Nữ giáo sư Toán học thứ hai của Việt Nam – GS Lê Thị Thanh Nhàn – chia sẻ về những người chị biết ơn nhất trong cuộc đời, cũng như tâm sự đối với những người trẻ làm nghiên cứu khoa học.

{keywords}
GS Lê Thị Thanh Nhàn (Ảnh Văn Chung)

Những người thân yêu nhất

GS Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ cảm xúc “như trong mơ”, và niềm tự hào được công nhận chức danh giáo sư ở tuổi 45.

Nữ GS đặc biệt nhất của đợt công nhận chức danh lần này cho biết “Bố tôi là bộ đội tập kết ra Bắc, quê ở Thừa Thiên Huế, người cùng làng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Mẹ là giáo viên cấp 1, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, cùng làng Tùng Ảnh với Tổng bí thư Trần Phú”.

“Tuổi thơ của tôi là những chuỗi ngày gian khó, phải nhịn đói thường xuyên. Sau nhều năm tháng ở chiến trường, bố tôi bị sốt rét liên miên rồi mất sớm. Nhưng tinh thần lạc quan yêu đời của bố đã truyền tới chị em tôi một cách mãnh liệt”.

Con đường để có “giấc mơ” ngày hôm nay được chị Nhàn tóm tắt ngắn gọn: “Từ phổ thông tôi đã chọn toán nên khi vào khoa toán trường ĐH Sư phạm Việt Bắc, lúc đó mẹ tôi chuyển về quê bố ở Huế. Trong 4 năm đại học thời bao cấp, trong tình thương yêu đùm bọc của thầy cô bạn bè, tôi đã vươn lên hàng đầu khóa học, tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường giảng dạy khi tròn 20 tuổi.

Tôi nhận học vị Thạc sĩ tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1995, và học vị Tiến sĩ tại Viện Toán học năm 2001. Năm 2005 tôi được công nhận PGS, là PGS trẻ nhất của năm đó. Năm 2007 được trao giải thưởng toán học uy tín cho công trình cụm nghiên cứu đại số giao hoán.

Năm 2011 tôi được nhận giải thưởng Kovalevskaia”.

“Đối với tôi, được nghiên cứu toán là được làm điều mình yêu thích, được phát huy năng lực của mình để đóng góp tốt hơn cho sự nghiệp khoa học và đào tạo” – chị Nhàn khẳng định. “Thành công của tôi ngày hôm nay bắt đầu từ sự yêu thích đó”.

Bố mẹ, thầy cô đã dạy dỗ trong những năm tháng gian khổ là những người chị Nhàn muốn bày tỏ tình thương yêu vô bờ bến cùng sự biết ơn sâu nặng. Bên cạnh đó là “Sự hỗ trợ trọn vẹn từ phía chồng, con trai và con gái, đã luôn đồng hành và chia sẻ cuộc sống khó khăn cùng sự vụng về của người phụ nữ làm toán”.

Một người nữa mà chị Nhàn cho biết chị “vô cùng kính trọng và biết ơn” là GS TSKH Nguyễn Tự Cường – người đã “hướng dẫn và dõi theo tôi suốt chặng đường từ một cô học viên miền núi ngơ ngác đến khi trở thành GS toán học như ngày hôm nay”.

Cùng với ĐH Thái Nguyên đã gắn bó 25 năm qua, chị Nhàn chia sẻ còn một nơi nữa mà chị luôn thấy như trở về nhà, là Viện Toán. “Đó là nơi cho tôi cà sự nghiệp khoa học”.

{keywords}
GS Lê Thị Thanh Nhà nhận giấy chứng nhận (Ảnh Văn Chung)

Đừng bắt người trẻ phải “ăn đói”

“Tôi muốn truyền cho sinh viên của mình niềm tin để phấn đấu. Muốn khẳng định rằng những người có xuất phát điểm như tôi có thể vươn tới thành công nếu được đào tạo tại các trường đại học lớn trong và ngoài nước” – tân GS bày tỏ mong muốn..

Tuy nhiên, chị Nhàn cho rằng “Những gì tôi đạt được ngày hôm nay là kết quả của sự say mê và nỗ lực không mệt mỏi trong suốt thời gian dài. Nhưng cuộc sống còn có nhiều đường đi. Tôi không có ý định mang mô hình của chúng tôi ra để làm mẫu cho tất cả các bạn trẻ.

Thời chúng tôi và thế hệ đi trước có thể ăn đói và chịu đựng khó khăn, vẫn say mê làm khoa học và cống hiến. Nhưng đừng yêu cầu các bạn trẻ thời nay phải như thế” – chị Nhàn nhấn mạnh.

Nhận định rằng nghiên cứu khoa học là con đường chông gai và rất khó để làm giàu. nhưng vẫn có những bạn trẻ đang dấn thân, có những người có nhiều công trình xuất sắc, có người bỏ lại những ưu đãi ở nước ngoài trở về đất nước với môi trường làm việc còn quá vất vả... Theo chị Nhàn, “Sự thật là các đồng nghiệp tôi ở Viện toán chỉ 3, 4 triệu đồng/ tháng, lương của các GS cũng chỉ 8, 9 triệu đồng/ tháng. Như thế thì làm sao có thể yên tâm nghiên cứu khoa học?”.

Tuy nhiên, chị cũng bày tỏ niềm tin, rằng “Nếu có cơ chế chính sách hợp lý của Nhà nước, các cơ quan hữu quan, có sự quan tâm tài trợ xứng đáng của các tổ chức, các bộ ngành thì cách nghĩ của giới trẻ sẽ thay đổi. Ngày càng nhiều người xuất sắc tham gia nghiên cứu khoa học, và theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học chân chính”.

Ngân Anh ghi