- Giờ tan trường, hơn 200 học sinh THCS và THPT ào xuống hai bến đò, ngồi ở hai mép của mạn thuyền mà không cần áo phao cũng như phương tiện cứu hộ nào.

{keywords}
Chờ đò sau khi tan học

Cả xã Quảng Minh, Thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) có 10 thôn cồn bãi, trong đó khoảng 500 hộ dân với hơn 3000 nhân khẩu của các thôn: Cồn Nâm, Minh Hà, Tân Định, Đông Thành sống bên kia sông Gianh.

Đã bao đời nay, hàng ngàn người dân và học sinh hằng ngày vẫn phải qua sông bằng thuyền gỗ, đây là phương tiện duy nhất nối 4 thôn với bên ngoài.

“Đò bắt đầu chạy vào 6h sáng và nghỉ vào lúc 7h tối, mùa nắng còn đỡ, mưa xuống thì cực lắm. Nhất là mỗi khi có người ốm nặng cần đi cấp cứu. Đêm khuya gọi đò rất bất tiện”, ông Nguyễn Văn Toàn, trưởng thôn Cồn Nâm cho biết.

{keywords}
 Cảnh lên xuống đò lộn xộn

{keywords}
Khi mới lên đò, nhiều học sinh vẫn còn nghịch, chưa ổn định chỗ ngồi

Ở đây chỉ có lớp dành riêng cho các em học sinh bậc tiểu học và mầm non nên học sinh THCS và THPT đều phải qua sông đến trường. Tính riêng năm học này đã có hơn 200 em phải đi đò, nguy cơ tai nạn đường thủy luôn rình rập.

Theo quan sát, trên những chuyến đò ngang, số phao cứu sinh thường không được trang bị đủ, người đi đò không được mặc áo phao, chủ đò thường xuyên nhận chở quá số người quy định.

Em Hoàng Thị Cẩm Vân, học sinh lớp 6 ở thôn Đông Thành tâm sự: “Hằng ngày em phải dậy từ 4h sáng, sau khi học lại bài, 5h chúng em rủ nhau đạp xe lên bến đò gửi xe rồi đi đò sang sông đến trường”.

Mùa hè còn đi học kịp, nhưng mùa đông, đò chạy muộn nên nhiều học sinh phải chen chúc nhau mà vẫn trễ giờ. Còn mưa lũ là hàng trăm học sinh phải nghỉ học vì nước dâng cao, đò không qua sông được nên việc tiếp thu bài vở của các em chậm hơn so với những bạn ở bên kia sông.

Lái đò đã 8 năm nay, chị Hoàng Thị Hồng Thái cho biết, nếu có xe máy thì thu 10 ngàn/người/lượt, còn không có xe thì 5 ngàn/người. Đối với học sinh thì thu theo năm, mỗi năm khoảng từ 50 ngàn đồng/một em.

{keywords}
Đò nhận chở quá số người quy định

{keywords}
Mật độ đi lại của người dân rất lớn, đò lại bé nên mất an toàn

“Mấy lần đi họp phụ huynh cho em gái đang học THPT, lần nào cũng nghe cô giáo chủ nhiệm “tố cáo” vì các em bên này sông hay đi học muộn. Phụ huynh chúng tôi có trình bày nên cô cũng thông cảm”, anh Nguyễn Văn Thủy (29 tuổi) ở thôn Tân Định kể.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết: “Vùng cồn bãi nên đến nước sinh hoạt cũng phải mua bằng đò nên cuộc sống của bà con rất vất vả. Trong những đợt tiếp xúc đoàn đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị xin xây cầu cho người dân. Vừa rồi tỉnh đã có công văn về khảo sát, không biết thế nào chứ dân mong lắm”.

  • Hải Sâm