Theo Ban Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể, Bộ GD - ĐT sẵn sàng chấp nhận một tên gọi khác cho môn học dự kiến “Công dân với Tổ quốc” nếu thấy phù hợp và hay hơn.
Trong văn bản trình bày về Cơ sở xác định cấu trúc và nội dung môn học "Công dân với Tổ quốc" trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Ban Xây dựng CT GDPT tổng thể cho rằng các nội dung GD về lịch sử, đạo đức – công dân và QP-AN ở cấp THPT có liên quan và khá gần gũi nhau: Đều tập trung trang bị các tri thức quan trọng, cần thiết nhất với học sinh cấp THPT, khi ra trường tròn 18 tuổi, trở thành công dân Việt Nam với những giá trị truyền thống dân tộc, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là các nội dung tiếp nối, nâng cao những tri thức phổ thông nền tảng về Công dân, Lịch sử và QP-AN đã được hoàn thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Việc đặt các nội dung này trong một môn học là nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
Học sinh THPT theo chương trình mới có thể sẽ học môn "Công dân vớii Tổ quốc" |
Lý do “bắt buộc”
Lý giải việc đưa “Công dân với Tổ quốc” là môn học bắt buộc, Ban Xây dựng CT cho biết: Số môn học bắt buộc ở cấp THPT trong CT hiện hành của Việt Nam nhiều hơn các nước. Việt Nam có 13 môn học bắt buộc (Ngữ văn, GDCD, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Thể dục, Ngoại ngữ, Tin học, GD Quốc phòng – An Ninh) còn CT của nhiều nước thì ít hơn.
Ngược lại, trong CT của nhiều nước các môn học tự chọn ở cấp THPT phong phú hơn CT Việt Nam hiện hành.
Dự thảo CT GDPT mới xác định 4 môn là bắt buộc với tất cả học sinh, trong đó có 3 môn mang tính công cụ - chi phối nhiều môn học - ngành nghề khác nhau (Toán1, Ngữ văn 1, Ngoại ngữ 1) và 1 môn xuất phát từ yêu cầu GD chính trị, tư tưởng (Công dân với Tổ quốc).
Môn "Công dân với Tổ quốc" là môn học bắt buộc, tuy không có hai tên gọi QP-AN và Lịch sử nhưng tất cả học sinh đều phải học QP-AN theo quy định của Luật GD Quốc phòng - An ninh: “Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là môn học chính khóa” và tất cả học sinh THPT đều bắt buộc phải học Lịch sử.
Đồng thời, tất cả học sinh còn phải bắt buộc học Lịch sử trong môn Khoa học xã hội (dành cho HS đi vào các ngành KHTN và Công nghệ - Kỹ thuật) hoặc môn Lịch sử (có yêu cầu cao hơn cả về Kiến thức lịch sử và về Khoa học lịch sử, dành cho những học sinh định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến Khoa học lịch sử).
Học gì ở “Công dân với Tổ quốc”?
Theo Ban Xây dựng CT, môn “Công dân với Tổ quốc” gồm 3 mạch nội dung chính (3 phân môn) và một số chuyên đề tích hợp.
Phân môn GD Đạo đức - Công dân: Chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và một số kỹ năng sống cần thiết chuẩn bị cho học sinh gia nhập xã hội Việt Nam hội nhập quốc tế với tư cách công dân
GD Đạo đức - Công dân bao gồm 3 mạch nội dung chính liên quan chặt chẽ: giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật và giáo dục kĩ năng sống (các kỹ năng này cũng sẽ được tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo). Ngoài ra cũng tích hợp, lồng ghép các nội dung khác như giáo dục kinh doanh, giáo dục chính trị …
Phân môn GD Quốc phòng - An ninh: “Bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam” và một số nội dung mang tính thực hành như kỹ thuật, chiến thuật, kỹ thuật phòng thủ dân sự…(các nội dung thực hành này cũng sẽ được tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo).
Phân môn GD Lịch sử: Các nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lòng yêu tổ quốc, tinh thần xả thân vì nước, tinh thần tự cường dân tộc, tư tưởng và những bài học, nghệ thuật quốc phòng của cha ông ta (các kiến thức về lịch sử được dành cho môn Khoa học xã hội và môn Lịch sử).
Một số chuyên đề tích hợp (sâu và chủ yếu từ 3 phân môn): Ví dụ, Lịch sử kinh đô nước ta qua các triều đại, Chủ quyền biển đảo Việt Nam, Truyền thống quan hệ Việt Nam – Lào…
Có thể đổi tên
Ban Xây dựng CT cho biết môn “Công dân với Tổ quốc” là môn học tích hợp, thuộc lĩnh vực Giáo dục Đạo đức - Công dân, theo sự phát triển từ thấp lên cao cả về tâm lý, phạm vi quan hệ và mức độ trách nhiệm của học sinh phổ thông: Ở tiểu học là môn "Giáo dục lối sống", lên cấp THCS là "Giáo dục công dân" và ở THPT là "Công dân với Tổ quốc".
Việc xác định tên môn học này đã được trao đổi ở nhiều hội thảo trong vòng 2 - 3 năm qua và sau nhiều ý kiến trao đi đổi lại đã cơ bản thống nhất. Cho đến nay, trong số các tên gọi khác nhau được đề xuất thì tên gọi này phản ánh tốt nhất mục tiêu và cấu trúc nội dung môn học này.
Tên gọi “Công dân với Tổ quốc” nhằm xác định các tri thức, hiểu biết quan trọng và cần thiết đối với học sinh THPT, khi học xong, đã là công dân Việt Nam cần mang trong mình những giá trị truyền thống Việt Nam với những quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tuy vậy, theo Ban Xây dựng CT, “Bộ GDĐT sẵn sàng chấp nhận một tên gọi khác nếu thấy phù hợp và hay hơn”.
Ngân Anh