, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được tham khảo theo xu hướng của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Ông có thể cho biết kinh nghiệm quốc tế đối với môn học này? Liệu có phải giới sử học Việt Nam “cố chấp” khi nhất quyết đề nghị môn Lịch sử là một môn học bắt buộc ở bậc THPT?

- Thực tế thì nhiều nước trên thế giới lấy môn Lịch sử là môn bắt buộc, cũng là vấn đề chính trị, vấn đề giáo dục tinh thần dân tộc cho học sinh.

Tại Mỹ và Canada, môn lịch sử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục. Đó không chỉ là một môn học thông thường mà còn là một môn học nhằm giáo dục nhân cách, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức công dân. Đồng thời sự am hiểu lịch sử dân tộc là tiêu chuẩn hàng đầu đối với công dân Mỹ và Canada. Đây là môn học cơ bản bắt buộc ở các trường phổ thông, cùng với các môn học khác như Toán, Tiếng Anh, Vật Lý, Ngoại ngữ…

Lịch sử phải là môn “khoa học” trước khi thành môn “bắt buộc”

"Trong bối cảnh chủ quyền đất nước bị xâm phạm, sự xuất hiện những ý kiến trên và sự đồng cảm theo sau là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, “bắt buộc” có phải là giải pháp tối ưu để làm cho học sinh yêu môn lịch sử? Tôi nghĩ là không! Học sinh sẽ vẫn chán học sử và vị thế của môn lịch sử trong mắt học sinh, công chúng thậm chí cả giáo viên vẫn thế chừng nào không có cải cách thực sự để trở thành một môn khoa học".

Nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương

Theo Luật nhập cư của Canada, những người muốn có quốc tịch Canada phải trải qua bài thi viết và phần hỏi vấn đáp về lịch sử chính trị - xã hội và lịch sử văn hóa Canada từ 1867 đến nay.       

Đối với Hà Lan trong hệ thống  giáo dục thì với cấp THPT (kéo dài từ 2 - 3 năm), môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với những học sinh muốn tiếp tục học lên bậc đại học.

Ở Vương quốc Bỉ, môn Lịch sử là môn bắt buộc đối với cấp THCS và THPT cùng với Toán, Ngoại ngữ, Khoa học và Địa lý.   

Những nước gần chúng ta, ở trong khu vực, thì sao, thưa ông?  

- Gần chúng ta là Trung Quốc, thì ở bậc THCS (lớp 7 đến lớp 9), môn Lịch sử luôn là môn học bắt buộc. Ở bậc THPT (Lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử là môn học chính thống, độc lập trong chương trình THPT.

Ở Nhật Bản, từ lớp 1 đến lớp 5 kiến thức lịch sử được đưa vào trong môn Xã hội (Nghiên cứu xã hội). Đến lớp 6 thì Lịch sử được dạy như một khoa học nhưng vẫn nằm trong môn lớn là môn Xã hội. Lên THPT, có môn Lịch sử thế giới và Lịch sử Nhật Bản là bắt buộc, nhưng có hai cấp độ là A và B cho học sinh lựa chọn.

Ở Hàn Quốc, bậc THPT có 3 môn học là Lịch sử Hàn Quốc, Lịch sử Đông Á, Lịch sử thế giới, thì Lịch sử Hàn Quốc là môn học bắt buộc. Thông tin mới nhất hiện nay là Hàn Quốc đặc biệt chú ý đến sách giáo khoa môn Lịch sử. Hàn Quốc có 8 công ty xuất bản sách, nhưng sắp tới thì môn Lịch sử do Chính phủ chủ trì viết SGK và xuất bản.

Một nghiên cứu mới nhất của TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Khoa học Sư phạm ĐH Sư phạm TP.HCM, đã thống kê các nước rất coi trọng môn Lịch sử, cơ bản trùng hợp với nghiên cứu của khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.TS Oanh thống kê trong 25 nước châu Âu, phần lớn môn Lịch sử là môn độc lập (bắt buộc), không là phân môn trong môn tích hợp nào...

Nghị quyết 29/TW của Đảng nói rõ về hội nhập quốc tế trong giáo dục, thế mà chúng ta không vận dụng để môn Lịch sử là môn học độc lập bắt buộc như nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện, mà lại cho môn Lịch sử là tự chọn, là phân môn trong các môn học khác.

Trong trường hợp phải tìm “tiếng nói chung” giữa Bộ GD-ĐT và các hội khoa học, theo ông, giải pháp nào là hợp lý?

- Chúng tôi đã kiến nghị ở THPT, môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc.

Nếu không được tất cả, thì nhất định môn Lịch sử Việt Nam (Lịch sử dân tộc) phải là môn học bắt buộc, còn Lịch sử Thế giới có thể là môn tự chọn.

Xin cảm ơn ông.

Ngân Anh thực hiện